các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản
3.1.5.1. Di sản văn hóa Quan họ là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch của Bắc Ninh nói riêng và của cả nước nói chung
Trước hết, có thể phát triển loại hình du lịch nghiên cứu tìm hiểu dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Quan họ Bắc Ninh là loại hình dân ca dân gian đặc trưng của một vùng văn hóa. Như đã đề cập ở trên, di sản văn hóa Quan họ ra đời, tồn tại và phát triển trên một không gian rộng với 49 làng Quan họ gốc, trong đó riêng Bắc Ninh có 44 làng. Từ 44 làng Quan họ gốc, dân ca Quan họ đã lan tỏa sang các làng khác tạo thành một vùng “văn hóa Quan họ”, hay vùng “văn hóa Kinh bắc”. Vì thế, sinh hoạt văn hóa Quan họ không còn giới hạn trong con số của các làng Quan họ gốc, mà có thể nói, hầu như ở làng nào vùng quê Quan họ thì người dân cũng biết ca hát Quan họ, và thường xuyên tổ chức hoạt động ca hát đó theo thông lệ (tuy có thể nhiều mặt hoạt động của sinh hoạt văn hóa Quan họ không còn được duy trì cho đến ngày nay nữa). Đặc biệt, mỗi năm hai kỳ vào thời gian mùa xuân và mùa thu là dịp hội làng được tổ chức thì tiếng hát Quan họ lại vang lên khắp thôn xóm, rôn ràng cả một vùng quê.
Quan họ Bắc Ninh là sinh hoạt văn hóa nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Thứ nhất, dân ca Quan họ có cách hát không giống với các loại hình dân ca khác thế nhưng, theo nghiên cứu của các nhà khoa học và nhạc sỹ Hồng Thao, các nghệ nhân Quan họ đã tiếp thu và phát triển nhiều loại hình dân ca khác nhau ở các vùng miền trong nước như hát Chèo, Trống quân, hát Ví, Ca trù, hát Ghẹo, dân ca Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, dân ca Nam Bộ… để sáng tạo ra dân ca Quan họ với những đặc điểm, phong cách riêng. Vì thế Quan họ được nhận xét là sự tổng hòa của nhiều loại hình dân ca, nhưng không phải loại hình dân ca cụ thể nào, mà chỉ có thể gọi đó là dân ca Quan họ. Thứ hai, hát Quan họ cũng giống như các loại hình dân ca khác, không có nhạc đệm kèm theo, vì thế kỹ thuật hát “vang, rền, nền, nảy” có ý nghĩa rất lớn. Hát Quan họ không chỉ đòi hỏi hát tròn vành, rõ chữ, mượt mà duyên dáng, bằng nhiều kỹ thuật như rung, ngân, luyến, láy mà còn phải hát “nảy hạt”, tùy theo cảm hứng và thị hiếu của người hát, những “hạt nảy” có thể lớn nhỏ về cường độ. Quan họ là cách hát đối đáp giữa một cặp nữ của làng này với một cặp nam của làng kia bằng một bài hát
cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng mà lời ca là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng mẫu mực, thanh lịch. Có nhiều hình thức hát: hát thờ, hát hội, hát thi lấy giải, hát canh. Ở mỗi hình thức hát khác nhau thì có những quy định về lề lối, kỹ thuật, nguyên tắc hát không giống nhau. Thứ ba, gắn liền với câu ca Quan họ còn có những yếu tố khác làm nên văn hóa Quan họ, đó là ẩm thực Quan họ (cỗ Quan họ, miếng giầu Quan họ), đó là không gian biểu diễn Quan họ, đó là trang phục Quan họ…và những nguyên tắc trong giao tiếp giữa liền anh, liền chị Quan họ với những phong tục khác đi liền với ca hát Quan họ. Một trong những nét đặc biệt của văn hóa Quan họ, đó là tục kết bạn Quan họ và tục ngủ bọn Quan họ. Quan họ kết bạn với nhau giữa bọn Quan họ nam làng này với bọn Quan họ nữ làng kia, trong mỗi làng, có thể có nhiều bọn Quan họ nam và bọn Quan họ nữ, nhưng trong một làng, các bọn Quan họ không kết bạn với nhau, mà chỉ kết bạn với các bọn Quan họ ở các làng khác. Đã kết chạ với nhau thì các liền anh liền chị không được phép lấy nhau. Thế nhưng trong hầu hết các bài dân ca Quan họ thì đều có nội dung bày tỏ tình yêu nam nữ với tất cả các trạng thái, tình huống cung bậc khác nhau, phản ánh tình nghĩa của người Quan họ, khao khát cuộc sống thanh bình, sống với nhau vì nghĩa vì tình. Một điểm khác biệt của dân ca Quan họ Bắc Ninh so với các loại hình dân ca ở Việt Nam trong việc truyền dạy là tục ngủ bọn. Đó là tục ngủ bọn ở nhà ông (bà) trùm Quan họ. Đấy chính là những điểm khác biệt của di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh. Những yếu tố độc đáo trên đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho các làn điệu dân ca Quan họ.
