Cơ sở pháp lý

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ FDI TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2015.doc (Trang 71 - 78)

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao.

Khắc phục những hạn chế, tăng lực cho giai đoạn từ nay đến năm 2020, tại Hội nghị lần thứ 7 khoá X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Tam nông). Nội dung Nghị quyết đã khẳng định mục tiêu đến năm 2020 là "Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,5 - 4%/năm; sử dựng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả; duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay. Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thuỷ lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích đất lúa 2 vụ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xoá đói, giảm nghèo...".

Thực hiện đường lối chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong Chương trình hành động, Chính phủ đã đưa ra 5 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, có nội dung thực hiện công tác quy hoạch (có 9 vấn đề cần phải thực hiện), xây dựng mới các chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2020 (có 3 chương trình được xây dựng mới), xây dựng các đề án đến năm 2020 (có 36 đề án sẽ được thực hiện). Nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung trong Chương trình của Chính phủ được đánh giá là vô cùng lớn, chiếm khoảng 40% tổng GDP. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài như vốn ODA và vốn FDI có vai trò rất quan trọng. Vì thế, Chính phủ đã có Nghị quyết số 13/NQ - CP ngày 07 tháng 4 năm 2009 về

định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Nội dung Nghị Quyết đã chọn lọc các lĩnh vực quan trọng cần thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có 2 lĩnh vực gồm: phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản, phát triển các vùng khó khăn, nông nghiệp và nông thôn.

Để cụ thể hoá kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành "Chương trình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Nội dung chính của Chương trình hướng vào phát triển công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con có năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao (cà phê, chè, rau quả, hoa cây cảnh, chăn nuôi, tô, cá và các loại nhuyễn thể); sử dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị và mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm, tạo ra thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Bên cạnh, mục tiêu chính, Chương trình đã nêu cụ thể 5 lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn FDI gồm:

1) Ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến lương thực:

- Lúa, ngô: trong lĩnh vực này chủ yếu tập trung thu hút các dự án ĐTNN vào khâu bảo quản, chế biến lương thực ở các địa phương đạt trình độ công nghệ tiên tiến để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu xuất khẩu.

- Rau đậu và hoa các loại: theo quy hoạch đến năm 2010 diện tích rau đậu, hoa các loại dự kiến đạt 1 triệu ha và đến năm 2020 đạt khoảng 1,1 - 1,2 triệu ha; sản lượng đến năm 2010 ước đạt 15,2 triệu tấn và năm 2020 ước đạt 20,7 triệu tấn. Để đạt mục tiêu đó, cần thu hút các dự án ĐTNN vào các vùng sản xuất rau chất lượng cao, tập trung theo công nghệ sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển trồng nấm cho tiêu dùng

trong nước; phát triển các loại hoa, cây cảnh đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các dự án đầu tư này có thể bố trí chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng khác có khí hậu mát, lạnh quanh năm.

2) Ngành chế biến (nông sản, hải sản và thực phẩm)

- Mía đường: đến nay cả nước có đến 38 nhà máy mía đường, trong đó có 5 nhà máy có vốn ĐTNT. Như vậy có thể nói số lượng nhà máy và công suất của các nhà máy đã đủ, không cần đầu tư thêm. Do đó, ngoài việc thu hút khuyến khích các nhà mày sử dụng hết công suất, cần xem xét đến khả năng thu hút vốn ĐTNN vào việc chết biến đường kết hợp với sản xuất ethanol (cồn) và phát điện, đồng thời tiếp tục đầu tư thâm canh; nghiên cứu và sử dụng giống mía có năng suất và trữ lượng đường cao. Các vùng dự án cần bố trí vùng nguyên liệu tại duyên hải Nam Trung Bộ, duyên hải Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

- Cà phê: Trong vong năm 5 tới (đến năm 2015) không cần thiết huy động vốn đầu tư trồng mới đặc biệt là cà phê robusta, nên ổn định ở diện tích 450.000 - 500.000 ha, với sản lượng 1 triệu tấn. Do đó, với lĩnh vực này cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào việc chế biến đặc biệt là chế biến cà phê hoà tan, cà phê rang xay... để đến 2015 đạt sản lượng từ 10.000 - 15.000 tấn/năm, trong đó xuất khẩu chiếm 50%.

- Chè: Mục tiêu chung của ngành chè đến năm 2010 - 2015 là trồng mới và thay thế dần diện tích chf cũ đạt mức ổn định khoảng 130.000 ha (đến năm 2020 ổn định ở diện tích 140.000 ha); sản lượng chè bút tươi đến năm 2015 ước đạt 900 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động trên cả nước. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc mở rộng các cơ sở chế biến trong nước, cà thu hút ĐTNT vào ngành này để cải thiện chất lượng giống chè, kiểm soát ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè, nâng cao năng suất và chất lượng đạt hiệu quả xuất khẩu cao. Các dự án ĐTNT có thể thực hiện tại

một số tỉnh miền núi như Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La và Lâm Đồng.

- Cao su: Định hướng đến năm 2015 và lâu hơn nữa của ngành cao su là nâng cao chất lượng cao su, phát triển nhanh công nghiệp chế biến mủ cao su xuất khẩu. Theo định hướng đó, cần tập trung thu hút ĐTNN vào đầu tư các nhà máy công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực chế biến mủ cao su lu tâm (latex); phát triển các sản phẩm công nghiệp cao su dùng làm nguyên liệu ngành giày dép và may mặc; xây dựng các cơ sở chế biến các sản phẩm gỗ cao su công nghệ hiện đại như máy ván sợi (MDF), ván ép, gỗ đúc... để nâng cao giá trị gỗ cao su.

