Hồ Chí Minh đã tiến hành một cuộc cách mạng trong lĩnh vực đạo đức và được coi là nguời đặt nền móng cho đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Đó là đạo đức được xây dựng dựa trên nền tảng của đạo đức truyền thống nhưng lại có những điểm cách tân đổi mới phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới, đồng thời có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn với những tinh hoa văn hóa nhân loại. Đạo đức mới - đạo đức cách mạng là đạo đức vì quyền lợi của đông đảo nhân dân lao động. Đạo đức đó không mang tính đẳng cấp như đạo đức Nho giáo, cũng không phải đạo đức vị kỷ kiểu tư sản và cũng không giống hoàn toàn như đạo đức Mác-Lênin, đạo đức đấu tranh quyết liệt giữa vô sản và tư sản. Đạo đức mới của Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam, phù hợp với con người và điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, dựa trên nền tảng lí luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Như Hồ Chí Minh đã nói: “đạo đức cũ giống như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời” [47, tr.320-321].
Việc giáo dục đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh quan tâm và dành cho mọi người dân, mọi tầng lớp. Nhưng vì thanh niên là tương lai của cả dân tộc nên Người luôn dành sự quan tâm giáo dục đặc biệt đối với tầng lớp này. Đạo đức mới bao gồm những nội dung chính sau:
Thứ nhất, lòng yêu thương con người, sống có nghĩa có tình
Như trên đã nói, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mang dấu ấn đậm nét và là sự biểu hiện tập trung nhất những giá trị tốt đẹp của đạo đức truyền
thống Việt Nam. Hồ Chí Minh đã tiếp thu từ nền đạo đức truyền thống dân tộc không ít yếu tố, trong đó trước tiên phải kể đến là lòng nhân ái, tình yêu thương quý mến con người, nâng nó lên thành chủ nghĩa nhân văn cách mạng trong thời đại mới.
Tuy bắt nguồn từ đạo đức truyền thống dân tộc, nhưng tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh có những điểm khác biệt mang tinh thần của thời đại.
Trước hết, tình thương của Hồ Chí Minh không phải là tình thương ban phát, mà nó xuất phát từ trái tim, từ tâm trí của Người. Tình thương đó đã được hun đúc, được bồi đắp từ truyền thống gia đình, từ truyền thống quê hương, truyền thống dân tộc. Tình thương của Bác là tình thương mênh mông, bao dung hết thảy, cảm hóa được mọi người. Bác dành tình thương cho mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đối với nhân dân lao động, những người cùng khổ trong xã hội.
Không chỉ dành tình thương cho nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng dành tình thương cho tất cả những người lao động nghèo khổ trên thế giới. Bởi Người nhận ra rằng, dù ở bất kỳ đâu, dù bất kì màu da nào thì cũng chỉ có thể chia làm hai loại người là kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Nếu phần lớn những người đến thăm tượng Nữ thần Tự do của nước Mĩ đều ngước lên để nhìn ngắm sự lung linh của ánh hào quang tỏa ra từ trên đầu bức tượng thì Hồ Chí Minh lại nhìn xuống dưới chân tượng để cảm thông trước những người lao động nghèo khổ. Và ngay cả khi đang còn trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch, Người vẫn dành tình thương và đau xót thay cho những số phận éo le ngang trái như một người phụ nữ hay một cháu nhỏ phải vào nhà lao thay cho chồng và cha vì trốn lính. Điều đó cho thấy tình thương của Hồ Chí Minh không chỉ bó hẹp trong phạm vi dân tộc Việt Nam, mà còn vượt qua không gian để đến với những người dân lao động trên toàn thế giới.
Tình thương của Hồ Chí Minh không phải là tình thương chung chung, trừu tượng mang tính ước lệ, mà đó là tình thương yêu hiện thực nhất. Tình thương đó không chỉ dừng lại trên giấy bút, trong lời nói hay trong bất kì một lời hứa hẹn nào mà nó thể hiện ngay trong sự quan tâm thiết thực đến đời sống vật chất và tinh thần hàng ngày của mọi người dân. Tình thương đó thể hiện trong sự ân cần chu đáo, trong sự chân thành, tự nhiên, gây xúc động lòng người. Mọi người đều có thể cảm nhận được sự gần gũi với Hồ Chí Minh như một người cha già. Bởi trong mọi cử chỉ, lời nói của Người đều thể hiện sự nhẹ nhàng ấm cúng, chan hòa làm lay động trái tim của không chỉ người dân trong nước mà với cả bạn bè quốc tế. Càng trong lúc khó khăn, Hồ Chí Minh càng đề cao, càng nâng niu trân trọng con người, càng thể hiện rõ tình nghĩa thủy chung giữa người với người. Người chia sẻ với người dân cả nước mọi sự khó khăn, từ miếng cơm manh áo, thuốc thang hay bất kì cái gì có thể chia sẻ được.