3.1.5.2. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Quan họ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân Bắc Ninh nói riêng và của cả xã hội nói chung
Thứ nhất, Quan họ Bắc Ninh là sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã. Như chúng ta đã biết, dân ca là một loại hình nghệ thuật do nhân dân lao động sáng tạo nên, vì thế nội dung lời ca phản ánh tâm hồn, tình cảm của người dân, gắn liền với cuộc sống và phong tục của người dân. Sinh hoạt văn hóa Quan họ là một bộ phận của sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn bó chặt chẽ với
những phong tục tập quán, sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng và lễ hội. Đó là tục kết chạ anh, chạ em giữa các làng Quan họ, là tục lệ mua và cúng gà đen trong phiên chợ âm dương ở lễ hội làng Ó (làng Xuân Ổ, Võ Cường, Bắc Ninh); lễ hội rước bà Đống và tục lao đòn đám giữa đám nam thanh nữ tú trong lễ hội làng Hòa Đình, Đống Cao; tục rước nước tắm Phỗng trong hội làng Châm Khê; tục rước nước cướp cầu trong lễ hội đền thờ Vua Bà làng Diềm; tục chém lợn tế thần trong lễ hội làng Khắc Niệm; tục rước nước tế thần cầu phúc trong hội Lim cùng các trò chơi dân gian như thi dệt vải, thi cỗ chay, thi đánh cờ người, chơi tổ tôm điếm…(Trần Đình Luyện, Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Kinh Bắc, 2006). Ngay cả tục kết chạ Quan họ cũng là một phương tức gắn kết cộng đồng các làng Quan họ. Như vậy, tìm hiểu về Quan họ tức là sẽ được tìm hiểu về sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã, phản ánh đời sống của cư dân nông nghiệp ở châu thổ Bắc Bộ.
Với những giá trị như trên, di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh thật sự là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách. Dựa vào di sản văn hóa Quan họ, Bắc Ninh có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, kết hợp hình thành các tour, tuyến du lịch phong phú.
Thứ hai, có thể kết hợp du lịch Quan họ với du lịch thăm quan di tích, tham dự lễ hội. Trong dân gian ta có câu: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” để ca ngợi những di sản văn hóa cộng đồng nổi tiếng của các miền trong nước. Xứ Bắc hay vùng Kinh Bắc là một trong những xứ sở của đình chùa và lễ hội. Ở đây có những ngôi chùa cổ kính có ý nghĩa lớn về lịch sử và kiến trúc như: chùa Dâu, chùa Cổ Pháp, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dạm, chùa Lim, chùa Xuân Ổ, chùa Viêm Xá (Diềm), chùa Châm Khê...trong đó, có những ngôi chùa nổi tiếng có lễ hội gắn liền với Quan họ cả phần lễ và phần hội như: chùa Lim, chùa Châm Khê, chùa Dương Ổ, chùa Hòa Đình. Ngoài ra, vùng Kinh Bắc cũng nổi tiếng với những ngôi đình “Thứ nhất là đình Đông Khang, thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm” (câu ca dân gian) và
những ngôi đền thờ Mẫu, hầu hết tập trung ở những làng Quan họ gốc. Những ngôi đình, ngôi đền này là không gian văn hóa để Quan họ tồn tại và phát triển.
Thứ ba, có thể kết hợp du lịch Quan họ với du lịch làng nghề. Di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh được hình thành từ những làng Quan họ nhỏ bé, để rồi phát triển thành vùng văn hóa Quan họ. Mặt khác, làng Quan họ đó đồng thời cũng là những làng nghề, hoặc nằm gần với những làng nghề mà cho đến ngày nay, những sản phẩm của những làng nghề truyền thống này vẫn được thị trường ưa chuộng, cả nước biết đến. Việc khai thác cho khách du lịch tìm hiểu các làng nghề truyền thống gắn liền với du lịch Quan họ sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của tỉnh Bắc Ninh.
Trên thực tế, Quan họ Bắc Ninh không còn gói gọn trong một vùng văn hóa Quan họ hay trong địa vực hành chính của một tỉnh Bắc Ninh. Đã từ lâu, Quan họ được giới thiệu với bạn bè thế giới qua các chương trình giao lưu biểu diễn văn hóa nghệ thuật ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Vì vậy, nhiều người nước ngoài biết đến Việt Nam qua làn điệu dân ca Quan họ. Họ có thể nghe hát Quan họ ở bất kỳ đâu, song chắc chắn không nơi nào ấn tượng bằng nghe hát Quan họ ở chính nơi nó được sinh ra. Do đó, phát triển du lịch Quan họ sẽ góp phần hình thành xu hướng tìm hiểu văn hóa Quan họ, cũng chính là tìm hiểu lịch sử truyền thống, phong tục tập quán của ông cha ta, bản sắc dân tộc ta. Đối với bạn bè quốc tế thì dân ca Quan họ đã trở thành hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam. Vì vậy, phát triển du lịch di sản văn hóa Quan họ góp phần quảng bá, đưa hình ảnh đất nước Việt Nam ra với thế giới.
Do vậy, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Quan họ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân Bắc Ninh nói riêng và của cả xã hội nói chung.