Cách thức sử dụng ngôn ngữ ký hiệu

Một phần của tài liệu Sử dụng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính trên truyền hình tại việt nam hiện nay (khảo sát chương trình “bản tin o2” o2tv, “bản tin thời sự” và “dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình” kênh vtv2, đài truyền (Trang 66 - 72)

Để có thể sản xuất ra 01 chương trình truyền hình nói chung và chương trình truyền hình sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nói riêng, các ekip tham gia sản xuất chương trình cần tuân thủ các bước trong quy trình tác nghiệp trong hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, cụ thể hơn là quy trình sản xuất chương trình truyền hình.

Nói về quy trình tác nghiệp trong hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, trong cuốn “Nhà báo với trẻ em” (NXB Thông tấn, năm 2014) đã viết “Quy trình tác nghiệp trong hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí và việc sử dụng các kỹ năng trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí đối với mỗi loại hình báo chí có khác nhau. Tuy nhiên, ngoài những bước khác biệt do đặc trưng loại hình báo chí chi phối, trong quy trình sáng tạo một tác phẩm báo chí có những bước chung”.

Trong cuốn “Sáng tạo tác phẩm báo chí”, tác giả Đức Dũng có đưa ra quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí có hai bước chính là: Lựa chọn đề tài và lựa chọn cách thể hiện thích hợp. Đồng thời, ở mỗi thể loại khác nhau cũng có những bước khác nhau.

Đối với các chương trình truyền hình sử dụng ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam, do đặc trưng là sáng tạo tác phẩm báo chí truyền hình nên dạng chương trình này vẫn tuân thủ theo quy trình sáng tạo của một tác phẩm báo chí truyền hình. Tuy nhiên, tuỳ theo thể loại của tác phẩm và tính chất mỗi tác phẩm mà có sự điều chỉnh quy trình khác nhau.

Trong cuốn “Truyền thông đại chúng” của tác giả Tạ Ngọc Tấn, quy trình sáng tạo tác phẩm truyền hình được chia làm ba bước: Tiền kỳ, ghi hình và hậu kỳ.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, trong cuốn “Nhà báo với trẻ em” (NXB Thông tấn, năm 2014) đã phân tích: “Trong thực tế, quá trình ghi hình hay tổ chức thu thập thông tin hình ảnh cho tác phẩm truyền hình thường có khâu chuẩn bị và được diễn ra tại hiện trường nên có thể được coi như một phần của công việc nằm trong khâu tiền kỳ. Vì vậy, ngoài những quy trình riêng biệt cho một số thể loại tác phẩm, quy trình chung để sáng tạo một tác phẩm tryền hình thông thường sản xuất bằng băng từ sẽ gồm các bước sau:

Tiền kỳ

Tìm hiểu và nghiên cứu thực tế

Chọn đề tài, chủ dề, tư tưởng chủ đề cho tác phẩm Xây dựng kịch bản phác thảo hoặc chi tiết

Liên hệ với những người liên quan để chuẩn bị phỏng vấn, chuẩn bị thiết bị và tiến hành quay phim (ghi hình) tại thực địa, thu thập thông tin liên quan.

Hậu kỳ

Xem lại băng ghi hình, lên danh sách cảnh quay Xây dựng kịch bản dựng

Dựng phim (Phần này bao gồm kỹ thuật, nghệ thuật và phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật viên)

Viết lời bình, đọc lời bình, ghép nhạc… Duyệt và phát song

Lắng nghe thông tin phản hồi

Về cơ bản, quy trình sản xuất một chương trình truyền hình dành cho người khiếm thính cũng phải tuân thủ các bước trong một quy trình sản xuất của chương trình truyền hình. Điều đó có nghĩa là ekip sản xuất chương trình cũng phải trải qua các bước tiền kỳ và hậu kỳ, trong đó, bao

gồm các bước như: Tìm hiểu và nghiên cứu thực tế; Chọn đề tài, chủ dề, tư tưởng chủ đề cho tác phẩm; Xây dựng kịch bản phác thảo hoặc chi tiết; Liên hệ, ghi hình tiền kỳ, xem băng, dựng phim…. Tuy nhiên, vì có đối tượng khán giả đặc biệt, nên các chương trình truyền hình dành cho người khiếm thính thường có thời gian sản xuất dài hơn so với các chương trình thông thường.

Để có thể sản xuất các chương trình truyền hình sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, các chương trình phải có thêm một công đoạn trong giai đoạn tiền kỳ, đó là “chuyển ngữ”, công đoạn chuyển từ ngôn ngữ viết trong kịch bản sang ngôn ngữ ký hiệu. Đây có thể nói là giai đoạn gian nan nhất đối với những người tham gia sản xuất chương trình.

Buổi dẫn thử đầu tiên của chương trình “Bản tin O2” của O2TV, ekip sản xuất mất gần trọn 1 ngày để hoàn thành bản tin dài 30 phút bởi có quá nhiều từ ngữ chuyên ngành y tế trong khi người khiếm thính chủ yếu dùng ngôn ngữ hằng ngày. Buổi dẫn thử ban đầu bị đứt đoạn nhiều lần để MC tìm cách thể hiện phù hợp.

