Những hạn chế trong giáo dục đạo đức cho sinh viên ngành y, dược những năm qua

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cho sinh viên ngành y, dược hiện nay (Trang 68)

dược những năm qua

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giáo dục đạo đức sinh viên những năm qua cũng còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Những mặt hạn chế đó không thuộc về riêng một khâu nào, cũng không phải trách nhiệm của riêng ai hay tổ chức nào, mà mỗi gia đình, mỗi cơ quan và cả xã hội đều có những thiếu sót cần phải điều chỉnh và bổ sung để công tác giáo dục đạo đức được tốt và mang lại kết quả cao hơn nữa.

Có một thực tế là hiện nay, ở một số trường cao đẳng, đại học y, dược có một bộ phận sinh viên sống thiếu mục đích, lý tưởng, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội; chưa chăm chỉ học tập, rèn luyện, thiếu trung thực trong thi và kiểm tra; chưa cố gắng vươn lên vượt qua khó khăn thử thách nên có lối sống thực dụng, thờ ơ với các hoạt động tập thể. Sau khi tốt nghiệp ra trường ngại về quê hương, đến các tỉnh xa, về các vùng nông thôn công tác, nhất là vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng đến niềm tin và tình cảm của xã hội, của gia đình, bè bạn dành cho sinh viên. Biểu hiện cụ thể là:

Trong học tập: Lười học, đi học muộn, về sớm hoặc bỏ học không lý do; nói với gia đình là đến trường học nhưng thực chất là không đến; có thái độ gian lận trong thi cử, học thuê…

Trong đạo đức: Những tiêu cực của nền kinh tế thị trường thâm nhập vào cả các quan hệ vốn lấy đạo lý, lương tâm làm trọng, như quan hệ thầy trò với truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ ngàn xưa, nay ở nơi này nơi khác cũng bị đồng tiền làm biến dạng… Mặt khác, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: tinh thần đoàn kết cộng đồng, lòng tự tôn dân tộc, lòng vị tha

chậm phát triển, chậm bổ sung những nhân tố mới và nó trở thành sự bất lực trước thực tiễn và thời đại. Nhiều sinh viên có thái độ ứng xử giao tiếp không tốt, “lệch chuẩn” với gia đình, xã hội, biểu hiện sự vô cảm trước cuộc sống… ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của các em nói riêng và sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Trong lối sống: Sự cám dỗ của tiền bạc, vật chất cùng với sự thiếu quan tâm giáo dục: sống thử và đặc biệt là sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, uống rượu say, trộm cắp...

Trong hoạt động văn hóa, tinh thần: Có một bộ phận sinh viên còn xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây có thể là nguy cơ dẫn đến các tệ nạn xã hội ở sinh viên làm ảnh hưởng đến công tác quản lý sinh viên.

Những hạn chế và suy thoái về đạo đức trong một bộ phận sinh viên như trên là do nhiều nguyên nhân:

Trước hết, việc giáo dục tại các gia đình hiện nay cũng còn nhiều vấn đề cần phải bàn đến. Trong nhiều gia đình hiện nay, cha mẹ bị cuốn theo nhịp sống hối hả của nền kinh tế thị trường, ngày càng thờ ơ với việc nuôi dạy con cái, thiếu trách nhiệm trong việc chăm lo dạy dỗ con, thiếu sự gần gũi chăm lo về đời sống tinh thần cho con. Trong khi đó, lứa tuổi thanh niên là thời kì trải qua nhiều biến động cả về thể chất và tâm sinh lí, đòi hỏi sự quan tâm giáo dục thường xuyên của cha mẹ để kịp thời uốn nắn, sửa chữa những sai lầm có thể mắc phải trong ứng xử với thầy cô, bạn bè cũng như trong các mối quan hệ khác. Sự thiếu quan tâm chăm sóc sẽ gây nên những thiếu hụt về tình cảm, dễ làm nảy sinh tâm lí chán chường, dễ có những ý nghĩ và hành động tiêu cực, dần dần hình thành một lối sống bất cần, buông thả, ích kỉ, không quan tâm đến mọi người xung quanh.