- Rau quả: cần thu hút đầu tư ĐTNN để thực hiện các mục tiêu sau: xây dựng các vùng nguyên liệu cây ăn qủa chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, tập trung cho các nhà máy theo hướng chủ yếu là thâm canh, xây dựng các vườn giống đạt tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng; hiện đại hoá công nghệ bảo quản rau, quả tươi phù hợp với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; xây dựng hệ thống thu hái, tuyển chọn, bảo quản, đóng gói những loại rau quả có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

3) Ngành chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi

- Chăn nuôi: thu hút FDI để phát triển các loại gia súc gia cầm theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung dưới hình thức trang trại, nuôi công nghiệp gắn với sơ chế giết mổ và chế biến công nghiệp.

- Chế biến thức ăn chăn nuôi: mục tiêu của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2020 là đưa tỷ lệ sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 42% lên trên 70%. Để thực hiện mục tiêu đó, vai trò của ĐTNN rất quan trọng. Do đó, mục tiêu thu hút ĐTNN tập trung vào xây dựng và cung ứng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi (như: ngô, đậu tương, cỏ...) và đầu tư hạ tầng, thiết bị bốc dỡ, kho cảng biển nước sâu chuyên cho xuất - nhập nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi.

- Chế biến sản phẩm chăn nuôi: Hiện nay, tỷ trọng thịt được giết mổ, chế biến công nghiệp còn rất khiêm tốn do công nghệ lạc hậu. Do vậy, cần thu hút ĐTNN để thực hiện các dự án giết mổ, chế biến công nghiệp nhằm góp phần tăng tỷ trọng thịt được giết mổ, chế biến công nghiệp từ 4% năm 2006 đến khoảng 25% năm 2015 và 37% năm 2020.

4) Ngành trồng rừng - chế biến gỗ

- Ngành trồng rừng, chế biến bột giấy: Đến năm 2007, Việt Nam có khoảng 2,1 triệu ha đất trống phù hợp cho trồng rừng sản xuất nguyên liệu, cùng với tổng diện tích 3 loại rừng 16,24 triệu ha, trong đó rừng sản xuất là 8,4 triệu ha. Để sử dụng hiệu quả tài nguyên này, định hướng thu thút ĐTNN vào các nội dung sau:

+ Sản xuất giống cây có chất lượng, năng suất cao nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, lâm sản.

+ Trồng lại diện tích rừng trồng sản xuất hiện có (khoảng 840 nghìn ha) và áp dụng các biện pháp kĩ thuật lâm sinh tiên tiến để đầu tư trồng mới loại cây mọc nhanh, năng suất cao cung cấp nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến ván nhân tạo, giấy.

+ Khuyến khích các dự án trồng rừng nguyên liệu ở những nơi phù hợp với các giống cây có năng suất, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ. Khuyến khích các chủ đầu tư xin cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cử FSC cho các khu rừng trồng mới này.

- Ngành chế biến gỗ, lâm sản: Trong những năm gần đây, ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng cao, năm 2007 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2000 (219 triệu USD). Hiện có khoảng hơn 900 doanh nghiệp tham gia chế biến gỗ xuất khẩu, trong đó có gần 300 doanh nghiệp ĐTNN quy mô lớn. Định hướng thu hút ĐTNN để thực hiện các dự án sau:

+ Phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre.

+ Xây dựng, mở rộng các khu công nghiệp chế biến lâm sản ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế.

+ Xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến tổng hợp gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ; chế biến ván nhân tạo và bột giấy, giảm dần chế biến dăm gỗ xuất khẩu.

+ Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng nhiều lao động, ít nguyên liệu song đạt giá trị cao...

5) Ngành thủy sản (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Khai thác thủy sản: Việt Nam có chiều dài bờ biển 3260 km với trên 1000 km2 vùng đặc quyền kinh tế; trữ lượng hải sản khoảng 5 triệu tấn với khả năng khai thác bền vững, tối đa 2 triệu tẩn/năm. Định hướng thu hút ĐTNN trong ngành này là tập trung vào các dự án sử dụng công nghệ khai thác nghề cá có trách nhiệm, khai thác loài cá có giá trị kinh tế cao, giảm tối đa khai thác loài cá phụ, đồng thời không làm xáo động ngư dân ở vùng khai thác.

- Nuôi trồng thủy sản: Việt Nam có tiềm năng nuôi thủy sản lớn với trên 2 triệu ha, trong đó 500000 ha mặn lợ, 400000 ha hồ ao, ruộng trũng và 500000 ha vịnh đầm nuôi biển. Định hướng thu hút ĐTNN vào ngành này trong tời gian tới là khuyến khích các dự án sản xuất giống và nuôi các loài giá trị cao (như giống cá biển các loại, các loại giống bố mẹ sạch bệnh); sản xuất thức ăn hữu cơ, vi sinh phục vụ phương pháp nuôi GAP, nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo...

- Chế biến và xuất khẩu thủy sản: Định hướng thu hút ĐTNN tập trung vào việc đổi mới công nghệ chế biến phù hợp với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế HACCP, GMP,

SSOP; mở rộng chủng loại và khối lượng hàng thủy sản có giá trị gia tăng, hàng phối chế, hàng ăn liền đạt tỷ trọng 60 - 65% sản phẩm giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị xuất khẩu thủy sản.

Như vậy có thể thấy, cơ sở pháp lý cho việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được xây dựng một cách có hệ thống và chặt chẽ; nhiệm vụ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được Đảng và Chính phủ đánh giá là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thành công công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn tới.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ FDI TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2015.doc (Trang 71 - 78)