Nhóm giải pháp tăng cường thu hút FDI và điều chỉnh cơ cấu FDI thông qua tác động lên hoạt động xuất nhập khẩu

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa FDI và hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam.doc (Trang 98 - 109)

II. Các giải pháp nhằm thu hút FDI và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trên cơ sở điều chỉnh mối quan hệ giữa FDI và xuất nhập khẩu

2. Nhóm giải pháp tăng cường thu hút FDI và điều chỉnh cơ cấu FDI thông qua tác động lên hoạt động xuất nhập khẩu

qua tác động lên hoạt động xuất nhập khẩu

Theo như đánh giá ở chương hai, chúng ta đã thấy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có khả năng tác động đến dòng FDI vào, do đó, muốn tác động tích cực hơn đến dòng FDI, nhà nước có thể tác động một cách gián tiếp thông qua điểu chỉnh các chính sách về quản lý xuất nhập khẩu cũng như mở rộng và cải thiện phạm vi thương mại và quan hệ thương mại với các quốc gia trên thế giới. Sau đây là những giải pháp tác động tích cực đến FDI thông qua điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động xuất nhập khẩu đến dòng FDI vào.

Đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu

Các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do các thủ tục cho xuất nhập hàng hóa ở Việt Nam còn khá phức tạp, gây mất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Đầu tiên phải kể đến là thủ tục Hải quan. Thủ tục hải quan đang thực hiện đòi hỏi phải nộp và xuất trình quá nhiều loại giấy tờ. Thời gian thanh khoản cho các doanh nghiệp kéo dài, nhiều trường hợp gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các chi cục hải quan, cục hải quan không thống nhất trong thực hiện một số luật, thông tư, công văn dẫn đến hàng hóa của doanh nghiệp không được thông quan nên phải chịu chi phí lưu kho, thiếu nguyên vật liệu sản xuất. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp không kịp xuất hàng trả khách, hoặc phải sử dụng vận tải hàng không, làm tăng chi phí không đáng có. Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một đội ngũ nhân lực vững về chuyên môn để phối hợp tốt hơn với các doanh nghiệp và một hệ thống quản lý minh bạch, rõ ràng hơn. Hải quan đang xúc tiến áp dụng thủ tục hải quan điện tử trong xuất nhập khẩu để hạn chế nạn quan liêu, sách nhiễu, tham nhũng, nhưng việc này còn chậm, các bộ ngành liên quan cần đẩy nhanh việc triển khai đồng bộ hơn nữa.

Một điểm bức bối khác của các doanh nghiệp FDI hiện nay là các thủ tục tại cảng biển. Có thể nói, thực trạng của hoạt động quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng biển hiện nay vẫn còn đang trong cơ chế tồn tại nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế. Việc thực hiện chức năng quản lý do nhiều cơ quan đảm nhiệm, hoạt động quản lý gây khó khăn cho hoạt động thương mại, hàng hải. Thủ tục khai báo phức tạp, các loại giấy tờ xuất trình, phải nộp còn quá nhiều và trùng lặp về nội dung. Khi đến cảng, tàu phải nộp 36 loại giấy tờ, xuất trình 27 loại giấy tờ, khi vào cảng là 15 và 13 loại. Địa điểm làm thủ tục còn phân tán, phải qua nhiều "cửa"; thời hạn làm thủ tục không thống nhất mà theo quy định riêng của từng cơ quan.

Tất cả những hạn chế này đã gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động kinh doanh hàng hải và thương mại. Thời gian tàu lưu lại cảng, thời gian thông quan tàu và hàng hóa kéo dài đã khiến chi phí gia tăng, lợi nhuận giảm và thậm chí còn khiến các doanh nghiệp bỏ lỡ mất cơ hội kinh doanh. Thực tế này đặt ra nhu cầu cấp bách đòi hỏi phải có các quy định quản lý Nhà nước đặc biệt cho cảng cũng như sự phối hợp đồng bộ, đơn giản, hiệu quả giữa các cơ quan đảm nhiệm, phù hợp với tập quán quốc tế.

