Tại Quảng Trị

Một phần của tài liệu Thành phần loài và sự phân bố của các quần xã thực vật hạt kín vùng đất cát ở tỉnh Quảng Trị (Trang 28 - 32)

7. Cấu trúc luận án

1.2.2.2.Tại Quảng Trị

Hiện nay, thực vật vùng đất cát ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Trị nói riêng được quan tâm và nghiên cứu. Đây là hệ sinh thái đặc thù, hệ sinh thái chuyển tiếp giữa biển khơi và nội địa. Hệ sinh thái đất cát cũng tập trung một bộ phân dân cư sinh

18

sống. Những tác động trong quá trình canh tác, khai thác nguồn tài nguyên là những nguyên nhân dẫn tới việc suy thái hệ sinh thái này. Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn tài nguyên, canh tác một cách hợp lý để nâng cao đời sống của người dân cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Các công trình nghiên cứu thảm thực vật vùng đất cát tại tỉnh Quảng Trị với nội dung phong phú như sự phân loại thảm thực vật và thành phần loài của Nguyễn Hữu Tứ và cs. [30],[31]; đặc điểm sinh thái, phân loại các hệ sinh thái, đa dạng thực vật và giá trị nguồn gen cây gỗ, cây bụi để phục hồi thảm thực vật của Trần Thị Hân và cs. [10],[11],[12].

Nguyễn Hữu Tứ và cs. nghiên cứu thảm thực vật vùng đất cát và vùng phụ cận từ Quảng Bình đến Bình Thuận [30] đã ghi nhận tại vùng đất cát tỉnh Quảng Trị có: Rú kín lá cứng ở Vĩnh Nam (huyện Vĩnh Linh), rú cao 8-12m, che phủ khoảng 40 - 50%; tại Hải Thiệu (Hải Lăng), có rú với ưu thế của Táu duyên hải; trên các bãi cát thấp ven đầm Trà Lộc (Hải Lăng), gần mực nước ngầm có rú với chiều cao 5 - 6m, che phủ kín với ưu thế của các loài Dẻ cát, Dẻ núi dinh, Kha thụ sừng nai. Trảng cỏ trên bậc thềm cát trắng xám cao 3m so với vùng trũng lân cận ở Hải Thuận (Hải Lăng), che phủ tương đối kín vào mùa mưa với ưu thế của Tinh thảo cát, Tinh thảo rung, Bần thảo rìa. Rừng đầm lầy trên cát lẫn phù sa trên than bùn và cát ẩm tại Nhĩ Thượng, dọc sông Bến Ngự (huyện Gio Linh). Rừng Tràm trên than bùn tại trằm Trà Lộc (Hải Lăng). Trảng cỏ chịu ngập thứ sinh trên cát ẩm nước ngọt trên các bãi cát thấp trũng ở Nhĩ Thượng, nước tù, nhiều mùn đen, có lớp cát rắn dưới độ sâu 0,5 - 1m, có quần xã Đuôi lươn cao 0,5m. Xung quanh bãi trũng là trảng cỏ cao 0,3m, dày đặc, thuần loài Mồm trụi. Trong trảng cỏ còn gặp Tràm, Bèo đất, Gọng vó lá dài, Dùi trống nghèo, Dùi trống 6 cạnh. Nơi cao hơn, ít mùn trên mặt ở Gio Hải có quần xã Mồm râu mày cực nhỏ…

Đi sâu nghiên cứu phân chia thảm thực vật vùng đất cát Quảng Trị phải kể đến công trình của Nguyễn Hữu Tứ năm 2007. Ông dựa trên hệ thống phân loại thảm thực vật Việt Nam theo quan điểm sinh thái phát sinh của Thái Văn Trừng để áp dụng phân chia thảm thực vật vùng đất cát thành 5 kiểu sau: (1) Rú, (2) Trảng cây bụi thứ sinh,

19

(3) Trảng cỏ thứ sinh, (4) Trảng cây bụi chịu ngập nước ngọt, (5) Trảng cỏ chịu ngập nước ngọt cũng như sự phân bố của chúng. Thảm thực vật Quảng Trị được ghi nhận với khoảng 2152 loài, 226 họ, 991 chi [31]. Sự phân loại thảm thực vật tự nhiên trên đất cát của Nguyễn Hữu Tứ dựa trên yếu tố thổ nhưỡng sau đó là điều kiện thủy văn. Tác giả có những nhận định chung đối với mỗi kiểu thảm, các ưu hợp ở các kiểu thảm đó và sự phân bố của mỗi ưu hợp đại diện.

Trong tác phẩm Thảm thực vật Quảng Trị, Nguyễn Hữu Tứ đã sử dụng chủ yếu hệ thống phân loại của Thái Văn Trừng (1998), bên cạnh đó còn kết hợp các hệ thống phân loại theo sinh thái – đất của Schmit và của UNESCO (1973) [31]. Đây là công trình phân loại thảm thực vật một cách đầy đủ và chi tiết về thảm thực vật toàn tỉnh Quảng Trị nói chung cũng như thảm thực vật vùng đất cát nói riêng. Các địa điểm quan sát về thảm thực vật ở vùng đất cát chỉ diễn ra ở một vài địa điểm đại diện trong tỉnh. Hệ thống mang tính giới thiệu những đơn vị thảm thực vật có mặt tại tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, hệ thống này có thể bổ sung khi có những điều tra chi tiết.

