Ngành thủy sản

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa FDI và hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam.doc (Trang 87 - 90)

I. Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, các mục tiêu liên quan đến hoạt động xuất khẩu và triển vọng thu hút FDI của Việt Nam

c. Ngành thủy sản

Chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 bao gồm các nội dung cụ thể sau: Năm 2010, sản lượng tăng bình quân 2,15%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4,8 - 5,0 tỷ USD; Năm 2015, sản lượng tăng 2,76%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,0 tỷ USD; Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,0 tỷ USD.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường xuất khẩu; ngoài thị trường truyền thống có thể khảo sát tìm kiếm thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi. Tuy nhiên, để làm được điều này thì Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua lãi suất vay vốn tín dụng, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các kho dự trữ thủy sản trong thời gian sớm nhất.

Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam

FDI năm 2009 của Việt Nam có vốn đăng ký chỉ bằng 30%, nhưng vốn thực hiện chỉ giảm 16% so với năm 2008. Đó là kết quả đáng khích lệ nếu so với mức giảm gần 2/3 FDI toàn cầu vào các nước đang phát triển và 25-30% ở một số nước trong khu vực (các con số đó đều là vốn thực hiện).

Năm 2010 có những tín hiệu lạc quan hơn về FDI vào nước ta. Theo một báo cáo gần đây về FDI toàn cầu, trong các nước đang phát triển, nhóm các nước mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (BRIC) là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất, sau đó đến Việt Nam và một vài nước khác.

Đánh giá đó dựa trên triển vọng trung hạn và dài hạn về dung lượng thị trường và môi trường đầu tư. Nước ta đã có tổng GDP gần 100 tỷ USD, đã vượt qua mức thu nhập bình quân đầu người của nhóm nước có thu nhập thấp, với thị trường nội địa được xếp hạng có mức tăng trưởng hàng đầu thế giới, là nền kinh tế có độ mở lớn trong giao dịch thương mại thế giới - tổng kim ngạch ngoại thương bằng 1,5 lần GDP, có môi trường đầu tư đang dần được cải thiện bằng những nỗ lực của Chính

phủ về hoàn thiện thể chế trước và sau khi gia nhập WTO, phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương theo hướng phi tập trung hóa, cải cách thủ tục hành chính và đấu tranh chống tham nhũng, lạm quyền của công chức nhà nước.

Độ tín nhiệm của Việt Nam cũng được nâng cao hơn trước, thể hiện rõ nhất là mặc dù các nước lớn đều phải đối phó với khủng hoảng toàn cầu, nhưng khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam được các nhà tài trợ cam kết vào cuối năm 2009 là 8,063 tỷ USD, con số khá hấp dẫn với nhiều nước đang phát triển.

Việc nước ta tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế trong khung khổ WTO, AFTA, FTA ASEAN - Trung Quốc theo hướng dỡ bỏ dần hàng rào quan thuế và hài hòa hóa hải quan, mở cửa thị trường nội địa từ ngày 1/1/2009 “các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối được phép cung cấp dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn, bán lẻ tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, ngoại trừ: xi măng và clinke, lốp (trừ lốp máy bay), giấy, sắt thép, thiết bị nghe nhìn, rượu và phân bón”; những ngoại trừ này được bãi bỏ sau 3 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO tức là từ ngày 1/1/2010, tạo ra lực hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Báo cáo triển vọng đầu tư thế giới của UNCTAD vào tháng 9/2009 dự báo FDI toàn cầu năm 2010 là 1.400 tỷ USD, cao hơn 200 tỷ USD so với năm 2009 và năm 2011 là 1.800 tỷ USD vượt qua mức của năm 2008 là 1.700 tỷ USD. FDI thế giới có xu thế gia tăng trong 2 năm tới là tiền đề để nước ta có thể thu hút nhiều FDI hơn.

Trên đây là những tín hiệu đáng mừng cho triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam. Song, khi bàn về triển vọng thu hút FDI vào Việt nam, các nhà kinh tế thường đề cập đến sự kiện Việt Nam gia nhập WTO như một nhân tố chính yếu làm tăng sức hấp dẫn cho Việt Nam trong mắt nhà đầu tư, bên cạnh đó, sức cạnh tranh của Trung Quốc trong hoạt động thu hút FDI toàn cầu thường được nhắc đến như là một trở lực chính đối với dòng FDI vào Việt Nam.

