Trung Quốc là một trong những nền văn minh cổ của thế giới và toán học cũng ra đời khá sớm ở đây. Nhưng
sơ khai của nền toán học cổ đại Trung Quốc xuất hiện vào khi nào thì hiện vẫn chưa có cách xác định, chúng ta chỉ có thể suy đoán căn cứ vào các phát hiện khảo cổ học và tài liệu có liên quan.
Di chỉ Mẫu Độ bên bờ sông Triết Giang vào khoảng 5000 năm trước công nguyên cho thấy, nền nông nghiệp của Trung Quốc thời đó đã có quy mô khá lớn, những việc gắn liền với sản xuất nông nghiệp như đo đất, xây dựng nhà cửa, kho chứa đồ và tính lịch thiên văn đều không thể tách rời khỏi toán học.
Cho đến khoảng 3000 năm trước công nguyên, trong các văn hoa khắc hoạ trên các đồ sứ của nhóm di chỉ Bán Pha ở Thiểm Tây đã thấy có các ký hiệu biểu thị số lượng.
Đời nhà Hạ vào khoảng 2000 năm trước công nguyên, xuất phát từ nhu cầu xây dựng các công trình thuỷ lợi với quy mô lớn nên đã xuất hiện các công cụ như dây thừng chuẩn, thước vẽ (hình vuông và tròn)...
Trong các văn giáp cốt của đời nhà Thương đã có cách ghi số theo hệ thập tiến, cách ghi thiên can địa chi, cách ghi giờ.
Vào đời nhà Chu khoảng 800 năm trước công nguyên, tầng lớp quý tộc đã được đào tạo về các mặt "lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số", như vậy "số" đã trở thành một môn học.
Vào thời kỳ xuân thu chiến quốc khoảng 500 trước công nguyên, đã xuất hiện công cụ tính toán "thẻ tính", thẻ tính là một loại công cụ sắp xếp những chiếc que nhỏ theo hệ thập tiến, thẻ này dùng để tính toán nhằm giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống. Cũng chính vào lúc này, để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thông qua quan trắc thiên văn và tính toán, người ta đã cho ra đời bộ sách thiên văn đầu tiên là "Chu Bễ Toán Kinh" vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Nhưng thiên văn học không thể tách rời khỏi toán học, cho nên "Chu Bễ Toán Kinh" thực ra cũng là một tác phẩm nổi tiếng đầu tiên về toán học còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Tác giả của "Chu Bễ Toán Kinh" hiện vẫn không rõ là ai, các kiến thức trong bộ toán kinh này có liên quan tới toán học, các phép tính cộng trừ nhân chia và các ứng dụng của định lý về hình tam giác vuông trong đo lường cho đến nay vẫn khiến nhiều người thán phục.