Ban hành và phổ biến quy hoạch, chương trình cơ chế chính sách

Một phần của tài liệu Nhà nước quản lý về việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của chính quyền địa phương nghiên cứu tại thành phố hà nội (Trang 48 - 50)

Theo Điều 3, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017: Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên vùng lãnh thổ xác định để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. Các loại và các cấp qui hoạch phải có mối quan hệ với nhau, phù hợp với nhau, quy hoạch cấp tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.

Chương trình được hiểu là toàn bộ những dự kiến hoạt động theo một trình tự nhất định và trong một thời gian nhất định thể hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp, các việc cần làm, các mặt công tác liên quan đến sự phát triển một lĩnh vực nào đó theo một trình tự và thời gian nhất định. Quy hoạch mang tính dài hạn, định hướng, dự báo còn chương trình mang tính cụ thể hơn, trong giai đoạn ngắn hơn và có tính khả thi, tổ chức thực hiện ngay khi được phê duyệt.

Khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh, UBND cấp tỉnh cần triển khai xây dựng qui hoạch phát triển nông nghiệp CNC. Trong qui hoạch chỉ rõ quan điểm, định hướng phát triển nông nghiệp CNC của địa phương, chỉ rõ các vùng, các khu nông nghiệp CNC, các sản phẩm nông nghiệp CNC chủ đạo để phát huy thế mạnh của địa phương. Qui hoạch phát triển nông nghiệp CNC nói riêng của địa phương phải phù hợp với qui hoạch phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn mà chính phủ phê duyệt và nhất quán với qui hoạch tổng thể của địa phương, không mâu thuẫn với qui hoạch phát triển ngành nông nghiệp. HĐND cấp tỉnh có nhiệm vụ thông qua, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt qui hoạch phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở qui hoạch phát triển nông nghiệp CNC đã được phê duyệt, các địa phương sẽ xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển nông nghiệp CNC trong từng thời kỳ nhằm phát huy các lợi thế của địa phương và hình thành các vùng, các khu nông nghiệp công nghệ cao trong qua trong từng giai đoạn nhất định nhằm đạt được các mục tiêu mà qui hoạch đã đề ra. Chiến lược và chương trình phát triển nông nghiệp CNC của các địa phương không được mâu thuẫn với chương trình phát triển nông nghiệp CNC của cả nước và phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương. Chiến lược và chương trình phát triển nông nghiệp CNC được phê duyệt bởi HĐND cấp tỉnh thông qua các nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

Cơ chế chính sách là một công cụ quản lý của nhà nước, được nhà nước sử dụng để: (1) Nhằm khuyến khích việc sản xuất, đảm bảo hàng hóa và dịch vụ công cho toàn bộ nền kinh tế; (2) Quản lý nguồn lực công một cách hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo thiết thực toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Nói cách khác chính sách công là một trong những căn cứ để kiểm tra, đánh giá, xác định trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực công như: Ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên của đất nước.

Chính sách của chính quyền cấp tỉnh được xây dựng và ban hành nhằm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu do địa phương đề ra, trong phạm vi địa phương, không trái quy định trung ương và pháp luật. Các cơ chế, chính sách của Trung ương mang phạm vi rộng toàn bộ cả quốc gia và có tính chất chung nhất. Cơ chế, chính sách của chính quyền địa phương cấp tỉnh được ban hành nhằm cụ thể hóa các chính sách của nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương hoặc giải quyết các vấn đề của địa phương theo thẩm quyền nếu Nhà nước chưa quy định nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển

kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chính quyền địa phương cấp huyện không ban hành các cơ chế chính sách, chỉ ban hành các biện pháp để thực hiện các cơ chế chính sách của Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Nội dung của một chính sách cần đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, có đối tượng, phạm vi, nội dung cụ thể và chỉ rõ nguồn lực để thực hiện các cơ chế, chính sách đó, đồng thời phải giao cho 1 cơ quan chủ quản làm đầu mối tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách để có căn cứ, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, HĐND cấp tỉnh là người phê duyệt và giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nguồn lực để thực hiện chính sách là ngân sách của tỉnh. UBND cấp tỉnh có chức năng tổ chức và đôn đốc việc thực hiện cơ chế chính sách đó. Trên cơ sở kế hoạch của UBND cấp tỉnh, sở chuyên ngành và UBND cấp huyện tổ chức thực hiện phổ biến, tuyên truyền chính sách, kế hoạch thực hiện, thực thi chính sách để giúp cho nhân dân, các cấp chính quyền hiểu được về chính sách và giúp cho chính sách được triển khai thuận lợi và có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Nhà nước quản lý về việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của chính quyền địa phương nghiên cứu tại thành phố hà nội (Trang 48 - 50)