- Lòng yêu nước.
Trong các giá trị đạo đức truyền thống, lòng yêu nước là “động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc” [23, tr.74]. Chủ nghĩa yêu nước là tình yêu đối với đất, lòng trung thành với Tổ quốc biểu hiện ở khát vọng và hành động tích cực để phục vụ
và đem lại lợi ích cho tổ quốc và nhân dân. Nó trở thành một giá trị, một động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ thúc đẩy biết bao thế hệ kiên cường, anh dũng hy sinh để giành lại và giữ nền độc lập Tổ quốc, bảo vệ những phẩm giá của chính con người. Chủ nghĩa yêu nước không chỉ là một giá trị mà nó còn là cội nguồn, là cơ sở của giá trị khác, nhất là các giá trị văn hóa.
Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người. Lòng yêu nước có nguồn gốc sâu xa từ ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng bản - Tổ quốc. Yêu nước là đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trên hết là chăm lo xây dựng quê hương, đất nước, sẵn sàng chống đô hộ và xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với mỗi người, lòng yêu nước phát triển từ những tình cảm gắn bó với làng xóm, với quê hương và cao hơn hết là tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc.
Nhìn lại lịch sử từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam rất tự hào về dân tộc mình. Đó là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, đấu tranh kiên cường, không nhượng bộ để chống xâm lược và bọn đế quốc thực dân, quyết bảo vệ nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, qua những chặng đường vô cùng oanh liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ truyền thống yêu nước, thông minh, sáng tạo, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm v.v. Trải qua bốn nghìn năm, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã được xây dựng và lưu truyền trong nền văn học dân gian: bà Âu Cơ đưa các con đi mở nước và dạy dân dựng làng, bà mẹ Gióng kiên trì nuôi đứa con “Chậm lớn, chậm đi” và giúp con lên đường đánh giặc, nàng Quế Hoa, cô gái dùng đá làm vũ khí, tung hoành giữa đám giặc Ân... Nguồn tư liệu khảo cổ học cũng bảo tồn những hình tượng thật của người phụ nữ “uy nghi chống nẹ trên chuôi kiếm” hoặc “nhịp nhàng giã cối, uyển chuyển đánh trống đồng”, Bà Trưng, Bà Triệu và những phụ nữ tài giỏi, dũng cảm khác của thời đại Ngô, Đinh, Lê, Trần, Lý, Lê. Tây Sơn như Thái hậu Dương Vân Nga, Ỷ Lan nguyên phi, đô đốc Bùi Thị Xuân... đã được ghi vào lịch sử thành văn của dân tộc. Hình ảnh nổi bật về người phụ nữ Việt Nam đã phải dành đến một phần ba thời gian
cho 24 cuộc chiến tranh giữ nước với quy mô cả nước và hàng trăm cuộc khởi nghĩa đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập.
Một nhà thơ đã viết:
“Trên đất nước nghìn năm chảy máu, Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”
Từ thế kỷ III trước công nguyên, trong những thời kỳ mà nhiều người còn gọi là “Bắc thuộc”, cùng với cả dân tộc, những người phụ nữ Việt Nam đã kiên quyết đứng lên chống bọn thống trị phương Bắc. Mở đầu truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là hai vị nữ anh hùng dân tộc: bà Trưng Trắc và em bà là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại quyền tự chủ cho đất nước. Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo (năm 40 đầu công nguyên) đã thu hút một lực lượng quần chúng đông đảo chưa từng thấy, chỉ trong một thời gian, 65 thành đã giải phóng, mở ra một trang sử vẻ vang cho dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, đã phủ định cái uy quyền “bình thiên hạ” của đế chế Hán đang thời kỳ thịnh đạt, đồng thời nó cũng khẳng định khả năng giành độc lập, mở đường cho các thế hệ sau đi tới thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nó còn chứng minh khả năng cách mạng và lòng yêu nước vô bờ bến của phụ nữ. Dân tộc ta, còn ghi nhớ những gương phụ nữ kiệt xuất (36 nữ tướng) cùng đứng lên với Hai Bà gánh vác sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Các nữ tướng như Lê Chân được thờ ở Hải Phòng. Thiều Hoa được thờ ở Vĩnh Phú, Thánh Thiên được thờ ở Hà Bắc, Lê Thị Hoa được thờ ở Thanh Hóa...
Sau Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, một lần nữa, khẳng định tinh thần, ý chí tự chủ, tinh thần độc lập của dân tộc với câu nói hào hùng đầy khí phách của Bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi vòng chìm đắm, chứ đâu có chịu cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Tài làm tướng chỉ huy chiến đấu ở trận tiền của bà khiến giặc Ngô phải khiếp sợ gọi bà là Bà Vương (Vua Bà). Còn nhân dân ta rất tự
hào truyền tụng lại cho nhau hình ảnh kiên cường của người nữ tướng cưỡi voi đánh giặc:
“Con ơi, con ngủ cho lành Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi”
Bằng những cách đánh giặc muôn hình muôn vẻ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến vẫn không ngừng tích cực tham gia vào sự nghiệp cứu nước. Bà hàng nước thành Cổ Lộng (Nam Hà) làm nội ứng cho nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi - Nguyễn Trãi hạ thành, và nhiều phụ nữ khác ở thời Trần, thời Lê, thời Tây Sơn đã trực tiếp đánh giặc theo nhiều cách. Đấy là những người phụ nữ ở ven sông Bạch Đằng, đem hết thóc gạo trong nhà lương ăn cho quân sĩ, và mách Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giờ nước thủy triều của dòng sông quê hương, giúp nhà Trần lập nên chiến công sông Bạch Đằng lừng lẫy.
