sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay
Phải khẳng định một điều rằng, thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng đã, đang và mãi mãi sẽ là vấn đề thường trực và nằm ở trung tâm chiến lược của bất kì một quốc gia nào, đặc biệt là ở một nước đang phát triển như Việt Nam. Sự giáo dục sinh viên một cách khoa học, toàn diện cả về mặt tri thức văn hoá khoa học xã hội và đạo đức là vấn đề vô cùng quan trọng. Việc đầu tư cho giáo dục, trước hết là cho giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước chính là một nhân tố hàng đầu đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng của đất nước trong giai đoạn mới được thành công.
Để sinh viên có thể thực hiện được tốt vai trò của mình trong thời kì đổi mới, đòi hỏi phải có sự quan tâm, chăm lo bồi dưỡng một cách toàn diện, nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn cho sinh viên. Bởi trong bất kì giai đoạn lịch sử nào, sự nghiệp cách mạng luôn cần những con người “tài đức vẹn toàn”.
Sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá hiện nay buộc chúng ta phải đặt khoa học kĩ thuật vào vị trí trung tâm. Có vậy mới nâng cao được năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, cũng chính từ đó mà đòi hỏi nước ta phải đào tạo được những nhân tài, đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ cao, có khả năng học tập và nắm bắt được những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật. Bởi một đất nước thiếu nhân tài thì đứng truớc sự thách thức của cách mạng khoa học kĩ thuật sẽ trở lên lúng túng và bị động. Ông cha ta trước đây đã khẳng định “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nhiều triều đại phong kiến đã có chính sách trọng dụng người tài, tìm người tài ra giúp nước. Trong thời đại ngày nay, nhân tài trở lên vô cùng quan trọng, là nguồn lực quý giá của đất nước. Không có những nhân tài thì sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá mà chúng ta đang tiến hành khó mà thực hiện thắng lợi.
Công cuộc đổi mới của đất nước ta đã thu được những thành tựu bước đầu. Sự phát triển tiếp theo của đất nước phụ thuộc vào sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá. Sinh viên phải nhận rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá, từ đó mà tích cực học tập, có tri thức khoa học, hăng hái tiến quân vào các ngành khoa học mũi nhọn, những ngành có trình độ khoa học công nghệ cao, đòi hỏi lượng chất xám lớn. Sinh viên phải có khả năng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới vào trong lĩnh vực sản xuất và đời sống, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Sinh viên còn phải thường xuyên học tập, nâng cao năng lực quản lí, đáp ứng yêu cầu của việc quản lí một nền kinh tế và xã hội hiện đại.
Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang trên con đường đổi mới, đang thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển thì càng cần hơn nữa những con người có tài năng và sẵn sàng đem tài năng đó phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Để có được những
lớp người hăng say, tràn đầy sức sống, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, có năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức tốt, có động cơ phấn đấu rõ ràng, có bản lĩnh chính trị vững vàng thì cần phải đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho giới trẻ. Hơn thế nữa, nền kinh tế thị trường hiện nay dù có phát triển mạnh đến đâu đi chăng nữa thì bản thân nó cũng cần đến sự đảm bảo của một nền đạo đức xã hội. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường cũng làm nảy sinh những đòi hỏi mới về đạo đức như vấn đề đạo đức trong sản xuất kinh doanh, đạo đức trong lao động. Nếu không có đạo đức thì nền kinh tế thị trường cũng không thể phát triển ổn định và có thể bị rối loạn do những hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh như làm hàng nhái, hàng giả, lừa đảo, gian lận… Vì vậy, trong điều kiện mới càng cần hơn nữa một nền đạo đức xã hội tốt đẹp để đảm bảo cho mọi hoạt động kinh tế có thể diễn ra bình thường và an toàn. Nền kinh tế thị trường cũng đặt ra nhiều yêu cầu về mặt đạo đức đối với mỗi người, đòi hỏi mỗi người phải có năng lực thực sự và có phẩm chất đạo đức tốt. Trước hết nó đòi hỏi mỗi người phải có ý thức, trách nhiệm cao trong công việc của mình, phải có năng lực thực sự và phẩm chất đạo đức tốt như tính trung thực, thẳng thắn, tinh thần tiết kiệm… Do vậy, để có thể tồn tại trong môi trường đó, đòi hỏi mỗi sinh viên phải không ngừng học tập để nâng cao tay nghề cũng như rèn luyện về mặt đạo đức nghề nghiệp. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vừa đòi hỏi sinh viên có tri thức khoa học kĩ thuật cao, có nhiệt huyết lớn, vừa tạo ra những điều kiện thuận lợi để sinh viên học tập, rèn luyện và phấn đấu về mọi mặt, trong đó có việc hoàn thiện về đạo đức và nhân cách. Bởi việc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi về mặt vật chất, kĩ thuật để sinh viên học tập và rèn luyện. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giúp chúng ta nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, tạo ra cơ sở vật chất vững chắc, có điều kiện quan tâm đến đời sống nhân dân, tăng phúc lợi xã hội, tạo ra niềm tin về một chế độ xã hội tốt đẹp
cho sinh viên, từ đó sinh viên tích cực học tập và rèn luyện nâng cao năng lực và hoàn thiện về nhân cách.
