Hoạt động kinh tế xã hội của dân cư và tác động đến tài nguyên rừng

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (2).DOC (Trang 55 - 57)

Cư dân sống trong khu vực VQG Ba Bể đã từ rất lâu. Cuộc sống của họ đã gắn liền với rừng Ba bể. Vì vậy, các hoạt động kinh tế xã hội của dân cư địa phương phải được tôn trọng và tìm cách giải quyết khi đặt ra những biện pháp quản lý bảo tồn tài nguyên.

Với VQG Ba Bể, các hoạt động kinh tế xã hội chủ yếu của dân địa phương trong khu vực VQG tác động đến tài nguyên rừng gồm: phát rừng làm nương; khai thác gỗ củi; săn bắn động vật; đánh bắt thủy sản Hồ Ba Bể.

2.4.3.1 Hoạt động phát rừng làm nương

Hoạt động phát rừng làm nương được đánh giá là phá rừng nhanh nhất và tàn khốc nhất. Vào khoảng đầu những năm 1980, nạn di dân, du canh du cư từ các tỉnh phía Tây Bắc và Cao Bằng làm cho dân số của Ba Bể tăng nhanh, nhất là các khu vực vùng cao. Dân số tăng nhanh làm duy giảm diện tích đất rừng do tình trạng đốt rừng làm nương rẫy của dân tộc thiểu số H’Mông, Dao. Dân số càng tăng nhanh thì càng thiếu đất canh tác, người dân phải khai phá thêm nương rẫy mới đủ ăn. Hiện nay tình trạng này đã giảm bớt nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ, nếu VQG không quản lý chặt người dân sẽ tiếp tục phá rừng.

2.4.3.2 Hoạt động khai thác gỗ củi

Hiện tượng dân vào khu bảo vệ nghiêm ngặt để khai thác trộm gỗ vẫn xảy ra lén lút mặc dù đã có sự quản lý chặt của cán bộ kiểm lâm. Theo đánh giá của cán bộ VQG, hiện tượng khai thác trộm gỗ ở cả vùng đệm và vùng cấm xảy ra nhiều vào đầu những năm 90, nay đã giảm; song hiện tượng buôn bán gỗ tại khu vực Huyện Ba Bể có phần sôi động hơn.

Giống như các khu vực miền núi khác, người dân Ba Bể thường sử dụng củi làm chất đốt. Họ cho rằng đun củi là tiện nhất và sẵn có nhất. Nhiều hộ gia đình cho biết mỗi ngày họ dùng hết một vác củi khô từ 20 – 30kg cho việc nấu nướng, sưởi ấm. Hàng ngày mỗi gia đình đều phải có một người đi lấy củi và công việc này chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Nếu tốc độ khai thác gỗ củi ngày càng tăng, nguồn chất đốt không được sử dụng tiết kiệm thì mỗi năm VQG sẽ mất đi một lượng gỗ khá lớn.

2.4.3.3 Săn bắn động vật hoang dã và thu hái lâm sản ngoài gỗ

Săn bắn là nguyên nhân trực tiếp gây suy giảm tài nguyên thú của VQG. Thời kỳ trước năm 1986, Ba Bể là khu vực có nhiều súng săn nhất trong các khu bảo tồn ở nước ta vì đồng bào các dân tộc ở đây có tập quán săn bắn động vật từ lâu và có cơ sở sản xuất súng ngay tại địa phương. Mặc dù người dân đã được tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng và họ biết rằng nếu săn bắn động vật hoang dã có thể bị truy tố nhưng săn bắn trộm vẫn xảy ra. VQG đã vận động các hộ gia đình giao nộp súng săn và đã thu được hơn 2000 khẩu nhưng nhiều người dân có ý thức kém vẫn mang súng cất giấu trong rừng.

Khai thác lâm sản ngoài gỗ tạo một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Lâm sản ngoài gỗ được khai thác nhiều gồm Măng, nấm, Mộc nhĩ, dược liệu, cây làm rau, quả rừng…. Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên có khả năng tái sinh nhanh mà dân địa phương là người được hưởng lợi trực tiếp. Chẳng hạn, hiện có 9 người sống quanh khu vực VQG làm nghề khai thác cây thuốc, bốc thuốc với thu nhập khá cao từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Nếu nguồn lâm sản ngoài gỗ được khai thác hợp lý thì người dân sẽ được hưởng lợi lâu dài nhưng nếu khai thác hủy diệt như hiện nay thì nguồn tài nguyên sẽ dần cạn kiệt (chặt cả cây gỗ để khai thác tầm gửi, đào cả gốc các cây dược liệu…).

2.4.3.4 Đánh bắt cá trong hồ

Hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên được hình thành từ lâu nên rất đa dạng về loài cá, về trữ lượng cá. Khai thác cá trong hồ là một nghề của người dân vùng ven hồ. Theo ước tính có khoảng 80% hộ dân sống ở các khu vực vùng thấp của xã Nam Mẫu giáp hồ Ba Bể đều có nguồn thu nhập từ đánh bắt cá. Có gia đình coi đây là nguồn thu chính và khá ổn định. Hầu như gia đình nào cũng có thuyền độc mộc và ngư cụ như chài lưới để đánh bắt cá.

Các nhà nghiên cứu về nguồn lợi cá hồ Ba Bể (Đào Văn Tiến năm 1962; Nguyễn Văn Hảo 1964, Mai Đình Yên 1969) đều xác nhận nguồn cá ở đây rất phong phú, cụ thể năm 1961 – 1962 là 38 tấn/năm và 15tấn/năm (1975). Thời gian gần đây qua kết quả điều tra sản lượng ước tính chỉ còn 6 – 7 tấn/năm vào năm 2000. Sau gần

40 năm năng suất cá Hồ Ba Bể đã giảm 5,67 lần từ 85kg/ha năm 1961 – 1962 xuống còn 15kg/ha năm 2000.

Nguyên nhân chính suy giảm năng suất cá là do sử dụng các phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt đã và đang diễn ra tại Ba Bể. Người dân chỉ vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng sử dụng xung điện thậm chí thuốc nổ để đánh bắt cá, vừa làm suy giảm năng suất sinh học vừa để lại những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, gây ra sự mất cân bằng sinh thái của các quần thể thực động vật trong hồ.

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (2).DOC (Trang 55 - 57)