Ví dụ: Ngôn ngữ ký hiệu phần lớn là động từ, một số ít danh từ cơ bản, như từ đề cập đến "tai" chỉ có tính từ "điếc". Và để thể hiện được cụm từ “lông trong tai” bằng ngôn ngữ ký hiệu, ekip sản xuất chương trình đã phải vẽ chữ lên không trung cả cụm từ này, sau khi mất một thời gian dài để tìm ra cách thể hiện cụm từ đặc biệt này.

Ngôn ngữ khuyết tật ở Việt Nam chủ yếu được dạy đến hết bậc tiểu học, với vốn kiến thức chủ yếu là giao tiếp thông thường nên việc phát triển còn nhiều hạn chế. Không nhiều người có điều kiện nâng cao loại ngôn ngữ này ở mức độ chuyên sâu.

Đối với chương trình “Bản tin thời sự” trên kênh VTV 2 – Đài Truyền hình Việt Nam: Cách thức thể hiện của chương trình được xây dựng một cách

đa dạng và phong phú. Ngoài hình ảnh và lời nói của phát thanh viên, trên màn hình tivi sẽ có dòng phụ đề để những người khiếm thính có thể theo dõi được. Trung bình cứ 10 giây hình thì truyền tải được 1 đến 2 dòng phụ đề. Theo những người làm chương trình chia sẻ thì với các tin chính trị, kinh tế sẽ khó khăn trong việc truyền tải bởi số lượng chữ phụ đề nhiều và người khiếm thính khó tiếp nhận. Vì vậy để phù hợp hơn và để người khiếm thính có thể tiếp nhận dễ dàng hơn, các biên tập viên và ekip chương trình cần phải biên tập chương trình ngắn gọn hơn.

Chính vì vậy mà việc thực hiện sản xuất chương trình có sử dụng ngôn ngữ ký hiệu giống như phải sản xuất một chương trình thời sự thứ 2. Mỗi ekip hằng ngày, gồm: 1 đạo diễn hình, 1 biên tập viên, 1 quay phim và MC bằng ngôn ngữ ký hiệu. Tất cả nhóm phải có mặt tại trường quay vào khoảng 18h00 hằng ngày. Trong khi chờ đợi chương trình Thời sự lúc 19h00 lên sóng, MC phải cùng biên tập viên xem trước kịch bản chính của chương trình thời sự, nếu có từ khó phải trao đổi và hỏi ngay biên tập viên hoặc điện thoại cho các cố vấn để giải đáp.

Để làm quen với loại ngôn ngữ đặc biệt được thể hiện không chỉ bằng cử chỉ mà còn bằng mắt, miệng và cả đầu, Ban Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam đã mất khá nhiều thời gian để "tuyển" đủ nhân sự. Đó là những người bình thường nhưng có khả năng thể hiện ngôn ngữ bằng cử chỉ.

Việc chuyển ngữ được thực hiện cùng MC mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, các biên tập viên sẽ giám sát và chỉnh sửa lỗi trên băng hình trước khi chương trình được lên sóng vào 22h cùng ngày. Ekip hằng ngày gồm 1 đạo diễn hình, 1 biên tập viên, 1 quay phim và MC bằng ngôn ngữ khiếm thính. Ekip thường phải có mặt tại trường quay vào lúc 18h hàng ngày và trong lúc chờ đợi bản tin thời sự lên sóng, MC phải cùng Biên tập viên xem trước kịch bản chính của chương trình, trao đổi, thống nhất cách sử dụng ngôn ngữ và

thể hiện ngôn ngữ ký hiệu một cách chuẩn xác nhất. Đó là nhân sự ghi hình trong trường quay, với nhiệm vụ kết nối các phần trong chương trình. Còn đối với một chương trình hoàn chỉnh, toàn diện, ekip sản xuất ngoài đạo diễn hình, biên tập viên, quay phim và MC trong trường quay sẽ cần một số lượng nhân sự khổng lồ trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Và con số đó có thể lên tới hàng trăm người để đáp ứng về nội dung cũng như mức độ truyền tải thông tin với tần suất 7 ngày/tuần, 30 ngày/tháng.

Tuỳ theo tính chất, mục đích và yêu cầu mà mỗi chương trình truyền hình có sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hướng tới một hình thức, các thức thể hiện khác nhau.

Chương trình “Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình” và “Bản tin thời sự” trên kênh VTV 2 – Đài Truyền hình Việt Nam là một ví dụ.

