Xu thế tất yếu có tính quy luật của xã hội đó là vốn đầu tư luôn được di chuyển từ nơi có khả năng sinh lời thấp (hoặc khó có khả năng sinh lời) đến nơi có khả năng sinh lời cao (hoặc dễ có khả năng sinh lời). Vốn đầu tư nước ngoài theo nghĩa rộng gồm cả vốn bằng tiền, công nghệ, kỹ thuật, lao động kỹ thuật cao, kỹ năng quản lý.... Sự di chuyển này thường sảy ra theo 3 hướng: Hướng thứ nhất, di chuyển theo không gian: trong cùng một lĩnh vực nhưng nhà đầu tư của quốc gia này quyết định đầu tư ở quốc gia khác, trường hợp này thường từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Hướng thứ hai, di chuyển khỏi lĩnh vực:
các nhà đầu tư rút một phần vốn (hoặc toàn bộ vốn) từ lĩnh vực này sang đầu tư ở lĩnh vực khác có khả năng sinh lời cao hơn. Ví dụ, rút vốn từ lĩnh vực công nghiệp sang đầu tư ở lĩnh vực dịch vụ, giải trí, nông nghiệp, môi trường... Hướng thứ ba, tổng hợp: đây là sự kết hợp cả xu hướng thứ nhất và thứ hai. Ví dụ, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại sang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nước có nền nông nghiệp truyền thống.
Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể tăng hoặc giảm ở những giai đoạn khác nhau; tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố xuất phát từ nhiều phía, không riêng gì từ phía nước đầu tư và nước nhận đầu tư.
Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một điểm đến có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc bảo toàn và sinh lời của vốn. Các điều kiện được các nhà đầu tư đánh giá cao đó là môi trường luật pháp thông thoáng hơn (thủ tục hành chính được cải cách đơn giản hơn, chỉ số bảo vệ các nhà đầu tư cao hơn so với các nước Đông Nam Á), chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào, tài nguyên đa dạng (đặc biệt là tài nguyên đất và tài nguyên sinh vật), có giao thông đường thuỷ (hiện nay có tới 85% khối lượng hàng hoá từ nước này sang nước khác được vận chuyển bằng đường thuỷ) và là cửa ngõ để vào các nước Đông Nam Á khác.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị suy giảm mạnh như hiện nay, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ giảm mạnh trong những năm tới. Khi nền kinh tế thế giới được phục hồi, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tăng mạnh, có thể tăng trở lại vào năm 2010. Với xu thế như vậy, việc chuẩn bị các yếu tố để thu hút và hấp thụ hiệu quả FDI là điều phải được tính trước.