Các giải pháp khác

Một phần của tài liệu Nhà nước quản lý về việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của chính quyền địa phương nghiên cứu tại thành phố hà nội (Trang 152 - 156)

5.2.5.1. Giải pháp về đẩy mạnh phát triển liên kết kinh tế giữa nông nghiệp Hà Nội với nông nghiệp các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng

Nông nghiệp Hà Nội do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tiếp tục bị thu hẹp dần về quy mô đất đai, trong khi đó nhu cầu sản phẩm nông sản lại không ngừng tăng cả về số lượng, chất lượng, an toàn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy việc mở rộng liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh phụ cận là hết sức cần thiết. Để làm tốt được giải pháp này, chúng ta cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về liên kết kinh tế giữa nông nghiệp Hà Nội với các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Hồng. Yêu cầu này ngày càng tăng, càng quan trọng khi kinh tế nước ta chuyển dần sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên thực tế mặc dù Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận đã ký kết được 21 chuỗi liên kết cung ứng hàng hóa nông sản, tuy nhiên việc liên kết nông nghiệp Hà Nội vẫn cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức được cả ở cấp vĩ mô và cấp vi mô. Nội dung tuyên truyền có thể quan tâm vào sự cần thiết phải liên kết, lợi ích của việc liên kết và cần làm rõ cả về hình thức và nội dung của các mối quan hệ trong liên kết để người sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lựa chọn cho phù hợp.

Thứ hai, tiến hành việc rà soát, đánh giá tiềm năng và các cơ hội phát triển liên kết trong nông nghiệp giữa Hà Nội với các tỉnh.

Thứ ba, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong phát triển các mối quan hệ liên kết nông nghiệp Hà Nội với các tỉnh. Vai trò quản lý vĩ mô trong liên kết kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao giữa Hà Nội với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng đã được xác định rõ trong lý luận và cả thực tiễn. Quản lý nhà nước trong các hoạt động liên kết giữa nông nghiệp Hà Nội và các tỉnh những năm qua đã có bước chuyển, phát triển tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu như công tác kiểm soát xuất sử nguồn gốc sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm... Vì vậy, việc nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong liên kết nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, vừa là giải pháp để đẩy mạnh mối liên kết này.

Cần tập trung thiết lập các tổ chức thực thi các hoạt động quản lý nhà nước về liên kết kinh tế giữa nông nghiệp Thủ đô với nông nghiệp các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng; xây dựng cơ chế phối hợp để tổ chức thực hiện. Rà soát các quy hoạch, bố trí các vùng chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp trong mối quan hệ vùng, chú ý đến vùng cung cấp nông sản cho Hà Nội, làm cơ sở hỗ trợ mang tính nhà nước của Hà Nội cho các tỉnh. Có kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết trong sản xuất nông sản mang tính chất vùng để tạo điều kiện cho nông sản cung cấp vào Hà Nội, đảm bảo an toàn ngay từ nơi sản xuất, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng. Xây dựng các cơ chế liên kết giữa nông nghiệp Thủ đô với nông nghiệp các tỉnh và Hà Nội cần phát huy vai trò, vị thế của Thủ đô để chủ động tổ chức xây dựng các cơ chế liên kết.

Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát trong sản xuất, lưu thông nông sản để đảm bảo công tác phòng dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Thứ tư, đẩy mạnh gắn kết giữa các chủ thể sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản nông nghiệp Hà Nội với các tỉnh nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Hoàn thiện, đổi mới các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường cho phát triển các mối liên kết. Qua nghiên cứu cho thấy hiện nay sự phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh mới chỉ tập trung nhiều trong khâu kiểm soát lưu thông nông sản khi có dịch bệnh. Các chính sách sản xuất và lưu thông các sản phẩm an toàn như rau an toàn gần đây mới được chú ý.

Quan tâm thiết lập trật tự trong hoạt động liên kết trong hệ thống tiêu thụ sản phẩm nông sản các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng ở Hà Nội. Một thực tế cho

thấy khó khăn trong kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm là thiếu sự giám sát trong quá trình liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Người sản xuất nông sản an toàn, nông sản công nghệ cao trong sản xuất không tiêu thụ được sản phẩm theo đúng giá trị thực của nó nên sản xuất nông sản an toàn chưa thực sự hấp dẫn đối với người sản xuất. Cần phải liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất với các quầy hàng, cửa hàng, siêu thị để sản phẩm có nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng. Tổ chức tạo lập mối quan hệ lâu dài giữa những người lưu thông, phân phối với người sản xuất nông sản và cần thông qua các thỏa thuận, cam kết, hợp đồng kinh tế. Tổ chức các hình thức tiêu thụ nông sản theo hướng văn minh, hiện đại, thuận tiện.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản hiện nay còn mang tính tự phát, chưa có tổ chức và sự liên kết chặt chẽ, do đó cơ quan quản lý nhà nước của Hà Nội cần tổ chức thực hiện chuyên môn hóa khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm nông sản, nâng tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua các kênh có tổ chức nột cách khoa học, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chú trọng công tác quản lý thị trường nông sản, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức các đơn vị có chức năng lấy mẫu thử nhanh về chất lượng nông sản.

Thứ năm, nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đáp ứng yêu cầu liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh. Tập trung ruộng đất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; rà soát và hướng sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở nông nghiệp ở những vùng kinh doanh chuyên môn hóa theo yêu cầu liên kết. Đặc biệt cần nghiên cứu về sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng với các cơ sở chế biến, tiêu thụ ở Hà Nội.