Trong nhiều gia đình, cha mẹ chưa phải là những tấm gương tốt để con cái noi theo. Không ít ông bố bà mẹ sống ích kỉ, không có trách nhiệm với

những người thân trong gia đình, sống vụ lợi và đối xử với anh em hàng xóm một cách “cạn tàu ráo máng”. Cũng không ít các ông bố bà mẹ sa đà vào cờ bạc rượu chè, về nhà chửi bới văng tục với con cái, thậm chí nhiều trường hợp cha mẹ đánh đập, ngược đãi con... Đó là những tấm gương xấu dễ gây ảnh hưởng đến con cái nhất. Bởi để hình thành những thói quen và đức tính tốt thì cần phải rèn luyện lâu dài, nhưng những thói xấu thì rất dễ hình thành và vô cùng khó sửa, đặc biệt khi nó đã trở thành thói quen.

Trong các trường học, công tác giáo dục còn nặng về mặt trang bị kiến thức, công tác giáo dục đạo đức phần nào bị coi nhẹ, các môn khoa học xã hội và nhân văn còn bị coi là những môn phụ. Hơn nữa, nhiều cán bộ lãnh đạo trong các trường còn nặng về mặt hình thức, chạy theo thành tích, chưa nhận thức rõ và đầy đủ về vai trò của đạo đức. Do vậy, công tác giáo dục đạo đức còn gặp nhiều khó khăn, các biện pháp tiên tiến, hiệu quả trong giáo dục đạo đức chưa được quan tâm đúng mức.

Trong công tác giảng dạy môn học đạo đức, nội dung giáo dục đạo đức còn khô cứng, thiếu tính thuyết phục, hình thức chậm đổi mới, chưa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của từng lứa tuổi, thiếu những biện pháp cụ thể. Trong công tác giáo dục đạo đức, không ít trường hợp lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. Nhiều trường hợp giáo viên chạy theo những lợi ích vật chất, danh vọng, gây khó khăn cho sinh viên. Thậm chí có những người suy thoái về đạo đức lối sống, không còn giữ vững được những phẩm chất cao quý của người thầy, không còn xứng đáng với nhiệm vụ cao quý là trồng người. Sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận cán bộ giảng dạy dễ gây ra tâm lí coi thường thầy cô, làm cho công tác giáo dục đạo đức không những không mang lại hiệu quả mà còn gây phản tác dụng, đưa lại những kết quả không mong muốn.

Trong xã hội, không ít cán bộ thoái hoá, biến chất, tham ô, tham nhũng, không ngừng đục khoét của cải của nhân dân gây nên sự hoài nghi, sự thiếu

tin tưởng ở thế hệ trẻ đối với đội ngũ lãnh đạo. Trong nhiều trường hợp, ngay cả những người là cán bộ lãnh đạo của Đảng, cán bộ Đoàn được coi là hình mẫu của giới trẻ cũng không ít người sa đà vào các hoạt động ăn chơi, sống buông thả, đánh mất chính mình và hình ảnh của mình trước công chúng, để lại nhiều ấn tượng xấu trong giới trẻ. Việc làm mất lòng tin ở giới trẻ là điều vô cùng nguy hiểm và gây nên những tác hại to lớn. Nó sẽ gây ra tâm lí hoài nghi ở giới trẻ đối với chế độ xã hội, làm thui chột ý chí phấn đấu, làm giảm quyết tâm của sinh viên trong việc học tập cũng như trong cuộc sống. Như vậy, từ gia đình, nhà trường đến xã hội đều có những “tấm gương”, những điển hình xấu về mặt đạo đức. Điều đó đã có những tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần nói chung của xã hội cũng như lối sống, cách ứng xử nói riêng của giới trẻ. Những “tấm gương” xấu đó là một tai hại lớn đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ.

