a. Quản lý rủi ro tín dụng.
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu vốn cho nền kinh tế ngày càng tăng, dẫn đến mức độ tăng trưởng tín dụng cũng tăng lên tương ứng. Sự tăng trưởng tín dụng của các NHTM phù hợp với sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước nói chung. Tuy nhiên sự tăng trưởng tín dụng cũng kéo theo sự gia tăng rủi ro tín dụng, điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả sử dụng vốn và làm hạn chế việc mở rộng tín dụng của các NHTM.
Những rủi ro tín dụng dù có xuất phát từ những nguyên nhân khách quan hay chủ quan đều phản ánh rõ nét những yếu kém trong công tác quản lý rủi ro tín dụng tại các NHTM. Những biện pháp nhằm ngăn ngừa, quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng chưa được các ngân hàng đưa ra và thực hiện một cách đầy đủ, triệt để, đặc biệt là các biện pháp liên quan đến yếu tố con người. Vì vậy các giải pháp tốt trong quản lý rủi ro tín dụng là vấn đề quan tâm hàng đầu của các ngân hàng nhằm tạo ra sự tăng trưởng tín dụng một cách ổn định, bền vững.
Ngân hàng công thương Việt Nam phải đặt ra mục tiêu: tăng trưởng tín dụng với chất lượng cao và bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Do đó việc phát triển tín dụng phải đi đôi với chất lượng tín dụng.
Cần phải tập trung đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, đổi mới quy trình và bộ máy cho vay sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đảm bảo an toàn khi cho vay.
Ngoài ra, công tác tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại, nâng cao tư cách, phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng cũng được các ngân hàng đặc biệt quan tâm và mang tính thường xuyên hơn. Các hoạt động khác như công tác kiểm soát nội bộ ngày càng được chú trọng nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu rủi ro cũng như các sai xót trong quá trình cho vay để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh việc gây những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thành lập phòng xử lý rủi ro tín dụng hoặc công ty khai thác tài sản ... đã góp phần đưa hoạt động tín dụng của các NHCTVN phát triển ổn định, chất lượng tín dụng dần được nâng cao, đảm bảo tín dụng tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ hiện nay tại các NHTM trên địa bàn vẫn còn cao hơn mức quy định (5%). Nợ quá hạn còn cao chủ yếu là do hậu quả của các năm trước để lại, chưa giải quyết dứt điểm, song vẫn có tình trạng phát sinh mới về nợ quá hạn, cho thấy rủi ro tín dụng luôn tiềm tàng trong hoạt động kinh doanh đòi hỏi NHCT VN phải chú trọng hơn nữa đến công tác phòng chống, quản lý rủi ro nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra.
b. Xử lý nợ quá hạn tồn đọng:
-Ngân hàng cùng khách hàng xác định các khoản nợ khó đòi, lên phương án xử lý trên nguyên tắc 2 bên đạt được thỏa thuận tối đa về việc điều chỉnh lại thời hạn nợ, giãn nợ, xóa nợ, giảm lãi, xóa lãi; xử lý tài sản đảm bảo tiền vay; chuyển nợ thành cổ phần của ngân hàng tại doanh nghiệp; các biện pháp cho vay tiếp để phục hồi sản xuất tạo nguồn trả nợ; sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp. Những vướng mắc vượt quá thẩm quyền của khách hàng được tập hợp về Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để xử lý.
- Đối với số nợ quá hạn do nguyên nhân chủ quan, phải áp dụng các biện pháp tận thu, quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân (kể cả lãnh đạo và cán bộ nhân viên), khởi tố trước pháp luật.
- Đối với số nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan: đối với doanh nghiệp cần thiết duy trì cho nền kinh tế được xem xét cho khóa nợ, khoanh nợ hoặc giãn nợ. Để làm việc này, Chính phủ sẽ tạo nguồn tương ứng cho ngân hàng như xóa, khoanh, giãn nợ tương ứng, chuyển vốn; không chuyển gánh nặng từ doanh nghiệp sang ngân
hàng. Các doanh nghiệp khác phải giải thể, phá sản theo pháp luật để thu hồi nợ cho ngân hàng.
- Cùng với các NHTM khác thực hiện hoạt động mua, bán nợ giữa các tổ chức tín dụng nhằm đa dạng hóa các hoạt động tín dụng. Các khoản nợ được mua bán có thể là nợ trong hạn, hoặc nợ quá hạn.
- Giải tỏa số tài sản thế chấp hiện đang đóng băng trong ngân hàng: khai thác, xử lý số tài sản tồn đọng này nhằm khơi thông nguồn vốn. Việc xử lý chủ yếu tập trung vào tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, thủ tục pháp lý như: bổ xung, hoàn chỉnh thủ tục giấy tờ đối với những tài sản đảm bảo tiền vay để có thể bán, cho thuê, ngân hàng đưa vào sử dụng, đem liên doanh liên kết.
- Củng cố hoạt động của công ty khai thác quản lý tài sản thế chấp tồn đọng.