Thực trạng về chính sách, biện pháp kêu gọi đầu tư của địa phương về bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh

Một phần của tài liệu Giải pháp huy động vốn đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ bắc ninh (Trang 49 - 57)

về bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh

Thời gian qua, dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được quan tâm, bảo tồn thông qua những chính sách, kế hoạch cụ thể. Từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, kế hoạch phục hồi, bảo tồn sinh hoạt văn hóa Quan họ đã được xây dựng và từng bước thực hiện.

Trước hết, việc nghiên cứu toàn diện về sinh hoạt văn hóa Quan họ được đẩy mạnh. Từ năm 1998, Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” như một luồng gió mới tạo đà cho các di sản văn hóa trong đó có Quan họ khởi sắc. Năm 2001, Luật Di sản văn hóa được ban hành, trong có quy định về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho bảo tồn bền vững Quan họ. Song song với đường lối của Đảng, văn bản pháp luật của nhà nước, Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa thông tin của Chính phủ được Bộ văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đã giúp cho Quan họ được sưu tầm, lưu trữ một cách bài bản, hệ thống. Thời gian gần đây, nhiều cuộc điều tra, khảo sát, sưu tầm nghiên cứu các làng Quan họ, tìm hiểu sinh hoạt văn hóa Quan họ qua các cụ nghệ nhân đã được thực hiện với sự tham gia của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực. Các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về Quan họ đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, nghệ thuật, âm nhạc, dân tộc học (Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Kinh Bắc, Trần Đình Luyện, 2006).

Phong trào ca hát Quan họ trong quần chúng được khôi phục và phát triển rộng khắp. Các câu lạc bộ Quan họ, đội văn nghệ Quan hệ được thành lập. Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân Quan họ, nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân cho những người tâm huyết với Quan họ và có nhiều công sức

truyền dạy Quan họ. Bên cạnh đó, Đoàn dân ca Quan họ thành lập từ năm 1969 góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giới thiệu Quan họ, đến nay Đoàn đã được nâng lên Nhà hát dân ca Quan họ càng làm tăng thêm trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ những làn điệu cổ, đồng thời thể nghiệm các hình thức hát Quan họ trên sân khấu làm tăng thêm tính hấp dẫn của dân cao Quan họ. Từ năm 1992 đến nay, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) định kỳ tổ chức hàng năm: Hội thi hát dân ca Quan họ Bắc Ninh đầu xuân, Liên hoan tiếng hát Quan họ người cao tuổi, Liên hoan tiếng hát Quan họ thiếu nhi, khôi phục duy trì các lễ hội ở các làng Quan họ như: hội Lim, hội Diềm, hội Châm Khê, hội Xuân Ổ, hội Hòa Đình, hội Đống Cao, hội Đặng Xá... đồng thời thực hiện các dự án: Dự án bảo tồn lễ hội Lim và tục hát Quan họ, bảo tồn làng Quan họ gốc Viêm Xá (làng Diềm), bảo tồn làng Quan họ Nội Duệ... Công tác đào tạo Quan họ được quan tâm: Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch liên tục mở các lớp đào tạo Quan họ, cung cấp đội ngũ diễn viên cho đoàn dân ca Quan họ và hạt nhân phong trào ca hát quần chúng, các Câu lạc bộ Quan họ được duy trì hoạt động thường xuyên và hàng năm trung tâm văn hóa tỉnh đã tổ chức các lớp dậy hát Quan họ cho các hạt nhân của các câu lạc bộ để về truyền dậy tại cộng đồng.

Như vậy, di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh đã được chú trọng duy trì, phát triển. Cơ quan Quản lý Nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh đều có chính sách, biện pháp cụ thể trong việc quản lý khôi phục, bảo tồn và đưa Quan họ vào thực hành. Bản thân cộng đồng, nghệ nhân ở các làng Quan họ cũng rất mong muốn bảo tồn và phát huy Quan họ. Nhận thức, cũng như ý thức trách nhiệm của người dân về di sản văn hóa Quan họ đã được nâng cao hơn. Cùng những nỗ lực như trên, di sản văn hóa Quan họ cũng đã được nghiên cứu đệ trình Ủy ban Văn hóa thế giới (UNESCO) và ngày 30/9/2009 đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng với các cấp, các ngành và cộng đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh. Trong đó tập trung nhất là Đề án “Bảo tồn và phát giá trị di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 1 (2010-2012)” và việc thực hiện đề án đã đạt được kết quả như sau:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền quảng bá về di sản.

