II. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cho vay đối với DNVVN tại NHNo&PTNT
6. Chủ động phát hiện và xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ xấu
Rủi ro tín dụng là vấn đề mà mỗi NH luôn luôn chú trọng trong hoạt động cho vay của mình vì khi xảy ra rủi ro tín dụng sẽ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn và nợ xấu cho NH. Do đó, để nâng cao hiệu quả cho vay, Chi nhánh cần tích cực, chủ động phát hiện và xử lý ngay các khoản nợ có vấn đề. Đặc biệt, hoạt động cho vay đối với DNVVN tại Chi nhánh vẫn còn những khoản NQH lớn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Chi nhánh cần quan tâm hơn nữa tới việc kiểm tra, giám sát vốn vay thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời và chủ động giải quyết những khoản NQH của DN.
Ngay khi phát hiện thấy những dấu hiệu cho thấy DN sẽ gặp khó khăn trong trả nợ, Chi nhánh nên nhanh chóng đưa ra những biện pháp giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời cũng là giúp Chi nhánh tránh được những khoản NQH phát sinh. Chi nhánh có thể áp dụng những biện pháp để hạn chế NQH như: mời chuyên gia tư vấn kinh doanh cho DN, khuyến khích DN tăng cường kiểm soát hàng tồn kho, hoặc Chi nhánh có thể nhận thêm tài sản thế chấp để tăng độ an toàn của khoản vay,…
Và khi các khoản cho vay đã trở thành NQH, Chi nhánh cần có những biện pháp tích cực để xử lý các khoản NQH như gia hạn nợ cho DN; tiếp thêm vốn để giúp DN đảo nợ; chuyển khoản tiền vay thành vốn cổ phần trong DN,… Nếu các biện pháp trên không đem lại hiệu quả, phát sinh những khoản nợ xấu thì Chi nhánh cần áp dụng các biện pháp mạnh hơn:
- Đối với các khoản vay có tài sản thế chấp: Chi nhánh kết hợp với cơ quan pháp luật tiến hành kê biên tài sản thế chấp để phát mại hoặc cho thuê, tự khai thác để thu hồi nợ. Trong trường hợp tài sản thế chấp đem thanh lý không đủ để thu hồi nợ, Chi nhánh có thể buộc DN phải trả nốt phần còn lại. Nếu DN không trả được thì yêu cầu DN thực hiện thủ tục tuyên bố phá sản để thu hồi phần nợ còn lại.
- Đối với các khoản không có tài sản thế chấp: Chi nhánh cần đề nghị DN thắt chặt ngân quỹ, bán bớt các tài sản có giá trị, thanh lý tài sản không sử dụng,… để trả nợ cho NH. Chi nhánh cũng có thể kết hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật mà chủ yếu là cơ quan cảnh sát kinh tế để buộc các DN có NQH lớn hay có hành vi lừa đảo phải thu xếp nguồn trả nợ. Trong trường hợp không còn khả năng thu hồi nợ, Chi nhánh phải đưa vào xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro hoặc tổn thất.