3.1.4.1. Lịch sử hình thành và phát triển của dân ca Quan họ Bắc Ninh
Thời gian qua, đã có không ít những công trình nghiên cứu về Quan họ Bắc Ninh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một kết luận cuối cùng về thời điểm chính xác ra đời của dân ca Quan họ Bắc Ninh, cũng như có rất nhiều giả thuyết về ý nghĩa của tên gọi “Quan họ”:
Quan họ nghĩa là “họ nhà quan”: vào thời nhà Lê, có hai viên quan ở làng Diềm và làng Bựu chơi với nhau rất thân. Khi về hưu, hai ông tổ chức cho hai làng kết chạ với nhau. Vào những dịp mỗi nơi có hội hè, đình đám,
nhất là lễ hội mùa xuân, người ta đều mời nhau sang chơi. Trong ngày ấy, trước là làm lễ thờ thần, sau là tổ chức cho trai gái hai làng hát Đúm với nhau. Tục ấy cứ truyền mãi sau gọi là hát Quan họ.
Quan họ nghĩa là “Quan dừng lại”: có căn cứ cho rằng Quan họ bắt nguồn từ một hình thức ca hát dân gian nào đó. Một trong những giai thoại đó là việc các quan nhà Lý đi xứ Bắc. Các quan nhà Lý đi kinh lý ở vùng Bắc Ninh, đang đi trên đường chợt nghe có tiếng hát từ cánh đồng vẳng lên. Các quan thấy hay dừng lại nghe. Từ đó, tiếng hát ở đây gọi là Quan họ, có nghĩa là tiếng hát làm quan phải dừng lại.
Quan họ nghĩa là “Quan viên hai họ”: Quan họ được quan niệm chuyên hát trong đám cưới. Trong các đám cưới, người ta vẫn nói: “Bên nhà gái cử người đi xem Quan họ nhà trai đã bắt đầu đi đón dâu chưa để chuẩn bị tiếp”. Quan họ như vậy, là cách nói tắt của từ “Quan viên hai họ”, trong đó “quan” nghĩa là “quan viên” và “họ” nghĩa là “họ hàng”.
Theo ý kiến các nhà nghiên cứu thì cũng chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về nguồn gốc của Quan họ. Đối với tác giả Đặng Văn Lung, Trần Linh Quý, Hồng Thao trong tập sách “Quan họ - nguồn gốc và quá trình phát triển” cũng chỉ kể ra các giai thoại dân gian. Đối với nhà nghiên cứu âm nhạc Quan họ Hồng Thao trong bài viết “Quan họ, tên gọi và nguồn gốc”, thì cho rằng Quan họ có sớm nhất là thế kỷ XV, thời điểm ra đời của thơ lục bát - dạng thơ phổ biến của lời ca Quan họ. Trong khi đó, tác giả Lê Danh Khiêm, Hoắc Công Huynh, Lê Thị Chung trong cuốn sách “Không gian văn hóa Quan họ” lại cho rằng Quan họ ra đời trên cơ sở căn cứ sau:
Thứ nhất, sinh hoạt văn hóa Quan họ bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xã. Hai làng hoặc nhiều làng kết nghĩa với nhau gọi là “kết chạ”. Khi hai làng đã kết chạ với nhau thì cũng có nghĩa là coi nhau như họ hàng, như anh em một nhà, dù ở hai công xã nhưng vẫn xem như là cùng huyết thống. Khi các làng đã kết chạ với nhau, thì vào những dịp hội hè đình đám của mỗi làng,
thì vào những dịp hội hè đình đám của mỗi làng, người ta đều mời nhau sang chơi, đặc biệt là vào dịp lễ hội mùa xuân. Hoạt động Quan họ cũng vậy, có thể nói, hoạt động Quan họ gắn bó hữu cơ với lễ hội.
Thứ hai, sinh hoạt văn hóa Quan họ ra đời sớm nhất là vào thế kỷ XVII. Quan họ ra đời, tồn tại và phát triển chính là trên cơ sở nhu cầu tất yếu phải mở rộng giao lưu.
