Giúp học sinh hình dung hình tượng tác giả ẩn sau câu chuyện và thế giới nhân vật

Một phần của tài liệu Phát triển khả năng “đồng sáng tạo” cho học sinh qua dạy đọc hiểu văn bản chí phèo của nhà văn nam cao (Trang 25 - 28)

giới nhân vật

Nhà văn Nguyễn Khải đã từng khẳng định: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc và tình cảm chứ không phải là tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm như thế nào”. Nhà văn xây dựng cốt truyện, thế giới hình tượng nhân vật không chỉ là để miêu tả, phản ánh bức tranh cuộc sống mà qua đó nhà văn còn muốn thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình về xã hội, thời đại và con người. Như vậy, ẩn đằng sau câu chuyện và thế giới nhân vật là hình tượng tác giả. Vì vậy khi dạy đọc hiểu truyện, GV không chỉ dẫn dắt để HS nắm bắt cốt truyện, cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật mà GV phải giúp HS hiểu được ý đồ nghệ thuật, thông điệp tư tưởng mà nhà văn gửi gắm vào câu chuyện, vào thế giới nhân vật.

Về mặt lý luận, tìm hiểu hình tượng tác giả có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu văn học. Nghiên cứu hình tượng tác giả giúp người đọc nhận ra phong cách cá nhân của nhà văn. Chính nhờ phong cách riêng này mà người đọc có thể nhận ra sự khác nhau giữa nhà văn này với nhà văn khác. Chẳng hạn cùng là nhà văn hiện thực phê phán viết về đề tài nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám nhưng nhà văn Nam Cao khác với Ngô Tất Tố, khác với Nguyễn Công Hoan, khác với Vũ Trọng Phụng... Mỗi nhà văn có cách thể hiện riêng. Đó là sự khác nhau về cá tính sáng tạo của nhà văn.

Nghiên cứu hình tượng tác giả không chỉ giúp người đọc nhận ra phong cách cá nhân của nhà văn mà còn giúp người đọc tìm hiểu tính hệ thống của VB tác phẩm như cái nhìn nghệ thuật, giọng điệu, sự tự thể hiện thành hình tượng của tác giả... để từ đó tìm hiểu được tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm văn học. Văn học là một hình thái hoạt động tư tưởng, vậy nghiên cứu một nhà văn, xét đến cùng là nghiên cứu tư tưởng của ông ta.

Về mặt thực tiễn, nghiên cứu hình tượng tác giả sẽ giúp người đọc hiểu được quan điểm nghệ thuật, lập trường tư tưởng tác giả thể hiện trong tác phẩm. Tuy hình tượng tác giả không hoàn toàn trùng với nhà văn ở ngoài đời nhưng sự đối chiếu giữa tư tưởng nhà văn trong nghệ thuật với con người trong đời sống vẫn có ý nghĩa rất lớn. Thông qua hình tượng tác giả, người nghiên cứu sẽ có những căn cứ đáng tin cậy để kiểm nghiệm sự chính xác của những kết luận về thế giới nghệ thuật của nhà văn, hiểu được sâu sắc các cấp độ biểu hiện và sự phối hợp trong hình thức tác phẩm, tạo điều kiện cần thiết cho việc phân tích và cảm thụ văn chương có hiệu quả cao.

Tuy nhiên, không thể đồng nhất tác giả văn học và hình tượng tác giả. Trong

Từ điển thuật ngữ văn học các tác giả đã đưa ra định nghĩa về tác giả văn học:

văn học. Về thực chất tác giả văn học làm ra cái mới, người sáng tạo ra các giá trị văn học mới. Sự bắt buộc mô phỏng, theo đuôi thời thượng hoặc sáng tác không có bản sắc không làm nên tác giả văn học đích thực” [10, tr.242]. Tác giả là người sáng tạo, khai sinh ra tác phẩm .Vì vậy, dấu ấn của tác giả trong tác phẩm hiện lên rất rõ. Việc nghiên cứu tác phẩm giúp chúng ta khám phá hình tượng tác giả, tìm hiểu những cảm xúc, quan niệm của người nghệ sĩ về con người và cuộc sống.