Không chỉ dành tình thương bao la cho mọi người dân, Hồ Chí Minh còn có tấm lòng khoan dung độ lượng cao cả. Người đã dạy chúng ta: phải có lòng khoan dung độ lượng để cảm hóa mọi người, cũng như bàn tay có ngón ngắn ngón dài, ở đời cũng có người thế này hay thế khác. Nhưng dù thế này hay thế khác vẫn đều là dòng dõi tổ tiên ta, phải dùng tình thân ái để cảm hóa họ. Lòng nhân ái và sự khoan dung độ lượng của Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ hơn trong thái độ của Người đối với kẻ thù. Người đã cảm thông với những người lính Pháp hay lính Mĩ bị bắt sang chiến đấu chống lại Việt Nam. Người nói: “trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người” [45, tr.457]. Từ đó Người đã cấm giết hại tù binh. Và khi trả lời tạp chí Mainority Ôpxoăn 5/64 Người đã nói:
“Tôi muốn nói thêm với những người bạn Mĩ rằng: chẳng những chúng tôi đau xót vì đồng bào miền Nam chúng tôi phải gian khổ hy sinh, mà chúng tôi cũng thương xót cho các bà mẹ, các người vợ Mĩ đã mất con mất chồng
trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam do bọn quân phiệt Mĩ tiến hành” [52, tr.275].
Một điểm nổi bật khác nữa phải nói đến là lòng yêu thương nhân ái của Hồ Chí Minh là lòng nhân ái của hành động và chiến đấu. Tình thương của Người không chỉ dừng lại ở việc thương xót trước những khổ cực bất công, trước những hoàn cảnh éo le mà tình thương đã biến thành hành động, chiến đấu để chống lại sự bất công, chiến đấu để xóa bỏ ách áp bức bóc lột đối với người dân, chiến đấu để giành lấy và mang lại hạnh phúc thiết thực nhất cho người dân. Cả cuộc đời của Người là một quá trình đấu tranh không mệt mỏi để đi tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Lòng yêu thương con người vốn là một trong những điểm nổi bật của đạo đức truyền thống Việt Nam. Hồ Chí Minh đã thể hiện là một người kế thừa truyền thống đó một cách xuất sắc. Người không chỉ gìn giữ truyền thống tốt đẹp đó mà còn đem đến cho nó một diện mạo mới, mang một ý nghĩa sâu sắc hơn. Người đã mở rộng lòng nhân ái đó từ thế giới quan cá nhân đến thế giới quan dân tộc và đến thế giới quan của nhân loại bị áp bức bóc lột. Đây chính là điểm mới cơ bản mà Hồ Chí Minh đã đóng góp vào di sản đạo đức của dân tộc.
Thứ hai, Trung với nước, Hiếu với dân
Không khó khăn gì để nhận ra rằng, phạm trù Trung - Hiếu là những phạm trù quen thuộc trong hệ giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam. Nhưng điểm khác biệt ở đây là Hồ Chí Minh đã đưa vào trong nội hàm của khái niệm đó những nội dung mới, mang tinh thần của thời đại. Hồ Chí Minh cho rằng:
“… ngày xưa trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi… ngày nay, nước ta là nước Dân chủ Cộng hòa,… trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ” [46, tr.640]. Và riêng
đối với cán bộ đảng viên thì Người còn yêu cầu cao hơn nữa là “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Như vậy, chữ Trung trong truyền thống vốn là đạo thờ vua. Trung là trung với vua, với một triều đại phong kiến, hết lòng phục vụ triều đại ấy. Chữ Trung đó đã được Hồ Chí Minh tiếp thu những mặt tích cực, gạt bỏ những tiêu cực, đồng thời bổ sung cho nó những nội dung mới của thời đại, khác về chất so với khái niệm trung trước đây; làm cho nó phù hợp với điều kiện mới và thời đại mới. Trung trong thời đại mới là trung với đất nước. Trung là yêu nước, là một lòng một dạ phấn đấu vì lợi ích của Tổ quốc, trung thành với Đảng, ngay thẳng, không tà tâm, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Hồ Chí Minh đã cải biến, đổi mới thang bậc giá trị cũ thành chuẩn mực giá trị đạo đức mới - đạo đức cách mạng với phạm vi rộng hơn. Việc mở rộng nội hàm khái niệm “Trung” của Hồ Chí Minh cũng chính là tạo điều kiện để mọi người dân có thể phát huy truyền thống yêu quê hương vốn có của dân tộc Việt Nam.
