Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cho sinh viên ngành y, dược hiện nay (Trang 41)

của nước Việt Nam, mang đậm chất Việt Nam. Chúng ta thấy được rằng, nếu như ở thời kỳ Mác và Ăngghen, do những điều kiện kinh tế xã hội, các ông chưa nhìn thấy được hết đồng minh của giai cấp công nhân ở các nước thuộc địa. Hay thời kì Lênin, Ông cũng chưa nói đến việc đoàn kết mọi người dân yêu nước - trong đó có giai cấp địa chủ, thì đến Hồ Chí Minh, Người đã thấy được hết sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế. Từ đó, Người đã xây dựng và phát huy tới mức tối đa sức mạnh của đoàn kết để làm nên những chiến thắng vẻ vang cho cách mạng Việt Nam.

Không chỉ đề ra những chuẩn mực đạo đức chung cho mọi người học tập và làm theo, Hồ Chí Minh còn nêu lên những chuẩn mực đạo đức riêng, phù hợp với từng ngành nghề cụ thể như: với thiếu niên nhi đồng Bác yêu cầu phải yêu tổ quốc, phải chăm ngoan học giỏi, phải thật thà dũng cảm; với ngành giáo dục, Bác yêu cầu phải dạy tốt học tốt; với quân đội Bác yêu cầu phải trung với đảng hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; với công an nhân dân, Người đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải rèn luyện đạo đức đối với tự mình, đối với đồng sự, đối với nhân dân, đối với công việc, đối với địch… Điều đó thể hiện sự quan tâm của Người đến mọi người dân, ở mọi ngành nghề khác nhau, đồng thời cũng thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của Người ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những lời dạy đó của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị và vẫn đang được nhân dân trong cả nước tích cực học tập và làm theo.

1.2.3. Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh Chí Minh

Hồ Chí Minh không chỉ nêu lên những nội dung của đạo đức cách mạng mà còn đặc biệt quan tâm đến phương pháp để giáo dục đạo đức có hiệu quả. Trong công tác giáo dục và thực hành đạo đức, Hồ Chí Minh cho rằng

phương pháp thích hợp, mềm dẻo, linh hoạt là rất đúng, nhưng ngoài ra còn phải khéo nữa thì mới có sức thuyết phục lòng người. Điều đó thể hiện rõ trong các luận điểm sau:

Thứ nhất, phải tu dưỡng đạo đức thường xuyên

Việc học tập tu dưỡng đạo đức không phải là công việc có thể làm ngày một ngày hai là xong, cũng không phải là có đạo đức rồi thì không cần tu dưỡng thêm nữa, đó là công việc phải làm thường xuyên, làm suốt đời. Bởi tu dưỡng đạo đức thường xuyên cũng chính là cơ sở để hoàn thiện bản thân mỗi người. Về tầm quan trọng của việc tu dưỡng đạo đức thường xuyên Hồ Chí Minh cho rằng: đó là công việc phải làm giống như rửa mặt hàng ngày, phải làm bền bỉ suốt đời, không được tự kiêu tự mãn. Người nói, “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [50, tr.293].

Tu dưỡng đạo đức không những phải làm thường xuyên mà đòi hỏi mỗi người phải có ý thức từ bản thân mình, phải tự mình rèn luyện, trau dồi, bởi đó là con đường thiết thực nhất, hiệu quả nhất để hoàn thiện bản thân mỗi người. Khi mỗi người đã ý thức được, đã tự nguyện, tự giác trau dồi đạo đức thì hiệu quả sẽ ngày càng cao, và việc xây dựng được một xã hội ổn định, có trật tự kỷ cương, có đạo đức và lối sống lành mạnh là điều tất yếu. Theo Hồ Chí Minh, tầm quan trọng của việc tự rèn luyện và tu dưỡng đạo đức còn thể hiện ở chỗ: mỗi người đều có chỗ hay chỗ dở, đều có điểm tốt và điểm chưa tốt. Vì vậy, để sửa chữa những chỗ dở, những điểm chưa tốt thì việc tự giáo dục, rèn luyện đạo đức là một việc cần làm.