Trong phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ XVIII, đô đốc Bùi Thị Xuân, một tướng lĩnh trụ cột của Quang Trung - (Nguyễn Huệ), chỉ huy một đạo quân riêng gồm 5 nghìn quân phục màu đỏ, đã nhiều phen làm quân thù thất bại thảm hại, nhất là ở trận Trấn Ninh nổi tiếng.
Thế kỷ XIX, chống lại triều đại phong kiến nhà Nguyễn “Bà Ba Cai Vàng” (tên thật là Yến Phi) chỉ huy cuộc nổi dậy của nông dân đánh chiếm thị trấn Lạng Giang (Bắc Giang), Văn Giang (Hưng Yên) và Bắc Ninh. Một bài vè còn truyền tụng mãi trong nhân dân:
“Khen thay trí lực đàn bà Bắc Ninh tài tướng bà Ba Cai Vàng”
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta và cấu kết với phong kiến thống trị nhân dân ta, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã cùng với dân tộc, phát huy truyền thống đánh giặc cứu nước.
Bà Đinh Phu Nhân 10 năm liền hoạt động dũng cảm trong phong trào Duy Tân, tới khi bị giặc bắt, tra khảo nhưng bà không khai nửa lời. Trước khi tử tiết bà để lại
Suối vàng gạt lệ gặp bà Trưng Máu thấm hồn quyên khóc thảm thương
Lạy Phật: thân này còn hóa kiếp Tay binh nghìn cánh, cánh nghìn gươm
Các thế lực phong kiến phương Bắc, từ bao đời mưu toan thủ tiêu nền văn hóa Việt Nam - từ những giáo hóa về hôn nhân gia đình của bọn quan lại nhà Hán, đến chính sách đồng hóa về phong tục của bọn quan lại nhà Minh.v.v
Những nữ chiến sĩ - nghệ sĩ Việt Nam đã góp phần tích cực làm thất bại mưu toan đồng hóa của kẻ thù, bảo vệ và phát triển nền văn hóa của dân tộc, họ là người chiến sĩ giữ nước kiên cường, bất khuất.
Lịch sử dân tộc đã ghi nhận vai trò tích cực khả năng và cống hiến to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước trên mọi lĩnh vực. Song ách thống trị về mặt giai cấp của các thế lực phong kiến kéo dài hàng nghìn năm chất nặng lên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam.
Từ giữa thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn phản động đã đầu hàng nhục nhã khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nước ta đã trở thành một nước thuộc địa và nửa phong kiến. Cảnh ngộ người phụ nữ Việt Nam trong gần 100 năm bị thực dân Pháp thống trị lại càng bi đát.
Ngay từ những năm đầu xâm lược Việt Nam, giặc Pháp đã đốt phá, giết chóc và hãm hiếp, gây biết bao tai họa cho nhân dân và phụ nữ ta ở khắp nơi. Về tội ác của quân cướp nước đối với phụ nữ cũng như đối với cả dân tộc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã nói: Phạt cho đến kẻ hèn người khó, thân của quang treo, tội chẳng tha con nít đàn bà , đốt nhà bắt vật... Cấu kết chặt chẽ với bọn phong kiến bán nước và giai cấp địa chủ phản động, chủ nghĩa đế quốc Pháp đã thi hành những chính sách hết sức tàn bạo. Chúng chia cắt nước ta làm ba “Kỳ”, chia rẽ dân tộc đa và thiểu số; chúng c- ướp đất, một phần để khai thác đồn điền, hầm mỏ... làm cho hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, trở thành nguồn nhân công rẻ mạt để chúng tha hồ bóc lột nạo vét đến
tận xương tận tủy. Chúng thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố vô cùng dã man kìm hãm ngu dân, đầu độc và ra sức phá hoại những truyền thống, phong tục tốt đẹp của nhân dân ta. Trong gần 100 năm thống trị đất nước ta, thực dân Pháp dìm cả dân tộc ta vào cuộc sống nô lệ, đói nghèo lạc hậu, dốt nát mê tín. Chúng mở sòng bạc, nhà chứa, tiệm nhảy nhiều hơn bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà tù nhiều hơn trường học, cấm ngặt sách báo tiến bộ, cho tự do tiêu thụ rượu, thuốc phiện.
Trước cảnh nước mất nhà tan, quyền sống bị tước đoạt nhân phẩm bị chà đạp, nhiều phong trào yêu nước đã nổi dậy chống thực dân: phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng, phong trào Duy Tân của Phan Bội Châu, phong trào cải cách dân chủ tư sản do Phan Chu Trinh đề xướng, cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, phong trào nào cũng có phụ nữ tham gia đông đảo.