Thứ ba, các bài dân ca Quan họ là tổng hòa của sự tiếp thu, kế thừa và sáng tạo từ các loại hình dân ca, nhạc cổ vốn có của các làng xã vùng Quan họ. Bắc Ninh là điểm giao thoa giữa vùng rừng núi, trung du và vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, bởi vậy, ngoài các yếu tố văn hóa bản địa, đây là vị trí thuận lợi để tiếp xúc và tiếp thu các yếu tố văn hóa, văn nghệ của vùng rừng núi, trung du và vùng đồng bằng ven biển. Có thể nói, dân ca Quan họ Bắc Ninh có những bước phát triển thăng trầm, nó là một hiện tượng văn hóa dân gian sống động tồn tại ngay trong cuộc sống của người dân Kinh Bắc, nó phục vụ cho chính đời sống tinh thần và tâm linh, góp phần vào sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng. Từ những năm 60-80 của thế kỷ XX, khi phong trào văn hóa văn nghệ nông thôn phát triển rầm rộ, Quan họ đã được quan tâm phát triển. Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập. Một số câu lạc bộ Quan họ ra đời. Phong trào “Khắp nơi đàn và hát dân ca” phổ biến rộng rãi. Để giữ gìn những làn điệu dân ca, các nhà nghiên cứu, các nghệ sỹ đã dành nhiều công sức, tâm huyết học hỏi từ những nghệ nhân Quan họ về lề lối, quy cách, làn điệu, lời hát... Bước sang thời kỳ mở cửa, cùng với nền kinh tế thị trường, sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng và văn hóa ngoại lai làm lu mờ những bài dân ca trữ tình. Trong những năm gần đây, khi đời sống kinh tế đã ổn định hơn, người ta lại có xu hướng tìm về những giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc. Dân ca Quan họ được người ta sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu và trình diễn không chỉ ở những lễ hội của làng quê, tại những liên hoan văn hóa văn nghệ trong nước, và ra nước ngoài biểu diễn.
Cho dù Quan họ được giải thích bằng nhiều cách khác nhau về nguồn gốc ra đời, kể cả giai thoại trong dân gian và từ những căn cứ khoa học của các nhà nghiên cứu, và có quá trình phát triển thăng trầm, thì tựu chung lại, Quan họ là một loại hình dân ca dân gian đặc trưng của vùng Kinh Bắc, có từ lâu đời. Quan họ có nguồn gốc sâu xa từ sinh hoạt giao duyên, hát đối đáp nam nữ từ thủa xa xưa. Do đặc trưng tính chất của loại hình này là truyền miệng, nên việc nghiên cứu tìm hiểu về nơi nó sinh ra là rất quan trọng.
3.1.4.2. Phân bố các làng Quan họ Bắc Ninh
Di sản văn hóa Quan họ tồn tại và lan tỏa ở cả một vùng rộng lớn, vùng văn hóa Kinh Bắc, mà nay thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tuy nhiên, sinh hoạt văn hóa Quan họ thực chất chỉ tồn tại ở một địa vực nhất định, đó là 49 làng Quan họ gốc, trong đó tại Bắc Ninh có 44 làng, Bắc Giang có 5 làng (Hồng Thao, 300 bài dân ca Quan họ Bắc Ninh, Viện Âm nhạc, 2002). Các làng Quan họ ở Bắc Ninh phân bố ở huyện Tiên Du (11 làng), huyện Yên Phong (17 làng), thị xã Từ Sơn (2 làng), thành phố Bắc Ninh (14 làng). Không gian văn hóa Quan họ tập trung trong khoảng 250km2, tập trung và xoay quanh thành phố Bắc Ninh.
Những làng Quan họ chủ yếu phân bố xung quanh các con sông: sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê, sông Tiêu Tương. Những con sông này uốn lượn quanh chân đồi, chảy len lỏi giữa những cánh đồng bằng phẳng góp phần làm cho cuộc sống nông nghiệp của người dân Bắc Ninh được thuận lợi hơn, họ có thời gian rảnh rỗi trong những lúc nông nhàn. Tác giả Trần Linh Quý đã khái quát vị trí địa lý của các con sông gắn bó mật thiết với những làng Quan họ: “Sông núi đã quy vùng ôm lấy một quê hương có nhiều cánh đồng rộng mỏi cánh cò. Giữa những cánh đồng bát ngát ấy, có khi nổi lên những ngọn đồi thoai thoải, trên đó là một cảnh chùa tĩnh mịch cổ kính, hay những xóm làng xanh tươi…len lách trong quê hương Quan họ là dòng sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê, và sông Tiêu Tương” (Trần Linh Quý, Hồng Thao - Tìm
hiểu dân ca Quan họ, 1996). Có lẽ cũng bởi gần các con sông cho nên trong sinh hoạt văn hóa Quan họ, chiếc thuyền thúng bằng nan rất gắn bó với con người Quan họ. Hát Quan họ trên sông cũng là một hình thức biểu diễn của dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Các làng Quan họ Bắc Ninh còn đồng thời là những làng nghề hoặc nằm ở vị trí gần sát các làng nghề khác. Đó là những làng nghề với nghề trồng dâu nuôi tằm bán kén (làng Diềm, làng Hữu Chắp), nghề làm hàng xáo (làng Hòa Đình), nghề đúc đồng (làng Đại Bái, Lũng Ngâm, Quảng Phú), nghề nhuộm (làng Đình Bảng), nghề kim hoàn chạm vàng bạc khảm trai (Thị Cầu), nghề làm tranh dân gian vàng mã (Đông Hồ)… Bên cạnh đó, các làng Quan họ này còn là nơi có chợ làng, chợ vùng nổi tiếng như: chợ Lim, chợ Ó, Nhồi, Đống Cao, Thị Cầu, Đáp Cầu. Như vậy, bên cạnh việc hình thành những làng nghề, các làng buôn cũng dần xuất hiện và phát triển. Đó là điều kiện cho việc giao lưu buôn bán giữa các vùng quê được mở rộng và sôi động. Những chợ quê trở thành trung tâm giao lưu kinh tế thời đó cũng là môi trường tạo cơ hội giao lưu văn hóa, trong đó có văn hóa Quan họ. Như vậy, có thể nói văn hóa Quan họ là sản phẩm của một vùng kinh tế phát triển.