Đối với mỗi cá nhân, việc tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện thường xuyên và liên tục từ gia đình đến xã hội, phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hành động và việc làm, trong đời sống riêng tư hàng ngày cũng

như trong sinh hoạt cộng đồng. Việc tự rèn luyện cũng chính là một động lực quan trọng thúc đẩy quá trình rèn luyện đạo đức có hiệu quả.

Việc tu dưỡng đạo đức và phải tu dưỡng suốt đời cũng nhằm đảm bảo cho mỗi người không đi chệch khỏi định hướng giá trị chung của xã hội, không bị “lệch chuẩn” so với xã hội. Việc thuờng xuyên tu dưỡng đạo đức làm cho con người trong bất kì thời điểm nào, bất kì giai đoạn nào cũng luôn giữ được mình trước bất kì sự cám dỗ nào, luôn tận tâm, tận lực, làm việc hết mình để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho gia đình và xã hội.

Trong giáo dục đạo đức cho thanh niên, Hồ Chí Minh luôn động viên, khuyến khích ý thức tự giác, tự rèn luyện. Bởi tự giác học tập rèn luyện giúp mỗi người tiếp thu một cách tự giác hơn, chủ động chuyển hoá thành những kiến thức của mình để phục vụ bản thân và xã hội. Hơn nữa, nếu xuất phát từ sự nhìn nhận mặt tốt và mặt xấu trong con người, nhất là đối với thanh niên thì sự coi trọng việc tự giáo dục, tự tu dưỡng sẽ giúp cho quá trình giáo dục thanh niên trở nên đầy đủ và chắc chắn. Hồ Chí Minh luôn thường xuyên nhắc nhở thanh niên tự tu dưỡng, rèn luyện mình để trở thành người vừa có đạo đức tốt, vừa có trình độ văn hoá cao. Người nói: “thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình” [40, tr.50].

Thứ hai, học đi đôi với hành, lí luận gắn liền với thực tiễn

Trong công tác giáo dục đạo đức cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung cũng như thanh niên nói riêng, Hồ Chí Minh luôn lưu ý rằng cần phải kết hợp chặt chẽ giữa học và hành, giữa lí luận và thực tiễn, bởi giữa hai khâu đó có sự gắn bó khăng khít. Hành là thực hành những chuẩn mực đạo đức mà mình đã được học. Không những thế, hành còn là nguồn gốc của những tri thức mới. Học mà không hành thì trở nên vô ích. Nếu chỉ nói đến đạo đức mà không thể hiện qua hành động thì đó chỉ là lối nói văn hoa chữ nghĩa. Bởi giá trị đạo đức được đánh giá dựa trên cơ sở tác dụng của nó đối với thực tiễn.

Bởi vậy, trong học tập nói chung và trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức nói riêng, học và hành phải luôn đi đôi với nhau. Lí luận ở đây chính là những nội dung mà người học được tiếp nhận. Người nói: “lí luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là tổng những tri thức tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử” [49, tr.497], Và phải vận dụng lí luận vào thực tiễn bởi: “lí luận không có thực tiễn là lí luận suông, thực tiễn không có lí luận hướng dẫn là thực tiễn mù quáng” [49, tr. 496].

Thứ ba, nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức

Một trong những phương pháp giáo dục mang lại hiệu quả cao mà Hồ Chí Minh đã sử dụng thường xuyên và khuyến khích sử dụng là biện pháp nêu gương. Người nói: “lấy người tốt việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” [40, tr.50]. Đây là một trong những biện pháp được Bác sử dụng thường xuyên. Những tấm gương tốt trong mọi lĩnh vực luôn được Bác nêu lên, biểu dương và lấy đó làm các hình mẫu để mọi người học tập và làm theo.

Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến tính tiên phong gương mẫu của cán bộ trong thực hành công việc nói chung và đạo đức nói riêng. Người lưu ý với cán bộ đảng viên là phải gương mẫu cho dân noi theo. Phải có “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh...phải thật thà nhúng tay vào việc” [46, tr.699]. Người nói: một tấm gương tốt quý giá hơn hàng trăm bài diễn văn.

