II. Quyền và nghĩa vụ tố tụng của người bào chữa.
2. Cần tiếp tục nghiên cứu để quy định mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Quy định tại Điều 318 và khoản 5 Điều 324 BLTTHS năm 2003 đã khẳng định thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng thủ tục rút gọn nên được áp dụng cả ở giai đoạn xét xử phúc thẩm đối với loại án đã được áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn sơ thẩm. Theo chúng tôi, các ý kiến này cần phải xem xét, cân nhắc một cách nghiêm túc để nếu có tính khả thi thì kịp thời có sự thay đổi, bổ sung vào BLTTHS vì một số lý do sau:
Thứ nhất, việc bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị không làm cho tính chất của vụ án phức tạp thêm so với thời điểm viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, vì chỉ khi vụ án đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 319 BLTTHS, cơ quan điều tra mới đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn và viện kiểm sát phải nghiên cứu kỹ càng trước khi ra quyết định áp dụng thủ tục này. Việc kháng cáo của bị cáo, kháng nghị của viện kiểm sát trong thủ tục này có thể sẽ ít sảy ra vì sự việc phạm tội đã rõ ràng, đa số các trường hợp bị cáo đã nhận tội hoặc có đầy đủ chứng cứ xác định tội phạm, người phạm tội, do người này bị bắt quả tang, đồng thời viện kiểm sát đã cân nhắc kỹ càng trước và sau khi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án;
Thứ hai, việc xét xử phúc thẩm trong trường hợp này không đòi hỏi nhiều thời gian như trong các vụ án áp dụng thủ tục tố tụng thông thường ở giai đoạn sơ thẩm. Bởi lẽ, ngoài việc để được áp dụng thủ tục rút gọn các vụ án thường ít bị can, bị cáo, tình tiết vụ việc rõ ràng, trong quá trình tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm, nếu có những tình tiết diễn biến làm phức tạp thêm tính chất của vụ án thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm đã có những quyết định cần thiết để không tiếp tục áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án này nữa;
Thứ ba, giả sử có những sai lầm hoặc vi phạm ở cấp sơ thẩm khiến cho vụ án bị xét xử sai thì việc làm rõ để sửa chữa những sai lầm, vi phạm ấy cũng không mất nhiều thời gian so với các trường hợp thông thường, do những điều kiện áp dụng thủ tục
rút gọn đối với vụ án cho phép nhanh chóng xác định các tình tiết thực tế của nó. Mặt khác, khi xét xử phúc thẩm, nếu toà án cấp phúc thẩm xét thấy có sự vi phạm nghiêm trọng các quy định của BLTTHS về các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn cũng như các quy định chung khác, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại để xét xử vụ án theo thủ tục thông thường.
Từ những lý do đã phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 318, Điều 324 BLTTHS theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục này như sau:
Điều 318. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được áp dụng theo quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của chương này.
Chúng tôi cũng đề nghị bỏ quy định ở khoản 5 Điều 324 đoạn nói về “Việc xét xử phúc thẩm… đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung” và tách khoản này ra thành hai khoản khác nhau với nội dung như sau:
Điều 324. Việc xét xử
….
5. Việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành trong thời hạn mười ngày kể từ khi nhận hồ sơ vụ án..
6. Việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung.
Hủy án vì không mời người phiên dịch
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo nói vanh vách bằng tiếng Việt. Đến phiên phúc thẩm, bị cáo đòi hủy án vì “không hiểu tiếng việt”(!). TAND TP.HCM vừa hủy bản án sơ thẩm xử một vụ tổ chức đánh bạc, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại vì không cử người phiên dịch cho một bị cáo người Việt gốc Hoa. Trong khi đó, cấp sơ thẩm lại khẳng định là không cần phiên dịch bởi bị cáo này nghe, hiểu và nói rất sõi tiếng Việt!
Án nhỏ hóa ra phức tạp
Tháng 7-2008, Công an quận 11 bắt quả tang Nguyễn Thị Thúy Sương đang giao phơi đề cho La Văn Nam tại một căn nhà ở phường 14. Mở rộng điều tra, công an biết Nam chỉ là “chân rết” giao phơi lại cho Trần Tị (người Việt gốc Hoa) thầu để hưởng hoa hồng. Khám xét nơi ở của Tị, cơ quan điều tra thu được năm tờ phơi đề có giá trị tổng cộng hơn 14 triệu đồng. Bị bắt, Tị khai mình chỉ thu phơi đề theo yêu cầu của một phụ nữ không rõ lai lịch để hưởng hoa hồng 1% số tiền ghi đề…
Xử sơ thẩm hồi tháng 3, TAND quận 11 đã phạt Tị ba năm tù, hai bị cáo còn lại từ một năm án treo đến một năm tù về tội tổ chức đánh bạc. Sau đó, Tị kháng cáo xin được hưởng án treo.