Chữ “Hiếu” trong truyền thống vốn là đạo thờ cha mẹ, hiếu là thương yêu, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Hồ Chí Minh đã mở rộng chữ hiếu thành “hiếu với dân”. Hiếu với dân nghĩa là quý mến dân, quý trọng nhân dân, đấu tranh vì lợi ích vì hạnh phúc của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
Hiếu với dân là luôn chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho dân, chăm lo từ việc lớn đến việc nhỏ cho dân, phải có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội để đất nước ngày càng giàu mạnh.
Hiếu với dân là mọi công việc phải xuất phát từ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm trọng, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Hiếu với dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn là phải hết sức tiết kiệm để xây dựng đất nước. Bản thân Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng chói trong việc thực hành tiết kiệm cho nhân dân, cho đất nước.
Giữa Trung và Hiếu có mối quan hệ thống nhất “Đảng lo cho dân cho nước, cho tất cả mọi người. Vì vậy trung với Đảng thì phải hiếu với dân”. Sự thống nhất đó là thống nhất giữa lập trường dân tộc và lập trường giai cấp. Vì vậy, Trung và Hiếu có sự gắn bó, luôn đi đôi với nhau.
Không chỉ là người đề xướng, đưa ra những đổi mới cho phạm trù Trung - Hiếu, bản thân Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng chói về tấm lòng trung với Đảng, hiếu với dân. Suốt cuộc đời Người là quá trình đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Ngay cả khi đã trở thành một vị Chủ tịch nước, Người vẫn luôn tận tụy và nguyện làm “một người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Thứ ba, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
Nói về tầm quan trọng của Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Hồ Chí Minh đã lấy những hiện tượng tự nhiên gần gũi với con người để so sánh:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người” [46, tr.631]
Vì vậy, giáo dục đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính là một điều cần thiết và tất yếu phải làm.
Chữ Cần theo Bác đó là siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai. Cần việc gì dù khó khăn mấy cũng phải làm và làm cho kỳ được. Theo Bác, “Chữ Cần chẳng
những có ý nghĩa hẹp như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó lại có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần” [46, tr.632]. Và để thực hiện tốt được chữ Cần thì mọi việc phải có kế hoạch và Cần phải đi đôi với chuyên. Chuyên ở đây nghĩa là dẻo dai, bền bỉ và bởi vì “nếu một ngày cần mà mười ngày không cần thì cũng vô ích”. Do vậy Cần và chuyên luôn luôn phải đi đôi với nhau. Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời chứ không phải cố sống cố chết trong một ngày, một tuần hay một tháng. Một yêu cầu nữa của chữ Cần là tất cả mọi người đều phải cần. Bác ví mọi người khi kết vào thì như một sợi dây chuyền, quan hệ chặt chẽ với nhau. Do vậy, nếu có một người lười biếng thì công việc của người khác ắt chậm lại. Bởi vì lười biếng là kẻ địch của chữ Cần cho nên cũng là kẻ địch của dân tộc và do đó lười biếng là có tội với đồng bào, có tội với Tổ quốc.
Kiệm theo Bác là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với Kiệm luôn phải đi đôi với nhau như hai chân của một con người. Bởi nếu cần mà không kiệm thì “làm chừng nào xào chừng ấy”. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Và tiết kiệm ở đây không phải là bủn xỉn, tiết kiệm nghĩa là chỉ tiêu xài những việc cần thiết “khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu, khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng” [46, tr.637]. Tiết kiệm thời giờ của mình cũng phải tiết kiệm thời giờ của người khác.
Bác cũng chỉ ra kết quả việc kết hợp giữa Cần và Kiệm là: “bộ độ sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới” [46, tr.639].
Ở đây phải khẳng định rằng, quan điểm tiết kiệm của Hồ Chí Minh cũng thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, lòng thương dân vô hạn. Bởi theo Hồ Chí Minh tiết kiệm là tiết kiệm vì nước, tiết kiệm nhưng cái gì đem lại
hạnh phúc cho nhân dân thì nhất định làm. Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện một tinh thần tiết kiệm triệt để nhất, nghiêm khắc nhất. Nhưng đó không phải là chủ nghĩa khổ hạnh giống như tôn giáo mà bởi vì Người luôn nghĩ đến dân đến nước, vì Người ăn không ngon ngủ không yên khi đồng bào còn chịu khổ. Người nói: người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không đạo đức.
Liêm theo Bác là trong sạch, không tham lam. Bác phân tích: ngày xưa người làm quan không đục khoét của dân thì gọi là LIÊM, nhưng chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp. Chữ Liêm được Bác mở rộng ra là không chỉ quan chức, cán bộ mà “mọi người đều phải LIÊM” và Liêm ở đây cũng phải đi đôi với Kiệm. “có KIỆM mới LIÊM được vì xa xỉ mà sinh tham lam”. Tham ở đây là tham tiền của tham điạ vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên, và những người như vậy đều được coi là bất liêm. Yêu cầu của Bác khi giáo dục chữ Liêm là: “cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân” và “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