Công cuộc cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển đã được thực hiện thí điểm tại cảng khu vực TP.HCM. Nội dung là hình thành cơ chế "một cửa”. Kết quả thí điểm rất khả quan, song việc phổ biến và thực thi ở các khu vực cảng khác vẫn chưa được tiến hành do mâu thuẫn giữa quy định về một số nội dung cải cách với các văn bản liên quan về quy trình thủ tục, giấy tờ khai báo và hoạt động kiểm tra, giám sát, giám quản, giám hộ theo chức năng chuyên ngành. Việc áp dụng công nghệ thông tin trước mắt cần được nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng theo hướng hiện đại hóa. Bên cạnh những cải tiến nhằm giảm bớt thủ tục đối với tàu thuyền, như bỏ quy định về "thủ tục xin đến cảng", cho phép gửi các tờ khai đến các cơ quan có liên quan bằng các hình thức fax, email... và quy định cụ thể về cách thức thực hiện đồng bộ, thống nhất, kết nối giữa các cơ quan có liên quan đến làm thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng biển. Nếu chính phủ điều chỉnh thu gọn các thủ tục trên một cách hợp lý hơn, hoạt động nhập khẩu nguyên liệu hay xuất khẩu thành phẩm của các doanh nghiệp FDI sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều, tiết kiệm cả về thời gian và chi phí. Điều này sẽ giúp tăng khả năng thu hút FDI hướng về xuất khẩu.

Đẩy mạnh việc kí kết các hiệp định về thương mại song phương, đa phương, các hiệp định thuế quan nhằm mở rộng quan hệ hợp tác và phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước.

Việc mở rộng và phát triển quan hệ thương mại với các quốc gia sẽ tạo thêm lợi thế cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam nhờ ưu đãi mà các nước này dành cho hàng hóa xuất xứ Việt Nam, giúp thu hút FDI hướng về xuất khẩu (Export-oriented FDI).

Như ta đã phân tích ở chương hai, sự mở rộng phạm vi thương mại và củng cố quan hệ thương mại với các quốc gia trên thế giới có tác động làm tăng thu hút FDI vào Việt Nam nói chung, đặc biệt là FDI hướng về xuất khẩu. Sắp tới, khi hoạt động đầu tư trên thế giới phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng, Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh việc kí kết các hiệp định về tự do thương mại, củng cố quan hệ thương mại hiện có và thiết lập quan hệ thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ mới. Gần đây nhất vào tháng 12 năm 2008, hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã kí với Nhật Bản chính thức có hiệu lực, và hiện nay chúng ta đang chuẩn bị cho việc kí kết hiệp định tự do thương mại với EU. Đây sẽ là bước tiến lớn trong việc mở rộng phạm

vi, củng cố quan hệ thương mại với các quốc gia Châu Âu. Việt Nam cũng cần chú ý đẩy mạnh hợp tác thương mại với các nước thuộc châu Phi, châu Mĩ La Tinh và Nga. Quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước này được cải thiện đồng nghĩa với việc các nước này gia tăng những ưu đãi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và Việt Nam cũng dành cho nhà xuất khẩu của họ những ưu đãi tương xứng. Những ưu đãi này là một yếu tố phải cân nhắc khi chủ đầu tư đưa ra quyết định có đầu tư vào Việt Nam hay không bởi những nước trên có thể là thị trường xuất khẩu tiềm năng hoặc là nơi cung cấp tư liệu sản xuất cần thiết cho hoạt động sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Hơn thế nữa, việc Việt Nam củng cố chặt chẽ hơn quan hệ thương mại với từng quốc gia cũng giúp thu hút dòng vốn từ chính nước đó đầu tư vào Việt Nam. Do đó, chính phủ cần chú trọng nhiều hơn đến công cuộc cải thiện quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Sử dụng các ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu hợp lý hơn để tác động đến cơ cấu FDI.