Ngay sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Ca trù là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thành công Chương trình Festival năm Bắc Ninh 2010 gắn với Lễ đón Bằng công nhận dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Ca trù là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam và đã thu hút khoảng 10 vạn khán giả đến trực tiếp xem chương trình. Chương trình nghệ thuật chủ đề “Văn hiến Bắc Ninh - Hội tụ và toả sáng” được dàn dựng công phu, hoành tráng với sự tham gia của hơn 3.000 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, học sinh, sinh viên và các liền anh, liền chị Quan họ.

Các năm: 2011, 2012 và 2013 tiếp tục duy trì việc tham mưu và tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Về miền Quan họ”, đây là những chương trình nghệ thuật được đầu tư xây dựng với quy mô hoành tráng, dàn dựng công phu trên cơ sở khai thác những giá trị tinh hoa trong lề lối sinh hoạt, giai điệu âm nhạc, lời ca của dân ca Quan họ Bắc Ninh để hình thành chủ đề riêng của từng chương trình. Các chương trình nghệ thuật đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tăng cường quảng bá dân ca Quan họ Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thường niên duy trì tổ chức Hội thi hát dân ca Quan họ vào dịp đầu xuân (từ năm 1992 đến nay) với 02 sân khấu: Sân khấu thi hát đối đáp dân ca Quan họ Bắc Ninh và sân khấu thi ca nhạc dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Xây dựng hoàn thiện WEBSIDE “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” đưa vào hoạt động. Đây là một kênh thông tin để tuyên truyền, quảng bá về dân ca Quan họ Bắc Ninh đạt hiệu quả cả về chiều rộng và chiều sâu. WEBSIDE giúp mọi người dễ dàng cập nhật, khai thác, tìm hiểu sâu sắc hơn về sinh hoạt văn hoá Quan họ, về những giá trị độc đáo và tinh hoa của dân ca Quan họ Bắc Ninh, về con người Quan họ, cũng như truyền thống lịch sử văn hiến của tỉnh Bắc Ninh. WEBSIDE “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” là nơi để giao lưu giữa các làng Quan họ với nhau; trao đổi thông tin nhiều chiều của mọi người, là nơi tìm hiểu những thông tin chính thống về dân ca Quan họ Bắc Ninh góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể dân ca Quan họ.

Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì đều đặn chương trình “Đậm đà khúc hát dân ca”, “Thi giọng hát hay Quan họ” trên sóng truyền hình hàng tháng, quý để đông đảo khán thính giả yêu thích về dân ca Quan họ Bắc Ninh thưởng thức và học hát dân ca Quan họ Bắc Ninh. Giới thiệu về dân ca Quan họ Bắc Ninh trên cổng thông tin điện tử tỉnh và các bảng điện tử của tỉnh. Tại địa phương, Đài Phát thanh cấp huyện, Đài Truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn phối hợp đưa tin tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Triển khai lắp dựng 02 biển quảng cáo pano tấm lớn trên quốc lộ 1B và Quốc lộ 18 để quảng bá “Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”. Biên tập, sản xuất, phát hành đĩa DVD và cuốn sách “Về miền Quan họ” với số lượng hàng chục nghìn bản.

Tổ chức đưa các nghệ sỹ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một số nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh tham gia các chương trình giao lưu, giới

thiệu và quảng bá về Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở tại các tỉnh trong nước và một số nước như: Nga, Lào, Hàn quốc, Trung Quốc, Cộng hoà Séc, Pháp...

Thứ hai, tôn vinh các nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh

Nhằm tôn vinh tài năng sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành và truyền dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh đối với một số nghệ nhân tiêu biểu, qua đó tiếp tục khích lệ, động viên các thế hệ nghệ nhân tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa trong việc bảo tồn, lưu truyền và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 93/2009/QĐ-UBND ngày 7/7/2009 về việc ban hành “Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh”.

Ngày 09/4/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh” (đợt 1) cho 41 “Liền anh”, “Liền chị” Quan họ tiêu biểu. Các nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh được nhận Bằng công nhận nghệ nhân, kèm theo tiền thưởng một lần trị giá 5.000.000đồng (năm triệu đồng chẵn).

Ngày 18/4/2010 nhân dịp đón nhận bằng công nhận dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt một số nghệ nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến động viên và tặng quà cho các nghệ nhân.

Ngày 23/4/2013, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành chế độ đãi ngộ đối nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh. Theo đó, người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh được tặng Bằng công nhận, kèm theo tiền thưởng một lần trị giá 5.000.000đ (Năm triệu đồng chẵn) và hưởng chính sách ưu đãi như: hỗ trợ (trợ cấp) hàng tháng bằng 01 lần mức lương tối thiểu chung, hỗ trợ phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm và chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.

