a, Điều kiện tự nhiên
Quảng Xương là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hoá. Phía Bắc giáp thành phố Thanh Hoá, huyện Hoằng Hoá, thành phố du lịch Sầm Sơn; phía Nam giáp huyện Tĩnh Gia, Nông Cống; phía Tây giáp huyện Đông Sơn; phía Đông giáp Biển Đông. Trên địa bàn huyện có các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 45, quốc lộ 47, tỉnh lộ 4 chạy qua đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho huyện Quảng Xương trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá xã hội với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh bạn trên cả 2 miền Nam Bắc.
Đặc biệt Quảng Xương giáp Thành phố du lịch Sầm Sơn và Vịnh Bắc Bộ, chiều dài bờ biển trên 10 km, gần cửa Lạch Hới phía Bắc và có cửa Lạch Ghép phía Nam là các cửa lạch lớn thông ra biển Đông tạo thế mạnh cho nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và phát triển du lịch biển; Về phía Bắc giáp khu công nghiệp Lễ Môn của Thành phố Thanh Hoá và phía Nam gần khu kinh tế Nghi Sơn sẽ có tác động mạnh đến phát triển kinh tế của huyện. Đây là những địa bàn thu hút hàng hoá, thực phẩm, nông sản và lao động của Quảng Xương tham gia phát triển. Trên địa bàn huyện Quảng Xương có các bãi biển đẹp, có vị trí thuận lợi là gần kề khu du lịch Sầm Sơn, gần Quốc lộ 47, Tỉnh lộ 4 và bãi biển, núi ven biển ở khu vực Tiên Trang đã được quy hoạch thành các khu công nghiệp du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển đã và đang được đầu tư. Phía Nam huyện có cầu Ghép lịch sử, có mũi đất Quảng Nham, vùng triều Lạch Ghép sẽ là vùng du lịch sinh thái quan trọng; phía Tây - Bắc huyện, vùng xã Quảng Yên có mạch nước nóng tự nhiên và đang được nghiên cứu để hình thành điểm du lịch nghĩ dưỡng trong tương lai.
b, Điều kiện kinh tế - xã hội
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 14,3%, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn 0,2% so với cùng kỳ; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 26,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm 37%; dịch vụ - thương mại chiếm 36,2 %. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 86.189 tấn, tăng 1.189 tấn so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm, đạt kế hoạch đề ra. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 3.960 tỷ đồng, bằng 107,02% kế hoạch. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 320,774 tỷ
đồng, bằng 127% kế hoạch, chi ngân sách địa phương đảm bảo kế hoạch. Toàn huyện có 29/29 xã y tế đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế trung bình đạt trên 85%. Toàn huyện có 75/90 trường đạt chuẩn quốc giá về giáo dục, đạt tỷ lệ 83,33%. Có 100% số xã, thị trấn ổn định về chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương, đạt kế hoạch đề ra.
Cụ thể trong phát triển một số lĩnh vực như sau: nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và đạt kết quả khá; chăn nuôi có bước phát triển khá; nuôi trồng thủy sản có bước tăng trưởng khá; tổng diện tích nuôi trồng: 1.317 ha; sản lượng khai thác đạt 9.303 tấn, bằng 100,5% cung kỳ. Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất đạt 990 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ vẫn duy trì ở mức khá. Hệ thống giáo dục của huyện tương đối hoàn chỉnh.
Trong những năm qua huyện đã tích cực chỉ đạo các xã huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và dụng cụ y tế, từ đó từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở cả tuyến huyện và tuyến xã. Thường xuyên quan tâm, chủ động trong công tác phòng chống dịch nên không có các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Về văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. Về công tác môi trường, UBND huyện đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, đề án bảo vệ môi trường, các chương trình hành động, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm để triển khai rộng khắp đến tất cả các đơn vị trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%, tỷ lệ chất thải rắn, chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 90%,...