Trong thời đại văn minh, đòi hỏi lớp người mới không chỉ có trình độ, thể lực tốt mà còn phải có nhân cách tốt, có lối sống lành mạnh, có cách ứng xử văn hoá trong các mối quan hệ xã hội. Vai trò quan trọng của đạo đức ở đây thể hiện ở chỗ nó chính là nền tảng nhân cách, làm cho yếu tố trí lực được nâng lên. Đạo đức đóng vai trò là phương hướng, động lực phục vụ xã hội của cá nhân. Đức ở đây phải trả lời cho câu hỏi phục vụ ai? Nếu không trả lời đúng câu hỏi này thì dù tài giỏi mấy cũng trở lên vô dụng, thậm chí cái tài đó còn có hại cho dân cho nước.
Hiện nay, đức không chỉ đơn thuần là lối sống của một người mà đức còn được hiểu rộng hơn là lòng tin vào Đảng, tin tưởng vào nhân dân, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội - con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; là tinh thần tự nguyện phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Một người có tài là tốt, nhưng điều đáng quan tâm là cái tài ấy có được sử dụng một cách có lợi cho dân cho nước hay không. Có tài nhưng cần phải có tư tưởng, có ý thức phục vụ nhân dân. Nếu không có những con người có tư tưởng phục vụ nhân dân thì sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước cũng như con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản sẽ khó có thể thực hiện được, sẽ trở thành một lời nói suông. Vì vậy, sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá nước ta hiện nay cần có hàng vạn, hàng triệu người tự nguyện trung thành với Đảng, với nhân dân. Không có những con người như thế thì sự nghiệp chung khó có thể hoàn thành được. Sự nghiệp cách mạng của nước ta còn dài, còn phải trải qua muôn vàn khó khăn thử thách. Sự nghiệp đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào việc tạo ra một lớp thế hệ trẻ kế cận có đủ đức đủ tài, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước.
Việc mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế không những giúp cho sinh viên có thể tiếp thu học hỏi những tiến bộ của khoa học kĩ thuật để xây dựng và
phát triển đất nước, mà còn là cơ hội để sinh viên tiếp thu những tinh hoa văn hoá, trong đó có những giá trị đạo đức tiến bộ của nhân loại để làm sâu sắc hơn nữa giá trị của đạo đức cách mạng. Đây cũng là cơ hội để sinh viên chứng tỏ bản lĩnh chính trị và lập trường cách mạng của mình, qua đó đánh giá được một cách chính xác quá trình học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi sinh viên. Điều này đã từng được bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng minh một cách thuyết phục qua cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Người đã đi qua nhiều quốc gia trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn minh, với nhiều hệ tư tưởng khác nhau. Song, Người đã không đánh mất mình, không làm mất đi bản sắc văn hoá của dân tộc, mà còn làm cho nó phong phú hơn nữa, bổ sung những yếu tố mới của thời đại để phù hợp với điều kiện và hoàn ảnh đất nước.