Những năm 1930, ở bất kỳ đâu, những cán bộ của Đảng cũng được những người phụ nữ đùm bọc, che giấu trước sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Những năm 1939 - 1945, vấn đề giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, một trong những nhiệm vụ cấp bách được đặt ra là phải xây dựng tổ chức lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh, một số phụ nữ đã có mặt trong các tổ chức quân sự đầu tiên.
Những ngày mùa Thu tháng Tám năm 1945, hàng triệu phụ nữ đã có mặt trong các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, ở một số địa phương, phụ nữ là người chỉ huy khởi nghĩa. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, phụ nữ khắp nơi lại tham gia vào những công việc ở hậu phương cũng như tiền tuyến. Từ năm 1950 - 1954, cả nước có hàng triệu phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay như "đòn gánh đánh càn" (ở miền Bắc), "tầm vông diệt giặc" (ở miền Nam). Có thể nói, trong chiến đấu, phụ nữ tỏ ra không hề thua kém nam giới, nhiều tấm gương tiêu biểu đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang như chị Nguyễn Thị Chiên, chị Hồ Thị Bi, nữ quân báo Lê Thị Tạo v.v.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Nam - nơi tuyến đầu của Tổ quốc, phụ nữ luôn là lực lượng đấu tranh hăng hái, dũng cảm và sáng tạo. Suốt 21 năm chiến đấu
gian khổ, chị em đã vận dụng nhiều phương châm như đấu tranh hợp pháp, bất hợp pháp, xây dựng cơ sở trong lòng địch, bám đất bám dân, kiên cường chiến đấu. Đội quân tóc dài, các đội nữ du kích, nữ tự vệ, nữ biệt động luôn là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược.
Còn tại hậu phương lớn miền Bắc, phụ nữ sôi nổi hưởng ứng phong trào "Ba đảm đang" bảo vệ và xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cao nhất sức người sức của cho tiền tuyến. Hàng vạn chị em đã tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, các đoàn dân công hoả tuyến. Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chị em có mặt nhiều hơn trong lực lượng dân quân trực tiếp chiến đấu, góp phần đáng kể vào thành tích bắn rơi 4000 máy bay địch, làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không" giữa bầu trời Hà Nội. Chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975 có những đóng góp to lớn của phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung.
- Lòng nhân ái, nhân hậu yêu thương con người
Cùng với lòng yêu nước, Lòng nhân ái yêu thương con người là một trong những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta (trong đó có phụ nữ), truyền thống này bắt nguồn sâu xa từ trong sinh hoạt công xã nông thôn, được củng cố. phát triển qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tấm lòng nhân nghĩa, nhân ái chính là cơ sở cho cách xử thế của người Việt Nam, là triết lý sống của dân tộc Việt Nam. Với người Việt Nam, sống là hết lòng vì nghĩa cả, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn mà không hề tính toán, là lên án một cách mạnh mẽ những kẻ xấu, “tán tận lương tâm”, “phụ tình bạc nghĩa”.
Từ trong lịch sử, nhân dân Việt Nam luôn gắn tình yêu quê hương đất nước với lòng nhân ái, yêu thương con người. Cho nên con người yêu nước với con người yêu dân luôn gắn bó với chặt chẽ với nhau. Trong suốt trường kỳ lịch sử, dân tộc ta luôn đứng trước nguy cơ xâm lược và bị đồng hóa, hơn ai hết chúng ta hiểu rõ quyền sống của mình gắn với vận mệnh Tổ quốc và dân tộc.
Lòng nhân ái, nghĩa tình có cội nguồn sâu xa từ bản chất con người, từ trái tim nhân ái của người phụ nữ Việt Nam. Nó được biểu hiện trong tình yêu thương rộng
lớn đối với mọi người, thái độ quý trọng, yêu mến người khác, lòng vị tha, độ lượng, thương người… Lòng nhân ái có thể xem như là hạt nhân cơ bản trong tính cách người phụ nữ Việt Nam.
Chúng ta cũng biết rằng sức mạnh và vẻ đẹp Việt Nam, xưa và nay, cũng có nguồn gốc từ lòng nhân ái. Từ Hùng Vương, Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh, tinh thần ấy là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Phải chăng, tinh thần ấy chính là từ người phụ nữ Việt Nam mà truyền đi và được nhân lên gấp bội? Bởi vì ở đây, hơn ở đâu hết, có vai trò của những người mẹ Việt Nam, những người mẹ xứng đáng với lời biểu dương của Hồ Chủ tịch: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh ra và nuôi dạy nên những thế hệ anh hùng của nước ta” (Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (19-10-1966)).
Người phụ nữ Việt Nam vốn ý thức sâu sắc về tinh thần nhân bản “thương người như thể thương thân”. Lòng nhân ái của họ bắt nguồn từ ý thức "đồng bào" của những người con cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Do vậy, họ luôn tự nhủ phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Phẩm chất nhân ái, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam bộc lộ ra trong chính gia đình - nơi hàng ngày họ vun vén chăm lo, thể hiện qua những cử chỉ quan tâm, âu