Cùng với các chính sách chế độ do UBND tỉnh đãi ngộ cho các nghệ nhân, một số các tổ chức, cá nhân cũng có những hình thức tôn vinh động viên các nghệ nhân như: Quỹ Phạm Văn Trà năm 2012 đã tặng cho mỗi nghệ nhân 5.000.000 đ (Năm triệu đồng chẵn); Hội những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh tổ chức cho các nghệ nhân đi nghỉ dưỡng tại khu nghỉ dưỡng Ba Vì, Hà Tây, Hà Nội.

Thứ ba, hỗ trợ đầu tư tu bổ, xây dựng một số thiết chế văn hoá và đầu tư trang thiết bị liên quan phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

- Xây dựng hoàn thiện 02 chòi hát dân ca Quan họ trên khuôn viên di tích đồi Lim thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du. Đây là công trình nhằm phục vụ hoạt động giao lưu dân ca Quan họ tại lễ hội Lim hàng năm.

- Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo đình Viêm Xá (đình Diềm), Đền thờ Thủy tổ Quan họ, đây là địa điểm thường diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hoá Quan họ của cộng đồng thôn Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh - Thuỷ tổ Quan họ.

- Đầu tư, hỗ trợ kinh phí tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa (Đình, chùa…), hỗ trợ xây dựng các địa điểm sinh hoạt cộng đồng (Nhà văn hóa, nhà sinh hoạt thôn…) là các địa điểm diễn ra các hoạt động sinh hoạt Quan họ tại cộng đồng.

- Đầu tư mua sắm một số thiết bị âm thanh, ánh sáng chuyên dụng cho Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, từng bước đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ thể nghiệm, biểu diễn, giới thiệu và quảng bá dân ca Quan họ Bắc Ninh.

- Đầu tư thiết bị cho 45 Câu lạc bộ Quan họ thuộc các làng Quan họ gốc, mỗi Câu lạc bộ 01 bộ thiết bị gồm: 01 Âmly, 02 loa thùng, 04 micrô, 01 đầu DVD, 01 tivi 32 inch và một số trang thiết bị ánh sáng phục vụ biểu diễn. Việc đầu tư thiết bị đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các Câu lạc bộ Quan họ đẩy mạnh các hình thức sinh hoạt văn hoá Quan họ ở cộng đồng và tăng

cường hoạt động giao lưu giữa các địa phương góp phần quan trọng vào việc bảo tồn dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Thứ tư, công tác truyền dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh.

- Chỉ đạo triển khai biên soạn giáo trình giảng dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh bậc trung cấp hệ chính quy cho Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh. Bộ giáo trình gồm 08 đầu sách kèm theo một số tài liệu liên quan như bình giải về lời thơ, ký âm về các bài bản dân ca Quan họ Bắc Ninh.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện biên soạn tài liệu giảng dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh dùng cho học sinh các cấp: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Bộ tài liệu được hội đồng thẩm định thẩm định đảm bảo chất lượng cả về khoa học sư phạm và khoa học âm nhạc đã được phát hành cho các trường đưa vào giảng dạy từ năm học 2011-2012; tổ chức các lớp tập huấn cho 640 giáo viên dạy âm nhạc và lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ phụ trách công tác văn thể của các trường phổ thông về việc sử dụng tài liệu giảng dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các trường học.

- Tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ trong thời gian 10 ngày cho các nghệ nhân về một số kỹ năng, nội dung liên quan trong việc truyền dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh trong gia đình và cộng đồng. Triển khai tổ chức được 07 lớp dạy hát dân ca Quan họ tại cộng đồng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; 01 lớp tại Tỉnh đoàn Bắc Ninh. Liên kết truyền dạy hát dân ca Quan họ Bắc Ninh cho học sinh trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Hưng Yên.

- Cùng với việc tổ chức các lớp truyền dạy, các nghệ nhân thường xuyên thực hiện truyền dạy cho các con, cháu và những người yêu thích Quan họ tại gia đình mình. Phong trào truyền dạy và học hát Quan họ ngày càng được phát triển và đạt hiệu quả.

- Tham mưu thành lập Hội những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh, với sự tham gia của đông đảo hội viên yêu thích dân ca Quan họ Bắc Ninh đang sinh sống, học tập, công tác trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Một phần của tài liệu Giải pháp huy động vốn đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ bắc ninh (Trang 49 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w