Việc quan tâm giáo dục đạo đức sinh viên còn cần thiết hơn nữa xuất phát từ thực trạng đạo đức sinh viên hiện nay. Trong khi có nhiều bạn trẻ đang cố gắng học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên phai nhạt lí tưởng cách mạng, dao động về lập trường tư tưởng, lười học tập và lao động, sa đà vào các hoạt động chơi bời đàn đúm… Do vậy, để sự nghiệp cách mạng nước ta thành công đòi hỏi cả xã hội phải quan tâm hơn nữa đến hoạt động giáo dục đạo đức cho sinh viên. Bản thân mỗi sinh viên cũng phải tự giác học tập và rèn luyện để trở thành một người có ích cho xã hội.
Trên đây là sự cần thiết phải rèn đức luyện tài của sinh viên nói chung còn đối với sinh viên ngành y tế thì sự rèn đức luyện tài còn cần thiết hơn nữa bởi vì ngành y là một nghề đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người, ngành y không chỉ cần đến những thầy thuốc tài năng mà hơn thế là những tấm gương đạo đức cao cả. Chính vì vậy phải giáo dục đạo đức của ngành y nói riêng cũng như đạo đức nghề nghiệp nói chung cho y sinh. Nếu được quan tâm giáo dục rèn luyện y đức ngay từ đầu thì các y sinh
sẽ thấm nhuần các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực của y đức tiến bộ và tích cực biến chúng thành những thói quen không thể từ bỏ được. Khi đó các hành vi quan hệ y đức tiêu cực, lạc hậu sẽ bị loaị bỏ.
Những người hành nghề y không ngừng phải rèn luyện, trau dồi cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Nghề thầy thuốc là nghề phải học hỏi suốt đời bởi kiến thức y khoa rất rộng lớn và những phát minh khám phá, kỹ thuật hiện đại thì thay đổi hàng ngày cho nên họ luôn phải cập nhật, học hỏi để có thể theo kịp thời đại. Hơn thế y học ngoài tính chất là một khoa học còn là một nghệ thuật người thầy thuốc giỏi cần nắm chắc về lý thuyết và thủ thuật hành nghề. Điều này phụ thuộc vào năng khiếu cũng như sự rèn luyện thực hành cần mẫn của người đó. Một “lương y” cần có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp tốt. Những người hành nghề y là những người luôn sẵn sàng hi sinh quên mình vì lợi ích của người bệnh và cộng đồng. Người thầy thuốc phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trên và trước cả quyền lợi của mình. Để thực hiện được điều này phẩm chất quan trọng nhất của người thầy thuốc chính là đức tính quên mình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng rất quan tâm đến vấn đề sức khoẻ của nhân dân và y đức của người cán bộ y tế. Người luôn đặt y đức lên hàng đầu và căn dặn thầy thuốc “lương y như từ mẫu”, bởi họ gánh trên vai trọng trách chăm lo sức khỏe cho cả dân tộc. Với Bác, “mỗi người dân yếu ớt tức là cả dân tộc yếu ớt, mỗi người dân khoẻ mạnh tức là cả nước mạnh khoẻ... Dân cường thì quốc thịnh”. Tức là người thầy thuốc có đạo đức không chỉ thể hiện đối với người bệnh của mình mà cao cả hơn đó là lòng yêu nước, yêu đồng bào, chăm lo và xây dựng đất nước cường thịnh.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ta hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn thử thách. Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, dưới nhiều hình thức và trên tất cả các mặt
trận kinh tế, văn hoá, tôn giáo… Chúng luôn tìm cách xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối tượng chính mà chúng nhắm tới là thế hệ trẻ - lực lượng kế cận của dân tộc - những người còn mang tính nông nổi, nóng vội, tâm lí còn dao động. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức nói chung và đạo đức cách mạng nói riêng cho sinh viên là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách, nhằm đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng nước ta đi đúng hướng. Xuất phát từ điều đó, việc giáo dục thế hệ trẻ luôn được Đảng và Đoàn quan tâm. Trong thời kì mới Đảng đã xác định: “…đối với thế hệ trẻ, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo, phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hoá, sức khoẻ, nghề nghiệp; giải quyết việc làm, phát triển tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [10, tr.126]. Hội nghị lần thứ năm ban chấp hành Trung ương Đoàn khoá VIII đã xác định: “…tăng cường các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống và tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong thanh thiếu niên,… nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh thiếu niên hiện nay là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tư tưởng Hồ Chí Minh…” [68, tr.494].