KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu XÁC ĐỊNH MỨC SẴN LÒNG TRẢ ĐỂ BẢO TỒN SẾU ĐẦU ĐỎ Ở KIÊN LƯƠNG KIÊN GIANG (Trang 65 - 69)

- Phần 4: Các câu hỏi về đặc điểm kinh tế xã hội của người trả lời.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

5.1. Kết luận

Việc lượng giá lợi ích từ việc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng là không đơn giản vì dịch vụ bảo tồn động vật hoang dã không được mua bán trên thị trường. Đề tài sử dụng phương pháp định giá ngẫu nhiên (CVM) để ước lượng mức sẵn lòng đóng góp của người dân cho việc bảo tồn sếu đầu đỏ.

Qua điều tra 160 hộ dân ở huyện Kiên Lương (Kiên Giang) và TP.HCM, kết quả cho thấy đa số người trả lời đều quan tâm đến vấn đề tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, người dân cho rằng vấn đề bảo tồn những loài có nguy cơ tuyệt chủng không được ưu tiên so với vấn đề ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải và vấn đề giao thông. Đa số người dân cho rằng việc bảo tồn những loài có nguy cơ tuyệt chủng là quan trọng, và nhận thức cộng đồng về loài sếu đầu đỏ nhìn chung là chưa cao.

Mức sẵn lòng trả của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thu nhập, trình độ học vấn, tín ngưỡng… Trong đó, yếu tố tín ngưỡng là quan trọng nhất. Đây là phát hiện khá mới mẻ và thú vị của đề tài. Có thể nói rằng truyền thống văn hóa và yếu tố tâm linh rất quan trọng trong đời sống của người Việt Nam, yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến xác suất chấp nhận trả hay không.

Áp dụng các kĩ thuật hồi quy và phương pháp toán học, đề tài xác định được là mức đóng góp trung bình của người dân ở Kiên Lương và TP.HCM là 16.260 VND/tháng/hộ cho việc bảo tồn sếu đầu đỏ ở Kiên Lương. Khi loại bỏ những câu trả lời phản đối và không chắc chắn đề tài xác định được mức đóng góp trung bình cao hơn, lên đến 21.815 VND/tháng/hộ. Và tổng mức đóng góp của người dân ở Kiên Lương (Kiên Giang) và TP.HCM là 22.858.129.140 VND/tháng. Khi loại bỏ những câu trả lời phản đối và không chắc chắn tổng mức đóng góp là 30.667.287.035

VND/tháng. Đây chỉ mới là con số từ hai địa phương, nếu tính cho tất cả các địa phương trong cả nước, thì lợi ích thu được từ việc bảo tồn sếu đầu đỏ sẽ lớn hơn rất nhiều. Kết quả của đề tài là cơ sở cho các nhà làm chính sách tham khảo khi ra các quyết định để phát triển bền vững các vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa.

5.2. Kiến nghị

Thực hiện kế hoạch bảo tồn sếu đầu đỏ là điều cấp thiết. Cần thực hiện phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường, nếu để đến khi thu nhập quốc gia tăng cao rồi mới quan tâm đến hàng hóa và dịch vụ môi trường thì e rằng đã quá trễ. Thực tiễn bài học từ Thái Lan “trước đây, sếu về Thái Lan rất nhiều nhưng nước này phát triển mạnh nông nghiệp tác động môi trường sống làm sếu bỏ đi. Sau đó, Chính phủ Thái Lan đầu tư nhiều tiền của nhưng sếu vẫn không về” (Trần Triết, 2006).

Để việc bảo tồn sếu đầu đỏ có kết quả tốt, cần chú ý tới việc ban hành và thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Chính quyền địa phương cần đưa ra một hệ thống các quy định cụ thể về giới hạn tiếp cận của người dân đến khu bảo tồn, khu vực nào cho phép người dân tiếp cận và khai thác, khu vực nào không được tiếp cận, cấm những hoạt động gây suy thoái môi trường sống của sếu đầu đỏ. Tỉnh cũng cần đưa ra các chính sách đầu tư phát triển, quy định tất cả các hoạt động kinh tế có ảnh hưởng đến môi trường sống phải đánh giá tác động môi trường. Để các chính sách đó phát huy hiệu quả cao nhất, các ngành có liên quan cũng cần tổ chức phối hợp chặt chẽ thống nhất với nhau trong việc ban hành chính sách, quy hoạch và thực hiện các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn sếu đầu đỏ, sử dụng các đồng cỏ ngập nước theo mùa.

Việc nâng cao nhận thức người dân, chính quyền địa phương cũng như nâng cao những kỹ năng chuyên môn nhóm cán bộ quản lý sếu đầu đỏ cũng hết sức cần thiết. Bởi vì, qua kết quả khảo sát cho thấy sự hiểu biết của cộng đồng về loài sếu đầu đỏ nhìn chung là chưa cao. Như vậy, để có thể nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này cũng như khuyến khích cộng đồng trả tiền nhiều hơn cho hoạt động quản lý và bảo tồn môi trường sinh thái cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng qua các phương tiên thông tin đại chúng (tivi, radio…), qua internet, qua phim ảnh hoặc các game show trên truyền hình, qua các đoàn thể thanh thiếu niên như: tổ chức đoàn, tổ thanh niên tự quản…cũng rất quan trọng bởi vì thế hệ thanh thiếu niên là

chủ đất nước sau này. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách khen thưởng những cá nhân tổ chức tích cực trong việc bảo tồn sếu, ví dụ khen thưởng các cá nhân/tổ chức giao nộp sếu bị thương/bị bệnh cho cơ quan có thẩm quyền…; xử phạt nghiêm những người vi phạm, ví dụ săn bắt, xâm hại…đến việc bảo tồn sếu đầu đỏ.