Đến ngày xử phúc thẩm, Tị đột nhiên yêu cầu phải có người phiên dịch vì “không hiểu tiếng Việt” dù trước đó trong suốt quá trình điều tra, truy tố lẫn xét xử sơ thẩm, Tị không hề nhắc đến việc này. Bị cáo khai với tòa phúc thẩm là mình bị oan và nại rằng tất cả lời khai tại cơ quan điều tra là do cán bộ điều tra ghi, còn ở phiên sơ thẩm thì bị cáo khai nhưng… không hiểu gì. Cả đại diện VKS lẫn luật sư của Tị đều cho rằng việc cấp sơ thẩm không mời phiên dịch cho bị cáo đã vi phạm Điều 24 Bộ luật Tố tụng hình sự, cần phải hủy án để điều tra, xét xử lại. Tòa đồng tình nhưng cũng nhận định thêm rằng Tị là thầu đề thông qua các “chân rết” ghi đề giao lại. Cuối ngày, căn cứ vào kết quả xổ số, nếu ai trúng đề, Tị giao tiền cho các “chân rết” để họ trực tiếp chi trả. Như vậy, Tị là người trực tiếp ăn thua với người mua số đề, có dấu hiệu phạm tội đánh bạc chứ không phải tổ chức đánh bạc.
Phải làm chặt chẽ!
Vấn đề pháp lý đáng chú ý từ vụ án này là trong trường hợp nào thì cơ quan tố tụng phải mời người phiên dịch cho bị can, bị cáo?
Kiểm sát viên cao cấp VKSND tối cao Nguyễn Thanh Sơn cho biết theo luật, cơ quan tố tụng phải mời phiên dịch nếu bị can, bị cáo là người nước ngoài; người dân tộc ít người không biết tiếng Việt; người Việt bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh. Còn trường hợp người Việt có gốc nước khác như người Việt gốc Hoa… thì cần linh hoạt theo từng trường hợp. Một số người Việt gốc Hoa trong môi trường sống hằng ngày vẫn sử dụng ngôn ngữ tiếng gốc của họ nên khi tiến hành tố tụng cần xác định rõ họ có sử dụng tiếng Việt thành thạo hay không. Nếu không, cơ quan tố tụng phải mời phiên dịch để đảm bảo quyền lợi cho họ trong suốt quá trình tố tụng.
Theo ông Sơn, pháp luật hình sự có chế tài rất nghiêm khắc, ảnh hưởng và hạn chế rất lớn đến quyền con người nên thủ tục tố tụng cần phải được chặt chẽ để xử đúng người, đúng tội, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bị can, bị cáo. Vì thế, nếu cơ quan điều tra làm chặt chẽ ngay từ đầu thì sẽ không xảy ra trường hợp đến ngày xử phúc thẩm, bị cáo bỗng nhảy dựng lên đòi phiên dịch để rồi án bị hủy.
Dưới góc độ xét xử, Phó Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long nhận định trong vụ án trên cấp sơ thẩm có thiếu sót cần rút kinh nghiệm. Đó là không lập biên bản việc bị cáo không cần mời phiên dịch hay từ chối phiên dịch. Ông Long khẳng
định dù khi xét xử một bị cáo người nước ngoài, họ nói mình am hiểu tiếng Việt, không cần phiên dịch thì cũng cần phải có biên bản thể hiện ý chí của họ khi mở phiên tòa. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng không có trường hợp nào là không cần thiết mời phiên dịch mà phải xác định cho bằng được là các bị cáo này có yêu cầu người phiên dịch hay không. Bởi lẽ pháp luật tố tụng hình sự nước ta cho phép các bị cáo được quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình khi tham gia tố tụng.
Nguồn: Theo Pháp luật tp Hồ Chí Minh online
Tăng cường bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân trong các giai đoạn tố tụng
Thẩm phán Lại Văn Trình
Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh
Bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân là một trong những nội dung và cũng là mục đích của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chăm lo đến con người, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con người phát triển toàn diện trong thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, trong các hoạt động Nhà nước là những quan điểm cơ bản được thể hiện trong các văn bản của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong những năm gần đây.
Hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt là hoạt động xét xử là một mặt hoạt động của Nhà nước liên quan rất chặt chẽ với quyền tự do, dân chủ của công dân. Hoạt động tố tụng hình sự là nơi các biện pháp cưỡng chế Nhà nước được áp dụng phổ biến nhất, và vì vậy là nơi quyền tự do dân chủ của công dân có nguy cơ dễ bị xâm hại nhất. Thực tiễn tố tụng những năm qua cho thấy rằng cũng còn nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có những vi phạm các quyền công dân , nhất là trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Những vi phạm đó xảy ra là do nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập, hạn chế của pháp luật, có nhận thức, thái độ của người tiến hành tố tụng… Vì vậy, có thể nói, tăng cường việc bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân trong tố tụng hình sự nói chung; trong xét xử vụ án hình sự ,nhất là việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói riêng, từ góc độ lập pháp cũng như áp dụng pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Theo quy định của BLTTHS thì Toà án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh và đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Qua nghiên cứu thực trạng áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, từ góc độ bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân, chúng tôi thấy còn một số điểm hạn chế, bất cập như sau:
– Thứ nhất, theo chúng tôi có tình trạng quá lạm dụng biện pháp tạm giam. Tỷ lệ bị can, bị cáo bị tạm giam chiếm tỷ lệ khá cao. Căn cứ tạm giam chưa được thể hiện cụ thể. Nhìn chung trong quá trình điều tra vụ án, khi đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định tạm giam, đa số các trường hợp trong công văn yêu cầu đều ghi căn cứ chung chung như “để đảm bảo cho công tác điều tra, xử lý”, “thấy rằng cần thiết phải tạm giam bị can, không để bị can trốn”, “không để bị can tiếp tục phạm tội”, mà ít đưa ra được những căn cứ cụ thể. Cũng không loại trừ trường hợp Cơ quan điều tra sử dụng tạm giam như là biện pháp nghiệp vụ để buộc bị can khai nhận tội. Mặc dù Điều 177 BLTTHS quy định sau khi nhận hồ sơ vụ án, Chánh án hoặc Phó chánh án quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam, nhưng trên thực tế, sau khi thụ lý hồ sơ thông thường Toà án tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam mà Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã áp dụng; rất ít trường hợp Toà án thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam đã áp dụng trước đó, có thể để cho thuận tiện tiến hành tố tụng, hoặc để đảm bảo thuận lợi cho thi hành án phạt tù sau này, còn nếu không bị phạt tù thì chờ tuyên án trả tự cho bị cáo luôn.
Việc quá lạm dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhiều khi gây nên sức ép tâm lý không đáng có đối với việc xét xử của Toà án; nhất là sau khi có Nghị quyết số: 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc bồi thường thiệt hại cho những người bị oan do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự; chẳng hạn:
Tình trạng tạm giam là một trong những nguyên nhân dẫn đến Toà án ngại tuyên vô tội khi xét xử mặc dù có đủ căn cứ để làm điều đó. Do sợ bị đánh giá là quyết định bắt giam oan, sai cho nên Toà án thường không dám tuyên bị cáo vô tội, mà thường trả hồ sơ để điều tra bổ sung để Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát đình chỉ -Tạm giam nhiều cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người bị kết án bị phạt tù giam ở nước ta quá cao. Toà án rất hạn chế cho bị cáo bị tạm giam hưởng án treo hoặc áp dụng các hình phạt khác không phải tù như cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo… mặc dù có đủ điều kiện theo quy định của BLHS; trong những trường hợp này Toà án thường xử phạt tù với thời hạn bằng thời hạn bị cáo đã bị tạm giam. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của người bị kết án.
Việc quá lạm dụng biện pháp tạm giam cũng thể hiện trong trường hợp áp dụng khoản 2 Điều 228 BLTTHS bắt giam bị cáo ngay sau khi tuyên án. Nhiều trường hợp Hội đồng xét xử quyết định bắt bị cáo tại ngoại bị xử phạt tù ngay sau khi tuyên án chỉ với nhận định chung chung kiểu như “xét thấy bị cáo có thể trốn”, “xét thấy để đảm bảo thi hành án”… mà không có căn cứ cụ thể;
– Thứ hai, BLTTHS quy định chưa rõ ràng, nên các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Toà án nói riêng đang lúng túng trong việc áp dụng thời hạn tạm giam trong trường hợp đồng phạm mà các bị can, bị cáo phạm tội thuộc các loại khác nhau, cho nên thời hạn tố tụng cũng được quy định khác nhau. Thực tiễn hiện nay đi theo hướng thời hạn tố tụng nói chung, tạm giam nói riêng được thực hiện theo tội nặng nhất trong vụ án đó. Ví dụ: hai bị can A và B đồng phạm cố ý gây thương tích cho
người khác với mức độ thương tật là 45%, B phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm; như vậy A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104 BLHS (tội nghiêm trọng), B bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 BLHS (tội rất nghiêm trọng). Trong trường hợp này, thường thì cơ quan điều tra căn cứ vào Điều 120 BLTTHS, Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 176, Điều 177 BLTTHS để xác định thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đối với cả hai bị can trên cơ sở tội mà B thực hiện (tức là tội rất nghiêm trọng). Như vậy, A chỉ phạm tội nghiêm trọng, nhưng lại phải bị áp dụng