3.1.4.3. Những hình thức tổ chức và diễn xướng dân ca Quan họ Bắc Ninh
Hát Quan họ là một nội dung nổi bật của sinh hoạt văn hóa Quan họ Bắc Ninh. Việc ca hát Quan họ cũng được quy định cả về thời gian, không gian biểu diễn.
Về thời gian: Quan họ chủ yếu hát vào mùa xuân, cơ bản là hát trong các ngày hội làng (mở đầu là hội Hữu Chấp ngày 4/1 và kết thúc là ngày hội Điều Thôn ngày 15/2). Ngày hội xuân của bất kỳ làng Quan họ nào cũng sôi động các hoạt động Quan họ. Vào những dịp này, ca hát Quan họ được tổ chức thường xuyên. Có thể xem, mùa xuân là mùa hát Quan họ nói riêng, mùa sinh hoạt văn hóa Quan họ nói chung.
Bên cạnh đó, cũng có nơi hát Quan họ vào mùa hè. Và thậm chí, Quan họ được ca vào bất kỳ ngày nào, mùa nào trong năm. Ví như ca hát Quan họ
khi Quan họ thăm viếng nhau lúc có tiệc mừng; hoặc như hát Quan họ hiếu trong các đám tang (Làng Lũng Giang, Tam Sơn). (Lê Danh Khiêm - Không gian văn hóa Quan họ, 2011).
Về địa điểm hát Quan họ: có hai hình thức là hát Quan họ ngoài trời và hát Quan họ trong nhà.
Hát Quan họ ngoài trời có hát trên bộ và hát dưới thuyền. Hát Quan họ trên bộ gồm nhiều địa điểm khác nhau: Hát ở cổng làng trong ngày hội: Bọn Quan họ làng mở hội đón bạn ở cổng làng hoặc đầu làng. Hát Quan họ ở trung tâm hội, trung tâm hội thường là sân đình, sân đền hoặc sân chùa. Song cũng có nơi, trung tâm hội là một quả đồi (đồi Hồng Vân ở hội Lim), là một sườn đê trước cửa đình chùa…(ở các làng Đống Cao, Trà Xuyên, Khúc Toại, Châm Khê. Hát Quan họ thuyền thường được tổ chức ở ao hồ trung tâm hội. Nhiều làng còn tổ chức hát Quan họ trên sông, chủ yếu là trên sông Ngũ Huyện Khê.
Hát Quan họ trong nhà: là đã có sự kết bạn với nhau đã mời nhau sang làng mình chơi hội, hoặc Quan họ kết bạn tới thăm viếng nhau, thì chủ yếu hát ở trong nhà. Đó là hát trong đình hoặc trong đền: trong ngày hội. Hình thức hát trong nhà này rất phổ biến và thường xuyên.
Về quy định lề lối trong các hình thức hát Quan họ: Quan họ có bốn hình thức hát khác nhau:
Thứ nhất là hát chúc, hát mừng: Hát chúc, hát mừng là hình thức ca hát khi các bọn Quan họ mới gặp gỡ nhau. Trong “hát chúc, hát mừng”, lề lối quy định là: tốp nam ca đối đáp với tốp nữ, không hát đối đáp giữa đôi nam với đôi nữ như ở hát hội, hát canh.