Không chỉ nêu ra những nguyên tắc giáo dục đạo đức, bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về thực hành đạo đức cách mạng. Người luôn thực hiện những điều mình đã nói và đã hứa trước Đảng, trước nhân dân, luôn coi trọng việc làm hơn lời nói. Người phê phán thói “nói một đằng làm một nẻo” và lưu ý rằng phải nói ít làm nhiều. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng, một bằng chứng thuyết phục nhất, cảm động nhất cho sự nhất

quán giữa nói và làm. Người luôn căn dặn chúng ta phải nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động. Nói và viết phải ngắn gọn, giản dị, sao cho quần chúng dễ hiểu, dễ làm.

Giáo dục đạo đức là công việc khó khăn vì nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Bên cạnh một hệ giá trị đạo đức có bề rộng, chiều sâu và mang tính tích cực thì người làm công tác giáo dục đạo đức cũng phải là một tấm gương sáng. Nếu không như vậy thì công tác giáo dục đạo đức khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn, đôi khi còn phản tác dụng. Vì vậy sự lưu ý của Hồ Chí Minh trong việc nêu gương về đạo đức là hoàn toàn xác đáng và nó luôn đúng trong bất kì giai đoạn lịch sử nào.

Thứ tư, xây đi đôi với chống

Xây ở đây là xây dựng đạo đức mới - đạo đức cách mạng, làm cho đạo đức được học tập và thực hành rộng rãi trong xã hội. Còn chống là chống lại những biểu hiện phi đạo đức, những sai trái về đạo đức. Xây và chống luôn phải đi đôi với nhau. Xây tốt thì chống sẽ hiệu quả và có chống tốt thì xây mới dễ dàng.

Theo Hồ Chí Minh, để công tác xây dựng đạo đức mới đạt hiệu quả cao thì công tác giáo dục đạo đức phải được tiến hành một cách thống nhất, từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Những phẩm chất đạo đức phải sát với thực tiễn và phải phù hợp với từng tầng lớp, từng giai cấp. Trong việc giáo dục đạo đức điều quan trọng là phải khơi dậy được ý thức đạo đức tốt đẹp ở mọi người, phải làm sao cho mỗi người tự nhận thức được vai trò ý nghĩa của việc học tập và phải thực hành đạo đức một cách có trách nhiệm.

Song song với việc xây dựng đạo đức mới là việc chống lại những quan điểm xấu, phi đạo đức trong xã hội. Theo Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất là chống lại chủ nghĩa cá nhân. Bởi đây chính là nguyên nhân sâu xa của mọi biểu hiện phi đạo đức, là căn nguyên của mọi thói hư tật xấu trong xã hội. Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng lo lợi ích cho riêng mình, không quan tâm

đến lợi ích chung của tập thể “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy” [51, tr.306]. Phải kiên quyết trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân bởi “nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng” [51, tr.306].

Hồ Chí Minh cũng lưu ý: đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu” [50, tr.291]. Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, coi trọng lợi ích tập thể, nhưng đồng thời cũng tôn trọng quyền lợi chính đáng của mỗi cá nhân.

Như vậy, qua toàn bộ những nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nêu trên, có thể thấy rằng, tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh hoàn toàn gần gũi, dễ hiểu với mọi người dân. Nó gần gũi và gắn bó trong đời sống hàng ngày mà bất kì ai cũng có thể làm được. Đó không phải là những chân lí cao siêu, xa vời, cũng không phải là những lời răn của Thánh. Nó là đạo đức của đời sống hàng ngày, gắn với mọi việc làm, sinh hoạt, nó phổ biến trong cuộc sống đời thường. Cũng chính vì điều này mà tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào đời sống thực tiễn một cách tự nhiên và đã phát huy hiệu quả trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc.

Những nội dung đạo đức trên đây chưa phải là toàn bộ tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh. Nhưng đây là những nội dung cơ bản nhất và hết sức quan trọng, thể hiện rõ sự quan tâm của Người trong công tác giáo dục đạo đức cho toàn thể nhân dân nói chung cũng như cho thế hệ trẻ nói riêng, thể hiện rõ sự quan tâm của Người đối với thế hệ trẻ - lớp người kế cận của sự nghiệp cách mạng nước nhà.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cho sinh viên ngành y, dược hiện nay (Trang 41)