Một số đề xuất

Một phần của tài liệu Khảo sát Tiểu từ tình thái trong giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (Trang 39 - 43)

1. Lao Động điện tử một trong những tờ báo đầu tiên của Việt Nam lên mạng Internet và những khó khăn trong hạch toán kinh

1.3 Một số đề xuất

Hạn chế lớn nhất của Lao Động điện tử đó là cơ chế hoạt động phụ thuộc quá nhiều vào báo giấy. Lãnh đạo báo Lao Động đã áp dụng các biện pháp quản lý giống như quản lý báo giấy, bởi vậy đã hạn chế những ưu việt của loại hình báo chí trực tuyến. Hơn nữa, cần có sự sáng tạo trong công tác quản lý nhằm tối ưu hoá sự phát triển của loại hình báo chí này, đồng thời cũng chủ động quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động của nó.

Một trong những nguyên nhân khiến Lao Động điện tử chưa thể tự hạch toán kinh doanh được là do, từ khi thành lập, lãnh đạo của Lao Động chưa đề ra một kế hoạch kinh doanh cụ thể, không xác định thị trường báo chí của mình.

Tạo cơ chế tài chính là một yếu tố quan trọng cho hoạt động của Lao Động điện tử nói riêng và các tờ báo Internet Việt Nam nói chung. Hằng năm những phiên bản điện tử như Lao Động, Nhân Dân, Hà Nội Mới, Người Lao Động phải trả hàng trăm triệu tiền lệ phí đặt chỗ máy chủ tại các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) mà không được hưởng lệ phí truy cập và không được thu tiền từ việc bán thông tin như các trang thông tin và báo Internet trên thế giới. Các báo đó không có một nguồn thu nào khác mà chỉ biết trông chờ vào nguồn bao cấp khiêm tốn từ ngân sách của các cơ quan chủ quản. Các nguồn thu khác như quảng cáo cũng rất hạn chế do không thu hút được các nhà sản xuất kinh doanh. Và một điều dễ nhận thấy là hầu hết các tờ báo Internet ở Việt Nam hiện nay do không có một nguồn thu nào trong khi đó phải thanh toán nhiều khoản chi phí rất lớn cho tiền lương cán bộ, nhân viên, tiền bảo dưỡng, bảo trì và đầu tư trang thiết bị, mặt bằng… nên đều hoạt động trong tình trạng thua lỗ. Sở dĩ các tờ báo vẫn tồn tại bởi một lý do hết sức chính đáng là thực hiện chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại, trở thành một công cụ tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách đơn thuần. Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sở dĩ các báo vẫn tồn tại là nhằm mục đích khuếch trương tên tuổi của mình (cơ quan chủ quản), thử nghiệm một hướng đi mới, mở rộng và thu hút độc giả và sức lôi cuốn theo phong trào.

Trong sự cạnh tranh gay gắt về thông tin như hiện nay, nếu các tờ báo này lệ thuộc hoàn toàn vào cơ quan chủ quản sẽ là một trở ngại phát triển rất lớn. Môi trường báo chí Internet đòi hỏi tính độc lập và tính chuyên nghiệp rất cao, trong khi đó, các tờ báo Internet lại phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan chủ quản về nguồn thông tin, nhân sự, tài chính… sẽ thiếu đi tính độc lập và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của mình.

Hầu hết các báo đều dựa vào nguồn thông tin từ báo in, trong đó thông tin của cơ quan chủ quản chiếm phần lớn. Báo Lao Động gần như sử dụng 80% thông tin từ báo Lao Động hàng ngày, như vậy là các tờ báo thiếu đi tính độc lập, tự chủ trong việc thông tin.

Để phát triển được trong môi trường cạnh tranh thông tin như hiện nay, các báo cần có sự độc lập, tự chủ và sáng tạo trong việc thu thập nguồn tin. Có như vậy, các tờ báo mới có điều kiện đăng tải những thông tin có chất lượng đáp ứng nhu cầu thông tin cao của công chúng độc giả hiện đại.

Về nhân sự, Lao Động chưa có đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp. Phóng viên được tuyển chọn ngay trong cơ quan là chủ yếu, mặc dù có nghiệp vụ về báo chí nhưng thiếu trình độ ứng dụng các trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ. Ngược lại, nếu tuyển được những người đáp ứng yêu cầu về trình độ kỹ thuật thì lại không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ báo chí. Lao Động điện tử cần phải xây dựng cho mình một đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, có khả năng về chuyên môn nghiệp vụ báo chí, đồng thời có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ hiện đại.

Các phiên bản điện tử của báo viết hầu như không có một nguồn thu nào khác ngoài các khoản đầu tư từ ngân sách của cơ quan chủ quản. Chính điều này đưa các tờ báo vào thế bị động, không có sự tự chủ và độc lập trong hoạt động. Để phát triển, các tờ báo nên tạo cho mình nhiều nguồn thu tài chính như: từ quảng cáo, thu hút tài trợ nước ngoài và bán thông tin. Lao Động điện tử cần chuyển sang giai đoạn phát triển độc lập với báo in. Để tiến tới phát triển độc lập, Lao Động cần có kế hoạch cụ thể. Tòa soạn báo cần tập trung phát triển và nâng cao trình độ cho đội ngũ của mình. Báo Internet trên thế giới tuy có lịch sử phát triển chưa lâu, song so với Việt Nam, họ có một đội ngũ những kỹ thuật viên, biên tập viên và phóng viên chuyên nghiệp đủ trình độ và kinh nghiệm sản xuất báo. Các tờ báo Internet ở Việt Nam có chất lượng chưa cao, một phần do đây là loại hình báo chí mới, nhưng một nguyên nhân quan trọng hơn là đội ngũ những người làm báo chưa chuyên nghiệp, kinh nghiệm hạn chế. Hiện nay ở Việt Nam, môn báo chí Internet mới được đưa vào giảng dạy tại khoa Báo chí, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, và Phân viện báo chí Tuyên truyền. Những người làm báo Internet hiện nay chưa được học qua một trường lớp nào về nghiệp vụ làm báo Internet cũng như trình độ về máy

tính và mạng Internet còn hạn chế. Họ chủ yếu dựa vào những kinh nghiệm xây dựng trang web thông thường. Thực tế này tạo ra một sự bất cập: Những người được đào tạo về nghiệp vụ báo chí thì lại không có kiến thức cũng như trình độ sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong hoạt động của toà soạn báo. Ngược lại, những người có kiến thức và trình độ sử dụng công nghệ, chuyên môn kỹ thuật thì lại không có nghiệp vụ về báo chí. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tòa soạn về mặt nhân lực và ảnh hưởng gián tiếp đến chất lượng hoạt động của các tờ báo trong việc chuyển tải thông tin đến với độc giả.

Lao Động điện tử cũng như các toà soạn báo Internet cần chú trọng đầu tư xây dựng đội ngũ thích ứng với loại hình báo chí mới, trong đó phải đảm bảo hai kỹ năng quan trọng nhất đối với một biên tập viên là kỹ năng biên tập nội dung (nghiệp vụ báo chí) và kỹ năng phân tích cấu trúc thiết kế (trình độ chuyên kỹ thuật). Sau đó cần phối hợp với các trung tâm đào tạo cử nhân báo chí trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ và xây dựng đội ngũ thiết kế.

Một phần của tài liệu Khảo sát Tiểu từ tình thái trong giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (Trang 39 - 43)