Từ trước tới nay chính phủ Việt Nam đã sử dụng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu như là một công cụ thu hút FDI áp dụng đồng loạt cho FDI vào hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên cũng cần xem xét và điều chỉnh lại các ưu đãi này cho hợp lý hơn. Thực tế nước ta là một nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao do đó đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn. Nền kinh tế luôn ở trong trạng thái thiếu vốn nhưng không vì thế mà thu hút FDI không có chọn lọc. Chính phủ cần phải so sánh mức độ lợi ích đem lại và thiệt hại do FDI gây ra ở từng ngành, lĩnh vực đầu tư khác nhau, từ đó đặt ra mức ưu đãi cho phù hợp với từng ngành trong từng giai đoạn. Cùng là nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, nên có mức ưu đãi khác nhau tùy theo các mức giá trị gia tăng tạo ra hay hàm lượng công nghệ ở từng ngành hàng.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu, hệ thống cảng biển, đặc biệt là các cảng nước sâu, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đ ầu tư trong việc đưa hàng hóa ra vào Việt Nam thuận tiện, nhanh chóng và với chi phí thấp hơn

Các chủ đầu tư đầu tư vào sản xuất, khi quyết định lựa chọn một địa điểm đầu tư quan tâm rất nhiều đến cơ sở hạ tầng của nước nhận đầu tư. Riêng đối với các nhà đầu tư hướng vào mục tiêu xuất khẩu, chủ yếu là các TNC, ngoài những cơ sở hạ tầng thông thường, họ đặc biệt quan tâm đến hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp FDI chiếm tới trên 50% kim ngạch xuất khẩu và trên 35% kim ngạch nhập khẩu của cả nước cho thấy khu vực FDI tham gia hoạt động rất năng động trong lĩnh vực ngoại thương. Những năm gần đây, hơn 90% lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển. Mỗi năm có 154 triệu tấn hàng hóa, 233 ngàn lượt khách và trên 62 nghìn lượt tàu thuyền đã qua cảng biển Việt Nam. Với việc gia nhập WTO, dự báo lượng hàng hóa sẽ còn lớn hơn nhiều. Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc nâng cấp hệ thống cảng Việt Nam.

Các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng và khu vực TP.HCM là những cảng đóng vai trò chủ lực nhưng đều có đặc điểm chung là khu hậu phương rất hẹp, chưa có cầu cảng nước sâu để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn; thiết bị chuyên dụng xếp dỡ hàng hóa rất ít, giao thông đường nối cảng chưa được xây dựng đồng bộ. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2008, họ đã nhận được không ít thông báo về việc thu phí "tắc nghẽn cảng" từ các hãng tàu. Việt Nam cũng chưa có cảng chung chuyển quốc tế, do đó hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam không thể vận chuyển trực tiếp từ Việt Nam tới nơi tiếp nhận mà phải vận chuyển thông qua một cảng trung chuyển của các nước trong khu vực trước khi được đưa tới các nơi tiếp nhận.

Yếu tố cơ sở hạ tầng kém đã làm giảm ý chí đầu tư của nhiều nhà đầu tư khi đến khảo sát thực tế ở Việt Nam vì nó đồng nghĩa với chi phí đầu tư tăng, thời gian vận chuyển kéo dài, tăng rủi ro trong quá trình vận chuyển, làm giảm sức cạnh trạnh của hàng hóa khi xuất khẩu.