Trần Thị Hân và cs. ghi nhận Thực vật hạt kín vùng ven bờ tỉnh Quảng Trị có khoảng 486 loài, thuộc 296 chi, 106 họ và 62 bộ. Trong đó họ đa dạng loài nhất là họ Cói (Cyperaceae) gồm 32 loài, chiếm 6,58 %, chi đa dạng loài nhất là chi

Hedyotis gồm 11 loài, chiếm 2,26 %. Các nhóm cây đa dạng về giá trị sử dụng: làm gỗ, làm thuốc, thực phẩm, làm cảnh,... và hai loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (Sindora tokinnensis K.Lars. & S.S. Lars., Viscum indosinense (Dans.). Bên cạnh đó nhóm tác giả còn nhận định tuy thành phần loài không đa dạng như ở các hệ sinh thái rừng nhiệt đới khác, nhưng thảm thực vật vùng đất cát ở đây khá đa dạng về sinh cảnh phân bố. Là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế vùng cát [10].

Trần Thị Hân và cs. bước đầu đã đánh giá nguồn gen cây thân gỗ bản địa ở vùng cát ven biển tỉnh Quảng Trị để trồng rừng phòng hộ bền vững. Kết quả nghiên cứu cho thấy có đến 34 loài cây gỗ bản địa thuộc 19 họ thực vật và 34 loài cây bụi bản địa thuộc 15 họ thực vật là nguồn vật liệu quý cho việc phục hồi rú cát tự nhiên và trồng rừng phòng hộ ven biển cũng như trồng phân tán để bảo vệ môi trường [11].

20

Trần Thị Hân nghiên cứu đặc trưng các hệ sinh thái vùng ven biển tỉnh Quảng Trị trong đó bao gồm vùng đất cát và đất khác. Tác giả đã chia vùng ven biển tỉnh Quảng Trị thành 18 kiểu thảm thực vật khác nhau dựa trên quan điểm của Thái Văn Trừng năm 1998. Trong 18 kiểu thảm thực vật trên vùng đất cát tỉnh Quảng Trị có 7 kiểu: (1) Rừng kín thường xanh cây lá cứng trên cát (HST rừng kín thường xanh cây lá cứng trên cát); (2) HST rừng đầm lầy ngập nước ngọt; (3) Trảng cây bụi thứ sinh trên cát; (4) Trảng có thứ sinh trên cát; (5) Trảng cây bụi thứ sinh trên cát ẩm nước ngọt; (6) Trảng cỏ chịu ngập thứ sinh trên cát ẩm nước ngọt; (7) Trảng cỏ trên bãi biển [12]. Trong các hệ sinh thái trên, tác giả đã mô tả đặc điểm sinh thái của hai hệ sinh thái: Rừng kín thường xanh cây lá cứng trên cát; Hệ sinh thái rừng đầm lầy ngập nước ngọt.

Hệ sinh thái Rừng trên cát được hiểu bao gồm các trảng, truông, rú, lòi... Rừng trên cát được tác giả nghiên cứu tại 4 xã: Vĩnh Tú, Gio Quang, Đông Dương (xã Hải Dương), Hải Ba. Hệ sinh thái rừng đầm lầy ngập nước ngọt được nghiên cứu ở hai địa điểm là Nhĩ Thượng và Trà Lộc. Tác giả đã ghi nhận 268 loài trong đó Thực vật hạt kín với 266 loài; hệ sinh thái Rừng ngập ngọt gồm 92 loài trong đó Thực vật hạt kín với 87 loài . Ngoài ra, cấu trúc về mật độ cũng như cấu trúc về tầng thứ, cấu trúc phổ dạng sống và hiện trạng cũng được tác giả quan tâm khi mô tả về đặc điểm của rừng trên cát tại tỉnh Quảng Trị [12]. Đây là công trình nghiên cứu có tính hệ thống về đặc điểm của các hệ sinh thái vùng ven biển tỉnh Quảng Trị.

Như vậy, những nghiên cứu về hệ thực vật vùng đất cát tỉnh Quảng Trị chủ yếu tập trung vào thành phần loài thực vật, giá trị sử dụng và phổ dạng sống, giới thiệu tổng quát những đơn vị thảm thực vật, đặc điểm của các hệ sinh thái thảm thực vật vùng đất cát ở một số địa điểm mẫu được quan sát trong tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, những nghiên cứu này có thể bổ sung khi có những điều tra chi tiết. Bên cạnh đó chưa có những nghiên cứu cụ thể về phân chia các quần xã và sự phân bố của chúng tại vùng đất cát trên toàn tỉnh Quảng Trị. Do đó, nghiên cứu về thành phần loài và sự phân bố của các quần xã là cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, sử dụng, khai thác tài nguyên thực vật một cách hợp lý.

21

Một phần của tài liệu Thành phần loài và sự phân bố của các quần xã thực vật hạt kín vùng đất cát ở tỉnh Quảng Trị (Trang 28 - 32)