Trung Quốc đang thắng thế trong việc thu hút FDI so với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng... Và rằng Trung Quốc sẽ còn rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài với lực lượng lao động khổng lồ, có thể đáp ứng khá đầy đủ cho các vị trí

công việc (kể cả nhân lực cấp cao). Chất lượng lao động của họ còn không ngừng được cải thiện với sự hiện đại hóa nền giáo dục, sự trở về ngày càng nhiều của các du học sinh... Trong khi đó, các báo cáo cho thấy các nước ASEAN, và kể cả Việt Nam, đang bị thiếu hụt trầm trọng lao động bậc cao và chi phí lao động, đất đai cũng đã tăng mạnh. Ngoài ra, các khảo sát cũng cho thấy môi trường đầu tư và kinh doanh, chi phí giao dịch và triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc thường được đánh giá cao hơn các nước ASEAN (trừ Singapore)... Nhưng sau sự kiện gia nhập WTO, như kinh nghiệm của Trung Quốc đã cho thấy, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tương lai thu hút FDI vào VN sẽ còn được cải thiện thêm khi mà hiệu quả tức thời của việc gia nhập WTO của Trung Quốc đã dần yếu đi, lập lại thế cân bằng mới, giống như thời điểm trước năm 2000.

Tuy nhiên, bản thân sự hấp dẫn về qui chế thành viên WTO của một nước chỉ có tính ngắn hạn, và về dài hạn, điều hấp dẫn các công ty đa quốc gia chính là những yếu tố làm cho họ có thể phát huy được các lợi thế của họ so với các công ty bản địa, trong đó có lợi thế về công nghệ và quản lý và lợi thế về nội bộ hóa các giao dịch trong mạng lưới công ty thành viên.

Điều này cũng sẽ đúng với Việt Nam. Ngay sau khi gia nhập WTO, FDI vào Việt Nam đã có sự tăng đột biến cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện nhưng trong những năm tới, FDI vào có thể sẽ lại giảm đi nếu Việt Nam không có những bước đi thích hợp nhằm tăng tính hấp dẫn của mình trong dài hạn, trong số đó có việc nâng cao chất lượng lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng, mạng lưới cung cấp, các tổ chức thể chế hiệu quả, cải thiện tích cực môi trường kinh doanh, hạ chi phí giao dịch, phá giá nội tệ, khuyến khích vật chất hợp lý cho FDI vào một số ngành...

Nếu xét theo một khía cạnh khác, sự nổi lên của Trung Quốc như một mảnh nam châm thu hút FDI không chỉ có nghĩa là các nước khác trong khu vực bị thua thiệt. Sự hấp dẫn tăng lên của Trung Quốc còn tạo ra một tác động tích cực có tác dụng kéo thêm FDI đến khu vực, ít nhất là để thỏa mãn nhu cầu nhập khẩu khổng lồ của Trung Quốc, do sản xuất (cả cho xuất khẩu) và tiêu dùng tăng lên.

Hơn thế nữa, vì hàng rào thuế quan đã được hạ xuống nên các công ty đa quốc gia không cần phải thiết lập nhà máy ở Trung Quốc mà có thể chọn các địa điểm

khác phù hợp hơn để sản xuất và sau đó nhập khẩu vào Trung Quốc. Việt Nam cũng sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nếu nắm bắt được cơ hội này (với các biện pháp tăng tính hấp dẫn trong dài hạn nêu trên). Thuận lợi nhất vẫn là những ngành kinh tế hướng vào khai thác tài nguyên (khoáng sản và nông nghiệp), là điều mà Trung Quốc đang rất thiếu hụt.

Như vậy, những năm tới đây, hoạt động thu hút FDI vào Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và cả những thách thức. Chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội thu hút FDI cũng chính là nắm bắt cơ hội để tăng trưởng nhanh và phát triển kinh tế.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa FDI và hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam.doc (Trang 87 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w