Mặt khác, nâng cao nhận thức của cán bộ chính quyền địa phương là rất quan trọng, bởi vì cán bộ chính quyền địa phương là những người trực tiếp ban hành các chính sách liên quan tới việc bảo tồn sếu đầu đỏ. Thực tế cho thấy, các dự án bảo tồn đều dừng lại bởi gặp quá nhiều khó khăn do thiếu sự đồng thuận giữa các bên. Các nhà khoa học thì tỏ rất tâm huyết và nhà tài trợ, người dân (đa số những người không nuôi tôm, hoặc người dân ở địa phương khác…) cũng sẵn sàng bỏ tiền ra nhưng địa phương lo ngại, không mặn mà vì sợ “đụng chạm quyền lợi”. Đáng tiếc là việc bảo vệ sếu cũng không được sự ủng hộ của một số cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang chứ không riêng gì những người nuôi tôm ở khu vực này. Theo lời Trần Triết (2009) “Cả miền Nam có khoảng bốn triệu hecta đất nông nghiệp, trong đó khoảng 2,5 triệu hecta là trồng lúa, hà cớ gì chỉ một vài trăm hecta cho sếu mà cũng bị biến luôn thành đất nông nghiệp. Đất ngập phèn đâu thể trồng lúa, nuôi tôm, chỉ có cỏ năn, cỏ bàng mọc. Đây sẽ là những mảnh đất cuối cùng để chúng ta có thể bảo tồn thiên nhiên. Trước áp lực phát triển quá lớn, đất nước ta đã hy sinh nhiều hệ sinh thái. Không như các hệ sinh thái đơn giản của Bắc Mỹ, châu Âu, các hệ sinh thái phức tạp của nước ta khi đã bị tàn phá thì hầu như không thể phục hồi”. Do vậy, các cán bộ quản lý cấp cao cần có cái nhìn vĩ mô trong vấn đề bảo tồn này, bởi vì “Không nên nghĩ tới cái lợi trước mắt mà cần có cách nhìn rộng hơn để có biện pháp giữ đồng cỏ năn xoắn ở Hòn Chông, Kiên Lương. Bởi Kiên Lương là một trong hai nơi còn sót lại của VN không chỉ của đàn sếu đầu đỏ mà còn của nhiều loài chim quí hiếm khác có tên trong Sách Đỏ...” (Trần Triết, 2005)

Ngoài ra, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về sếu đầu đỏ cần được phát triển và nâng cao hơn nữa như: theo dõi chất lượng nước, theo dõi bệnh tật và sức khỏe, nghiên cứu sâu hơn nữa đời sống của sếu… Đưa ra kế hoạch bảo tồn vĩ mô trong quy hoạch và sử dụng đồng cỏ ngập nước theo mùa, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập của người dân thông qua khai thác bền vững tài nguyên từ đồng cỏ ngập nước theo mùa.

Vì sếu đầu đỏ là loài chim di trú, nên để việc bảo tồn thành công, cần có kế hoạch và hành động bảo tồn xuyên quốc gia. Phối hợp bảo tồn sếu đầu đỏ giữa chính quyền hai nước Việt Nam và Campuchia, với Hội Sếu Quốc Tế để cùng đưa ra các chính sách, hợp tác giúp đỡ về mọi mặt, cũng như tìm kiếm nguồn tài trợ trong vấn đề bảo tồn.

Vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa có đa dạng sinh học rất cao. Vì vậy, tổng lợi ích của việc bảo tồn môi trường sống của sếu đầu đỏ có thể cao hơn nhiều so với việc chỉ bảo tồn một loài sếu đầu đỏ mà thôi. Do đó, mục tiêu không chỉ để bảo tồn sếu đầu đỏ mà quan trọng hơn là bảo tồn đa dạng sinh học ở hệ sinh thái đồng cỏ ngập nước theo mùa. Vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa mất đi sẽ phá hủy môi trường sống của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng khác nữa.

Sếu đầu đỏ là loài chim đẹp và hiếm, nên có giá trị cao cho hoạt động tham quan du lịch. Vì vậy, nếu vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa được quản lý như một khu du lịch sinh thái, nó sẽ hấp dẫn nhiều du khách đến với Kiên Lương. Điều này sẽ góp phần để phát triển ngành du lịch và cải thiện nhận thức về môi trường của người dân địa phương nơi đây.

Một phần của tài liệu XÁC ĐỊNH MỨC SẴN LÒNG TRẢ ĐỂ BẢO TỒN SẾU ĐẦU ĐỎ Ở KIÊN LƯƠNG KIÊN GIANG (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)