II. THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP CƠ SỞ HUYỆN NÔNG SƠN
1. Hiệu quả thực thi công vụ
2.4.2 Những hoạt động chưa được sự hài lòng của công dân
- Tác phong làm việc của cán bộ công chức của UBND xã thường tuỳ tiện, chưa nghiêm túc.
- Điều kiện cơ sở còn khó khăn.
- Một số cuộc họp còn tiến hành hình thức, chưa sát dân, tuyên truyền chưa thường xuyên. Như khi đăng ký kết hôn thường ấn định theo ngày, chứ không phụ thuộc vào lòng dân, việc tách hộ khẩu ở cấp xã còn lắm thủ tục phiền hà, tiêu chí để xác định hộ nghèo vẫn không rõ ràng mặc dù đã có quy định; thường cán bộ công chức cấp xã làm việc dựa vào “tình” nhiều hơn “lý”.
- Ở một số xã đã lợi dụng quyền hạn của mình (đã quy định cụ thể trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003) mà làm trái với quy định ví dụ như đối với việc khai tử. Một số người được hưởng chế độ của Đảng và Nhà nước nhưng khi mất đi xã đã không khai tử nhằm để hưởng chế độ chính sách của người đã mất,chỉ khi bị nhân dân phát hiện thì mới khai báo.
- Có nhiều thủ tục còn gây phiền hà cho nhân dân, chưa tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân: Khi đất canh tác bị bỏ hoang một thời gian dài, có nông dân đến khai hoang trồng trọt đến khi được thu hoạch thì xã lại lấy lại đất mà không thông báo cho người nông dân biết. Đến khi họ biết thì hoa màu đã bị phá tan, người nông dân đến UBND xã để hỏi về việc đền bù hoa màu thì không có ai đứng ra giải quyết, và được hẹn lần sau đến giải quyết, điều này gây ra sự bất bình đối với người nông dân.
Như vậy, hiệu quả thực thi công vụ tức là chất lượng giải quyết công việc là thước đo, là biểu hiện quan trọng để đánh giá năng lực của người cán bộ công chức nói chung và đặc biệt là đối với cấp xã, phải trực tiếp giải quyết công việc của người dân.
2. Phương pháp và kỹ năng giải quyết công việc
Về phương pháp giải quyết công việc Đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã với chức trách lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND xã. Để làm tốt điều đó, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã cần phải có phương pháp chủ toạ điều hành kỳ họp, chủ trì trong việc tham gia xây dựng nghị quyết của HĐND; phương pháp tổ chức giám sát, kiểm tra thực hiện nghị quyết; phương pháp tiếp dân; phương pháp điều hoà phối hợp hoạt động với đại biểu HĐND, với UBND, UBMTTQ cùng cấp.
Qua khảo sát thực tế cho thấy Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã phần lớn
còn lúng túng, chưa có phương pháp điều hành kỳ họp đặc biệt là trong chủ trì chất vấn và thảo luận thông qua nghị quyết của HĐND nên chưa phát huy dân chủ. Trong hoạt động giám sát, chưa có phương pháp chọn lựa vấn đề giám sát, chủ trì giám sát; chưa tổ chức thu thập thông tin liên quan nội dung giám sát trước khi tiến hành giám sát nên chất lượng hoạt động giám sát không cao, không tránh khỏi tính hình thức.
Đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã thực hiện chức trách lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động của UBND và hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đã được phân cấp trên địa bàn xã. Để thực hiện tốt chức trách, đòi hỏi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phải có phương pháp lãnh đạo trong hành chính như: Phương pháp lãnh đạo, quản lý theo tình huống; phương pháp lãnh đạo theo chức năng; phương pháp hệ thống; phương pháp lãnh đạo tập trung vào thủ trưởng hoặc tập trung vào cấp dưới; phương pháp lãnh đạo hướng về con người hay hướng về công việc; phương pháp lãnh đạo theo lối độc đoán hay lối dân chủ. Phương pháp lãnh đạo, quản lý nào cũng đều hướng tới một số mục tiêu nhất định và đều được đề ra trên cơ sở xem xét quan hệ với con người hay với công việc.
Thực tế cho thấy, một số cán bộ trẻ năng động, có nghiệp vụ chuyên môn nhưng thiếu linh hoạt, điều hoà phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể chưa chặt chẽ nên khi triển khai thực hiện nhiệm vụ chưa có tính thuyết phục. Một bộ phận cán bộ có phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, thiếu minh bạch, quan liêu làm cho giảm tính tích cực, sáng tạo của cán bộ công chức dưới quyền, quần chúng nhân dân mất lòng tin với chính quyền địa phương. Tính sáng tạo hầu như chưa có trong đội ngũ cán bộ chức danh này do tâm lý ngại va chạm, điều hành công việc chủ yếu vẫn là theo sự chỉ đạo, đôi khi là trông chờ ỷ lại vào cấp trên.
Đối với công chức xã, đòi hỏi phương pháp thu thập và xử lý thông tin; phương pháp quản lý, kiểm tra và lưu trữ hồ sơ; phương pháp tổng hợp, báo cáo.
Quan trọng hơn vẫn là phương pháp giao tiếp, nó thể hiện tinh thần thái độ ứng xử, thái độ phục vụ nhân dân. Hiện nay, đội ngũ công chức xã trong huyện đã từng bước củng cố, thực hiện tiêu chuẩn hoá nên một số cán bộ đã phát huy tốt
nhiệm vụ, có phương pháp làm việc khoa học, tham mưu giải quyết công việc có chất lượng. Một số công chức xã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý như quản lý ngân sách xã, quản lý hộ tịch. Công tác tiếp nhận và giải quyết công việc hành chính với tinh thần trách nhiệm cao, thái độ phục vụ đúng mực đã được nhân dân tin yêu. Tuy nhiên, cũng còn một số công chức còn lúng túng, chưa có phương pháp làm việc khoa học, kỹ năng hành chính yếu nên kết quả hoàn thành nhiệm vụ chưa như mong muốn.
Phương pháp vận động quần chúng là một trong những phương pháp góp phần quyết định thành công trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở nhưng thực tế đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền xã còn lúng túng. Tình trạng giao, khoán cho thôn, xóm vẫn còn phổ biến, trong khi thôn, xóm không phải cấp chính quyền. Chúng ta đã và đang thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Công tác vận động quần chúng trong tình hình mới đòi hỏi cán bộ công chức am hiểu chính sách, pháp luật của nhà nước, có cái tâm trong sáng, đi sâu sát nhân dân, biết lắng nghe và có khả năng truyền đạt khéo léo mới giải quyết công việc thấu lý đạt tình.
+Về kỹ năng
Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền xã theo Nghị định 121/2003/NĐ – CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn và sau bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2008 – 2012, cán bộ công chức xã có nhiều thay đổi, số cán bộ mới và trẻ được bổ sung tương đối nhiều. Nhiều cán bộ chủ chốt mới giữ chức vụ lần đầu còn lúng túng, thiếu kỹ năng lãnh đạo, quản lý như điều hành cuộc họp, tổ chức tiếp dân, xử lý tình huống… Do vậy, đã gặp không ít khó khăn trong thực thi nhiệm vụ. Nhiều cán bộ công chức chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước còn hạn chế đã ảnh hưởng không ít đến kỹ năng hoạt động. Do đó, kỹ năng thực thi hoạt động quản lý nhà nước còn yếu nhất là kỹ năng lãnh đạo quản lý và kỹ năng hành chính.