Do tính chất là một chương trình khoa giáo, nên format chương trình được xây dựng là một bài học có thời lượng 30 phút và được thể hiện bởi các hướng dẫn viên khiếm thính là cán bộ của Chi hội người điếc Hà Nội, Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội và các em học sinh trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn và trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ điếc Hà Nội, Hội chữ thập đỏ thành phố Hà Nội. Trong chương trình còn có người phiên dịch toàn bộ bài học sang tiếng nói để khán giả truyền hình cũng như những người quan tâm đến ngôn ngữ ký hiệu có thể theo dõi các bài học. Chương trình được phát sóng vào lúc 23 giờ ngày thứ Năm hàng tuần và phát lại vào 9 giờ sáng Chủ Nhật trên kênh VTV2.

Để thực hiện được nội dung chương trình, ekip sản xuất và Chi hội người Điếc Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng thiết kế bài giảng, trong đó 2 người tham gia thiết kế bài giảng và có 3 giáo viên thay nhau dạy theo lịch phân công. Mỗi buổi thiết kế ba bài giảng để mỗi tuần có ba buổi dạy trên truyền hình. Theo đó, giáo viên sẽ dạy 20 từ vựng trong mỗi buổi ghi hình.

Điều đó có nghĩa là mỗi một đợt ghi hình (Ví dụ 1 tuần/lần) thì sẽ ghi hình liền một lúc 03 bài giảng, tương đương 03 chương trình sẽ được phát sóng.

Với chương trình mang tính chất hàng tuần, thời lượng 30 phút như “Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình”, nhân sự sẽ ít hơn cả về số lượng lẫn tần suất hoạt động, bởi không gian ghi hình của chương trình chỉ giới hạn trong trường quay.

Để ghi hình chương trình này cần phải có 03 quay phim. Quay phim và máy quay thứ nhất là máy cố định cho các cảnh toàn, cảnh rộng (bao gồm người dịch ngôn ngữ ký hiệu, người giảng dạy và học sinh). Quay phim và máy quay thứ hai thì quay người giảng dạy và hướng vào bảng từ vựng, tranh ảnh minh họa được dán trên bảng. Quay phim và máy quay thứ ba sẽ cơ động quay các em học sinh và các cảnh trám

Ví dụ: Đối với bài số 1 về cách chào, làm quen. Máy quay và quay phim thứ nhất sẽ được cố định một chỗ, bất di bất dịch trong suốt quá trình ghi hình, ghi lại toàn bộ diễn biến của chương trình trong cảnh toàn (cảnh rộng). Máy quay và quay phim thứ hai ghi hình người dịch ngôn ngữ ký hiệu Lê Thanh Hoa (Chỉ đứng cạnh người giảng dạy trong phần giới thiệu đầu, các đoạn sau người dịch chỉ xuất hiện trong các cảnh toàn) và người giảng dạy là Đỗ Hoàng Thái Anh, Phó Chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội. Máy quay và quay phim thứ ba ghi hình các em học sinh đang ngồi nghe giảng và các hành động của học sinh khi thực hành theo hướng dẫn của người dạy.

Là một trong các đơn vị tham gia phối hợp thực hiện chương trình, trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ điếc Nhân Chính đã sử dụng các bài học ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình là giáo trình chính thức dạy trong trường từ lớp 1 đến lớp 5. Bên cạnh đó, nhà trường còn sử dụng giáo trình này tại lớp hòa nhập, cho các giáo viên, học sinh, và các sinh viên vào thứ 6 hàng tuần nhằm tăng tính thực hành ngôn ngữ ký hiệu cho người học.

Đối với trường phổ thông cơ sở Xã Đàn, sau khi tham gia phối hợp thực hiện chương trình, Ban lãnh đạo và giáo viên trong trường đã được nâng cao nhận thức và tiến hành dạy ngôn ngữ ký hiệu như là một ngoại ngữ dành cho người khiếm thính. Trường Xã Ðàn là trường nhiều cấp học từ mầm non đến Trung học cơ sở. Trong trường có khoảng gần 200 học sinh khiếm thính. Tham gia vào lớp học dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình giúp học sinh tiếp cận với ngôn ngữ chung của cộng đồng người khiếm thính, phát huy khả năng giao tiếp, diễn đạt của các em. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên mở các lớp dạy về ngôn ngữ ký hiệu cho phụ huynh để họ có cơ hội hiểu và đồng cảm với con mình hơn. Hiện các bài học đã được đăng tải lên website của Chi hội người Điếc Hà Nội và các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook để tạo điều kiện cho người học theo dõi mọi lúc mọi nơi.

Có thể thấy, dù thể hiện theo cách thức nào (Bản tin O2 của O2TV và bản tin Thời sự của VTV2 thể hiện theo hình thức tin tức và phóng sự ngắn đan xen trong chương trình, còn “Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình” là hình thức chuyên đề khoa giáo) thì các chương trình có sử dụng ngôn ngữ ký hiệu đều tuân thủ theo một cách thức chung là sử dụng hình ảnh, âm thanh (lời bình, tiếng động) và chữ viết trong chương trình.

Một phần của tài liệu Sử dụng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính trên truyền hình tại việt nam hiện nay (khảo sát chương trình “bản tin o2” o2tv, “bản tin thời sự” và “dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình” kênh vtv2, đài truyền (Trang 66 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)