- Thời hạn thế chấp thường rất ngắn, có khi không quá một tuần Kĩ thuật này thích hợp cho ngân hàng nào chỉ vay trong một vài ngày, như cuối tháng, cuối năm, những ngày đặc biệt,…
a) VỀ MẶT PHÁP LÍ.
Vấn đề này thực sự đã gây nhiều sóng gió trên các diễn đàn luật học trong thời gian qua, đã có rất nhiều bài viết liên quan đến vấn đề này, đặc biệt, kể từ sau ngày Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực, các ngân hàng thương mại hoang mang, nhiều hợp đồng vay vốn mà chủ thể là các ngân hàng có nguy cơ bị vô hiệu. Người ta sẽ phải tuân theo loại lãi suất nào, văn bản nào sẽ ưu tiên được áp dụng? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, và trong thời gian dài, chỉ có các nhà nghiên cứu lên tiếng, và điều đó không đủ cơ sở pháp lí để làm an lòng các ngân hàng thương mại trong việc quyết định mức lãi suất huy động cũng như mức lãi suất của những hợp đồng tín dụng khác.
Vấn đề thứ nhất: Tính thống nhất của cơ chế điều hành lãi suất trong các quy định của pháp luật.
Như đã được trình bày ở trên, theo Quyết định số 546 ngày 30/5/2002 của Thống đốc NHNN về việc thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng, đã trao cho các ngân hàng thương mại quyền tự do lựa chọn mức lãi suất huy động vốn, lãi suất tín dụng theo tác động cung cầu từ thị trường. Tuy nhiên, ngày 1/1/2006, điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 lại quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Rõ ràng, thông qua quy định này, pháp luật dân sự đã thiết lập cơ chế điều hành bằng lãi suất trần đối với hoạt động huy động vốn và các hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại. Với những quy định không rõ ràng của các văn bản liên quan, đã thật sự đặt các ngân hàng thương mại vào “ngã ba đường”.
Khác với Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật Dân sự 2005 đã mở rộng tối đa phạm vi điều chỉnh đối với các quan hệ dân sự. Cụ thể tại Điều 1 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Bộ luật Dân sự quy định địa vị pháp lí, chuẩn mực pháp lí cho cách xử sự của cá nhân, pháp nhân,… trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. Mang bản chất là một quan hệ dân sự, chính vì vậy, các quan hệ liên quan đến hoạt động huy động vốn, liên quan đến lãi suất cũng có thể sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định về lãi suất của Bộ luật Dân sự. Căn cứ vào các quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật, văn bản chuyên ngành không được được trái với các văn bản
quy phạm pháp luật chung47, phải đảm bảo tính thống nhất. Bộ luật Dân sự 2005 (kể cả phần chung và Điều 476 mục 4 Chương XVIII) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật chung (Bộ luật Dân sự) và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành) quy định về cùng một vấn đề (lãi suất vay) mà có khác nhau, thì áp dụng văn bản pháp luật chuyên ngành. Cho nên, khi có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về lãi suất vay, ngân hàng không có cơ sở để áp dụng quy định của văn bản pháp luật chuyên ngành trong việc xác định lãi suất cho vay.
Tuy trong hệ thống pháp luật Việt Nam không công khai thừa nhận nguyên tắc ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật chuyên ngành khi có sự khác biệt giữa các văn bản (theo nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất của pháp luật, không thể để tồn tại tình trạng các văn bản pháp luật mâu thuẩn nhau), nhưng trên thực tế, khi xuất hiện sự mâu thuẩn này, người ta thường vẫn có tâm lí ưu tiên áp dụng văn bản chuyên ngành (vì tâm lí chịu tác động từ cơ quan chủ quản – thường là chủ thể ban hành văn bản đó). Dù xét về lí, văn bản quy phạm pháp luật chung nên là văn bản được ưu tiên.
Trên đây chỉ là những vấn đề mang tính pháp lí, nếu xét riêng về nội dung của từng quy định, sẽ rất vô lí khi điều khoản về lãi suất trong Bộ luật Dân sự không điều chỉnh cả trường hợp các hợp đồng vay tiền liên quan đến các ngân hàng. Hoạt động huy động vốn hay cho vay của các ngân hàng chiếm số lượng lớn nhất trong các quan hệ vay vốn nói chung cả về mặt số lượng và quy mô, và nó cũng đóng vai trò trung tâm Quyết định đến lãi suất thực trên mặt bằng lãi suất của các quan hệ vay vốn khác trong thực tế. Nếu giả định lãi suất huy động vốn và cho vay của các ngân hàng và các loại hình vay vốn khác được điều chỉnh bằng hai cơ chế điều chỉnh khác nhau thì thật sự nhà lập pháp đã đi trái với các nguyên tắc thực tiễn.
Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 16/5/2008 về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng Đồng Việt Nam có thể nói là một Quyết định đúng đắn để sửa chửa những sai lầm của mình. Theo giải trình của Ngân hàng nhà nước Việt Nam việc ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN dựa trên cơ sở pháp lý: Luật NHNN, Điều 9 và 18 quy định “NHNN xác định và công bố lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn” và “Lãi suất cơ bản là lãi suất do NHNN công bố làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh”; Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng”. Lãi suất cơ bản do NHNN công bố là công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các chức năng: Một là, làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh. Hai là, có tác dụng định hướng và điều tiết lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng. Theo đó, lãi suất cơ bản được xác định dựa trên cơ sở lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở của NHNN, lãi suất huy động đầu vào của TCTD và xu hướng biến động cung - cầu vốn, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong ngắn hạn48.