Quan trọng hàng đầu là việc đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cảng biển, cảng hàng không hiện đại và thuận tiện hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt là hệ thống cảng biển, cần quan tâm đến việc xây dựng hệ thống cảng nước sâu có quy mô lớn, kèm theo các trang thiết bị hiện đại cho cảng, lao động

chuyên nghiệp, cùng với hệ thống đường giao thông giữa cảng và các khu công nghiệp, khu chế xuất sao cho thuận tiện, hợp lý. Điểm này sẽ hấp dẫn dòng FDI hướng vào xuất khẩu vì nhờ nó, chủ đầu tư dễ dàng nhập khẩu máy móc, nguyên liệu cần cho sản xuất vào Việt Nam, đồng thời xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài một cách thuận tiện, nhanh chóng, chi phí thấp và ít tổn thất. Hiện nhà nước đã triển khai xây dựng một vài cảng nước sâu nhưng tiến độ quá chậm, gây mất cơ hội thu hút và nắm giữ đầu tư nước ngoài. Dự án cảng quốc tế Vân Phong cũng vừa được khởi công vào cuối năm 2009. Hiện nay, hệ thống cảng biển có trên 100 cầu cảng, 24 cảng biển chính với tổng chiều dài mép bến gần 36km và hơn 100 bến phao. Lượng hàng hóa được xếp dỡ qua các cảng biển tăng khoảng 10%/năm, cao hơn rất nhiều so với tốc độ đầu tư xây dựng cảng. Trong thời gian tới, chính phủ cần chú trọng đẩy mạnh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành đúng dự kiến, đưa các cảng này vào hoạt động càng sớm càng tốt.

Một yếu tố nữa thuộc về cơ sở hạ tầng cho hoạt động xuất nhập khẩu là đội tàu biển của nước ta. Việt Nam cần nỗ lực phát triển một đội tàu hùng mạnh với nhiều tàu trọng tải lớn hơn nữa, hiện đại hơn, trang thiết vị phục vụ cho bảo quản hàng cũng cần được cải tiến.

KẾT LUẬN

Sau hơn 20 năm đổi mới và cải cách kinh tế, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu đáng kể về thu hút FDI cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu và chúng ta thừa nhận những đóng góp lớn của hai hoạt động này đến thúc đẩy tăng trưởng cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nước ta. Càng mở cửa hội nhập quốc tế, Việt Nam càng chịu ảnh hưởng lớn của biến động kinh tế thế giới, do đó vai trò của FDI và hoạt động xuất nhập khẩu đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của Việt Nam cũng trở nên quan trọng hơn.

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI và xuất nhập khẩu ở Việt Nam trong khóa luận này cho thấy khả năng tác động qua lại giữa hai nhân tố. Những đóng góp của hoạt động xuất nhập khẩu cho phát triển kinh tế ở Việt Nam có thể được phát huy tích cực hơn hoặc cũng có thể bị hạn chế do các tác động của dòng FDI đến kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu, cơ cấu mặt hàng và cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu. Sở dĩ FDI có thể tạo ra những tác động kể trên đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đều dựa trên vai trò bổ sung vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực sản xuất xuất khẩu; hoạt động chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý; mạng lưới thị trường của các MNC và TNC.

Ngược lại, hoạt động xuất nhập khẩu cũng có thể chi phối năng lực thu hút FDI, cơ cấu ngành và cả cơ cấu chủ đầu tư FDI vào Việt Nam, chủ yếu thông qua các chính sách quản lý xuất nhập khẩu, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, mức độ mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc thực hiện các cam kết về tự do hóa thương mại của Việt Nam.

Trong thời gian tới, nền kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn nhiều biến động, mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn và cả những thách thức lớn. Để giữ vững đà tăng trưởng và nắm bắt các vận hội thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Chính phủ Việt Nam bên cạnh việc đưa ra định hướng và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút FDI, cần lưu ý đến mối quan hệ tương tác giữa hai hoạt động này. Dựa trên việc

nghiên cứu tình hình tác động cụ thể của từng thời kì mà bổ sung các biện pháp phát huy tối đa tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực giữa chúng. Làm được như vậy, chúng ta mới có thể phát huy tối đa năng lực phát triển và tận dụng tối đa sự đóng góp của FDI cũng như hoạt động xuất nhập khẩu cho sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam một cách trọn vẹn nhất.

hoạch năm 2010 của ngành Công thương, Bộ Công thương.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa FDI và hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam.doc (Trang 98 - 109)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w