Thứ hai là hát thờ: Hát thờ là hình thức ca Quan họ trong đình hoặc trong đền trong ngày hội xuân làng mở hội. Hát Quan họ thờ thực chất là hình thức Quan họ tham gia vào phần lễ, phần đạo trong ngày lễ hội, những câu ca trong hát thờ là thay thế cho những lời cầu khẩn, ca ngợi công đức thần và cầu thần phù hộ cho dân làng an khang, mùa màng bội thu…
Thứ ba là hát hội: Hát hội là hình thức ca cầu vui, chủ yếu là hát ở trung tâm hội làng, bao gồm cả hát trên bộ và hát dưới thuyền. Hát hội là hình thức thu hút nhiều lực lượng tham gia nhất.
Thứ tư là hát canh: Hát canh là hình thức chỉ được tổ chức trong nhà chứa, là lối hát giữa bọn Quan họ làng mở hội xuân và bọn Quan họ kết bạn với mình.
Như vậy, có thể nói, Quan họ Bắc Ninh là loại hình dân ca có nhiều hình thức biểu diễn khác nhau, tại nhiều địa điểm khác nhau. Chính vì hình thức biểu diễn cũng như địa điểm biểu diễn phong phú như vậy mà phải chăng, đó là lý do khiến cho loại hình dân ca này thu hút sự tham gia của đông đảo người dân (kể cả những em nhỏ lẫn người cao tuổi, con trai hay con gái). Có lẽ vì thế mà Quan họ đã phát triển, lan tỏa ở một không gian khá rộng, mà người ta hay nói là “vùng văn hóa Quan họ”.
3.1.4.4. Các làn điệu Quan họ Bắc Ninh
Theo tác giả Hồng Thao, trong bài “Những làn điệu Quan họ khác nhau”, in trên tạp chí Sân khấu số 10-1989, cho rằng: Quan họ có 174 làn điệu. Theo Ban Sưu tầm nghiên cứu Quan họ (trực thuộc Đoàn dân ca Quan họ và sau này là trực thuộc Trung tâm Văn hóa Quan họ, ngày nay trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin), dân ca Quan họ có số lượng hơn 700 bài ca Quan họ. Tuy số lượng bài bản Quan họ nhiều như vậy, nhưng chỉ có 213 giọng Quan họ khác nhau, với nhiều câu là câu đối, nhiều câu là dị bản, trong đó có 174 bài gồm 8 bài giọng lề lối; 159 bài giọng vặt, 7 bài giọng giã bạn và 126 dị bản. (Nhiều tác giả, Không gian văn hóa Quan họ, 2006). Giọng lề lối là loại giọng cổ, có những âm điệu xưa nhất, loại giọng này có tiết tấu chậm, rề rà, âm điệu thường ở khu thấp, tầm cữ hẹp, đường nét của giọng điệu đều đều. Giọng vặt là giọng gồm tất cả các loại giọng khác như giọng chầu văn, giọng luyện, giọng lý, giọng tuồng, giọng chèo, giọng kể chuyện..., giọng vặt có nhiều âm điệu phong phú nhất, thường ngắn gọn về giai điệu, tiết tấu
linh hoạt, không đều đều đơn điệu như giọng lề lối; sắc thái của âm điệu về loại giọng này rất phong phú, thanh thoát tươi sáng cũng có khi buồn man mác.
Theo nghiên cứu của nhạc sỹ Hồng Thao, các giọng Quan họ đã tiếp thu và phát triển nhiều loại dân ca khác nhau ở các vùng miền trong nước như hát chèo, trống quân, hát ví, ca trù....để tạo nên một phong cách riêng của ca hát Quan họ (Trần Đình Luyện, Sở VHTT Bắc Ninh, 2006). Âm nhạc Quan họ được đánh giá “đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật dân gian, đã tạo cho nó có một giá trị lớn, khiến nhiều người yêu thích. Vì thế, nhạc sỹ Hồng Theo đánh giá về âm nhạc Quan họ: “là thứ nghệ thuật không cần đến phiên dịch. Những khách nước ngoài tiếp xúc với dân ca Quan họ, yêu thích nó chủ yếu là vì họ cảm thông, rung động qua yếu tố âm nhạc. Người dịch lời ca dù có tài giỏi đến mấy đi nữa cũng khó có thể diễn tả (ngay tại chỗ) được đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa gần xa của ngôn ngữ văn học Quan họ” (Nguyễn Tri Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa & âm nhạc tiêu biểu, 2009).
Một nét đặc biệt trong dân ca Quan họ là mặc dù câu ca Quan họ rất giàu chất thơ và chất nhạc khi ca lên, nhưng người ta không thấy việc sử dụng nhạc cụ đệm cho hát Quan họ, “Dân ca Quan họ cũng như các loại dân ca khác của một số dân tộc Việt Nam là sản phẩm của dân. Dân làm, dân hát, dân chơi...Cái chính trong sinh hoạt của hát Quan họ chủ yếu là để trao đổi tâm tình với nhau