Trong công tác quản lí các lĩnh vực xã hội còn nhiều yếu kém, bất cập. Công tác giáo dục, định hướng thẩm mĩ, định hướng hoạt động văn học nghệ thuật, âm nhạc và các kiến thức về văn hoá xã hội có lúc bị coi nhẹ. Chúng ta cũng chưa xác định và làm rõ các khái niệm chân - thiện - mĩ để định hướng cho giới trẻ học và làm theo. Khi những vấn đề lí luận còn chưa được giải quyết, quán triệt thì cũng khó có định hướng trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên.

Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, việc điều chỉnh các hành vi đạo đức của sinh viên thông qua dư luận xã hội còn hạn chế. Nếu như trước đây, những hành vi suy đồi về đạo đức như: cờ bạc, rượu chè, trai gái,… ngay lập tức bị dư luận xã hội lên án và phê phán gay gắt, các tổ chức xã hội ngay lập tức vào cuộc can thiệp thì nay những phản ứng đó tỏ ra yếu ớt. Thậm chí, ngay trong tổ chức thanh niên, sự lên án cũng chưa đủ sức mạnh để gây tác động điều chỉnh hành vi của các cá nhân vi phạm.

Bên cạnh những mặt còn thiếu sót trong công tác giáo dục đạo đức từ gia đình, nhà trường đến xã hội thì một trong những nhân tố khách quan có tác động xấu và không nhỏ đến việc hình thành đạo đức, lối sống của sinh viên đó là quá trình hội nhập với thế giới. Quá trình hội nhập ngoài việc mang lại những lợi ích về nhiều mặt như: kinh tế, văn hoá, khoa học kĩ thuật thì nó cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố gây tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của dân tộc nói chung, đến đạo đức nói riêng. Quá trình mở cửa nền kinh tế cũng đồng thời với việc đón nhận từ thế giới nhiều luồng văn hoá khác nhau, trong đó có nhiều yếu tố lai căng, không phù hợp với đạo đức lối sống, thuần phong mĩ tục của dân tộc nhưng vẫn được một bộ phận giới trẻ học đòi và làm theo, dần dần, hình thành lối sống buông thả, phóng đãng, gây tác động xấu đến đời sống xã hội.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã làm cho đời sống nhân loại bước sang một trang mới. Công nghệ thông tin đã xoá nhoà ranh giới, khoảng cách về địa lí giữa các quốc gia, tạo điều kiện cho việc giao lưu học hỏi về văn hoá, khoa học kĩ thuật, nhưng đồng thời nó cũng chính là con dao hai lưỡi, gây không ít tiêu cực đến sinh hoạt và lối sống của giới trẻ. Qua mạng Internet, nhiều văn hoá, phim ảnh đồi trụy đã được phát tán và gây ra những tác động xấu đến sinh viên. Nhiều trò chơi trực tuyến với nội dung thiếu lành mạnh đã cuốn hút các “game thủ” đến quên ăn quên ngủ, bỏ bê học hành, nảy sinh nhiều thói hư tật xấu như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo…

Hiện nay, đất nước ta vẫn đang tiếp tục công cuộc đổi mới, tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Trong điều kiện mới, có nhiều biến động phức tạp, đòi hỏi sinh viên- những chủ nhân tương lai của đất nước phải có lí tưởng sống rõ ràng, có niềm tin vững chắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp của sinh viên trong thời đại mới. Trong khi đó, hiện nay một bộ phận sinh viên lại mơ hồ về chính trị, phai nhạt lí tưởng xã

hội chủ nghĩa, thậm chí không xác định được lẽ sống. Họ không biết sống để làm gì? Sống cho ai? Không ít sinh viên chạy theo lối sống thực dụng tầm thường, chỉ muốn hưởng thụ, không muốn lao động cống hiến.

Tất cả những mặt hạn chế trên và những hậu quả kéo theo của nó có ảnh hưởng lớn đến sự suy thoái đạo đức trong sinh viên ngành y tế hiện nay. Đó là những yếu điểm cần phải khắc phục để xây dựng một nền đạo đức tốt đẹp, một lối sống lành mạnh trong sinh viên ngành y tế để họ xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước, tiếp bước sự nghiệp cách mạng của cha anh, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh về kinh tế, phong phú về đời sống tinh thần.

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cho sinh viên ngành y, dược hiện nay (Trang 68)