5.2.5.2. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi rất cao đối với nguồn nhân lực về trình độ, mặc dù hiện nay nguồn nhân lực của Hà Nội có chất lượng mặt bằng cao hơn các địa phương khác, nhưng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hết sức cần thiết. Đối với từng ngành cần xây dựng kế hoạch, nội dung đào tạo cho phù hợp

Đối với ngành trồng trọt công nghệ cao cần đào tạo đội ngũ khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ khuyến nông ở các cấp; tăng cường đào tạo người nông dân sản xuất trồng trọt theo các hình thức thích hợp để trở thành người sản xuất chuyên nghiệp.

Đối với ngành chăn nuôi: Đầu tư cho công tác đào tạo, trang thiết bị cho công tác thú y, nâng cao năng lực công tác phòng dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm;

năng lực khảo nghiệm của các trung tâm giống vật nuôi, quản lý các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi...

Đối với ngành nuôi trồng thủy sản: Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nguồn nhân lực trong sản xuất con giống; mở các lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản, đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản...

5.2.5.3. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Về loại hình công nghệ, cần ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch và công nghệ sinh học, như công nghệ sản xuất rau an toàn trong nhà lưới và tưới bằng nước ngầm qua xử lý, công nghệ sinh học trong lai tạo giống, công nghệ vi sinh trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, công nghệ chăn nuôi chất lượng cao...

- Về lĩnh vực áp dụng khoa học công nghệ, cần tập trung nghiên cứu và chuyển giao cho khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung mở rộng tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, áp dụng giống mới và sản xuất sạch. Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp:

+ Đối với ngành trồng trọt: Thực hiện ứng dụng quy trình cơ giới hóa đồng bộ triển khai áp dụng một số máy móc nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại địa phương nhằm thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; quy trình thâm canh lúa cải tiến, công nghệ kiểm soát và chủ động điều tiết nước theo nhu cầu sinh trưởng đối với cây lúa hàng hóa chất lượng cao; kỹ thuật trồng hoa, rau an toàn, trong nhà lưới, theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình tưới tiết kiệm nhỏ giọt, các biện pháp trong khâu làm đất... Tập trung nghiên cứu ứng dụng ưu thế lai để tạo ra các giống lúa, rau... có các đặc tính ưu việt, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của thị trường; áp dụng công nghệ vi sinh giống để đáp ứng nhu cầu cây giống chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

+ Đối với ngành chăn nuôi: Qua nghiên cứu cho thấy cần phải tập trung nghiên cứu phát triển và ứng dụng quy trình chăn nuôi VietGap; công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi công nghiệp, hệ thống thức ăn tự động, cấp điện chủ động; áp dụng công nghệ chăn nuôi gà sạch khép kín quy mô công nghiệp, tự động hóa...

Nghiên cứu, lai tạo giống bò thịt, lợn thịt chất lượng cao, ứng dụng cải tiến công nghệ sinh sản, đặc biệt là công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, ứng dụng công nghệ gen trong xác định giới tính phôi, sử dụng tinh phân giới tính để tạo ra đàn bê có từ 85 - 90% bê cái.

Về chuyển giao kỹ thuật trong công tác giống: Đưa giống ngoại có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho lai tạo với đàn nái nền địa phương; tiếp tục tổ chức phối giống bò miễn phí (bò lai Zebu) cho các hộ dân theo phương pháp thụ tinh nhân tạo nhằm cái tiến nhanh chất lượng giống; bảo tồn giống gà mía, đưa giống mới vào sản xuất, nâng cao năng lực về quản lý chăn nuôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở sản xuất tinh dịch lợn tại Thạch Thất, Gia Lâm, Ứng Hòa với quy mô khoảng 100 - 200 lợn đực giống chất lượng cao; đẩy mạnh công tác khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế. Thành phố hỗ trợ các loại vắcxin tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm gia súc, gia cầm, xây dựng các trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi.

+ Đối với ngành nuôi trồng thủy sản: Cần đẩy mạnh ứng dụng quy trình công nghệ nuôi thâm canh thủy sản theo quy trình VietGap; nghiên cứu hệ thống nuôi thích ứng với từng điều kiện, thổ nhưỡng. Tiếp tục nhân rộng công nghệ sinh sản nhân tạo với giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đưa các giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao công nghệ sản xuất giống tiên tiến cho các cơ sở sản xuất con giống, phát triển các giống thủy sản đặc sản.

- Về các khu nông nghiệp công nghệ cao cần ưu tiên đầu tư và nhân rộng như mô hình ở xã Nam Hồng (huyện Đông Anh), mô hình nuôi trồng thủy sản tại xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì)... Tổng kết các mô hình thực tiễn về công nghệ cao trong nông nghiệp để mở rộng và nâng cao hiệu quả mô hình.

- Tăng lượng vốn đầu tư trực tiếp cho khoa học, công nghệ trong nông nghiệp để nghiên cứu phát triển công nghệ cao, sạch, sinh học vào giải quyết được các vấn đề thuộc 3 lĩnh vực: Sản xuất, chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường.

- Tăng cường tiềm lực về điều kiện vật chất, trình độ cán bộ và cơ chế, chính sách cho các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ gắn với yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố. Việc chuyển giao khoa học, công nghệ cần lựa chọn được những tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương, phù hợp với trình độ, khả năng tiếp nhận của cơ sở để chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra cần căn cứ vào điều kiện đất đai, khí hậu, trình độ và mức độ phát triển cơ sở hạ tầng của từng vùng.

Một phần của tài liệu Nhà nước quản lý về việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của chính quyền địa phương nghiên cứu tại thành phố hà nội (Trang 152 - 156)