Theo Trần Đình Sử: “hình tượng tác giả là hình tượng được sáng tạo ra trong tác phẩm theo nguyên tắc tự biểu hiện cảm nhận và thế giới thẩm mĩ đối với thế giới xung quanh. Nó không chỉ là sự phản ánh cái tôi của tác giả vào tác phẩm thể hiện tương quan giữa người sáng tạo ra văn học và bản thân văn học mà còn là vấn đề của cấu trúc nghệ thuật, sự thể hiện của chủ thể. Hình tượng tác giả thể hiện chủ yếu ở cái nhìn riêng độc đáo, nhất quán, có ý nghĩa tư tưởng, đạo đức, thẩm mĩ; giọng điệu tác giả thâm nhập vào cả giọng điệu nhân vật ; và ở sự miêu tả, có hình dung của tác giả đối với chính mình” [17, tr.127]. Từ điển thuật ngữ văn học lại cho rằng: “Đó là phạm trù thể hiện cách tự ý thức của tác giả về vai trò của xã hội và vai trò của văn học của mình trong tác phẩm văn học, một vai trò được người đọc chờ đợi. Phạm trù hình tượng tác giả chẳng những cho phép nhận ra phong cách cá nhân mà còn giúp hiểu tính hệ thống của VB tác phẩm văn học” [10, tr.124]. Cơ sở tâm lý của hình tượng tác giả là hình tượng cái "tôi" trong nhân cách mỗi người thể hiện trong giao tiếp. Cơ sở nghệ thuật của hình tượng tác giả trong văn học là tính chất gián tiếp của VB nghệ thuật: văn bản của tác phẩm bao giờ cũng là lời của người trần thuật, người kể chuyện hoặc nhân vật trữ tình. Nhà văn xây dựng một VB đồng thời với việc xây dựng ra hình tượng người phát ngôn VB ấy với một giọng điệu nhất định.

Như vậy, hình tượng tác giả là phạm trù pháp quan trọng giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tác giả cũng như tác phẩm. Hình tượng tác giả có tính chất loại hình sâu sắc nhưng cũng mang đậm cá tính tác giả. Phạm trù hình tượng tác giả là một trong những yếu tố quyết định phong cách cá nhân nhà văn và phong cách tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời hình tượng tác giả giúp tìm hiểu tính hệ thống của văn bản tác phẩm, mối quan hệ của nó với ý thức về vai trò xã hội và văn học của bản thân văn học.

Cho đến nay, sự biểu hiện của hình tượng tác giả trong sáng tác văn học là một vấn đề đã và đang được nghiên cứu trên nhiều góc độ khác nhau. “Có người xem hình tượng tác giả biểu hiện ở phương diện ngôn ngữ, có người xem hình tượng tác giả biểu hiện trên tất cả các yếu tố và cấp độ tác phẩm: từ cách quan sát, cách suy nghĩ, thích cái gì, ghét cái gì trong lập trường đời sống, đến giọng điệu lời văn. Trong giọng điệu thì không chỉ giọng điệu người trần thuật mà cả trong giọng điệu nhân vật” (Trần Đình Sử). Có người cho rằng hình tượng tác giả biểu hiện ở: cái nhìn nghệ thuật của tác giả, sức bao quát không gian thời gian, cấu trúc, cốt truyện, nhân vật và giọng điệu. Như vậy, chúng ta có thể tìm hiểu hình tượng tác giả biểu hiện chủ yếu ở một số phương diện như: Cái nhìn riêng, độc đáo, nhất

quán có ý nghĩa tư tưởng, đạo đức thẩm mĩ; giọng điệu của tác giả thâm nhập vào cả giọng điệu nhân vật và ở sự miêu tả; sự tự thể hiện của tác giả thành hình tượng. Soi vào truyện ngắn Chí Phèo, GV thông qua hoạt động đọc hiểu văn bản cần phải hình thành cho HS ý thức phát hiện ra các vấn đề xã hội mà nhà văn lấy làm bối cảnh xây dựng tác phẩm. Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn trong truyện ngắn này là cái nhìn hiện thực tỉnh táo, sắc sảo. Nam Cao cũng đã từng phát ngôn trong truyện ngắn Đời thừa: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng nói đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nam Cao đã đi sâu vào phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ thể bức tranh làng Vũ Đại trong tác phẩm chính là hình ảnh thu nhỏ của làng Đại Hoàng quê hương ông. Lấy hiện thực ngay tại chính quê hương đã tạo nên một nét vẽ gân guốc đạp thẳng vào bộ mặt độc ác, nham hiểm của bọn cường hào, lí trưởng trong xã hội thực dân nửa phong kiến đè nén, áp bức thậm chí đẩy người nông dân vào bước đường cùng. Một xã hội mà Chí Phèo đã là tên lưu manh, con quỷ dữ phải chấp nhận bộ mặt lưu manh, quỷ dữ mặc dù Chí Phèo đã thức tỉnh, khao khát được trở về với cái “ao đời bằng phẳng”, được “làm hòa với mọi người” nhưng cuối cùng Chí đã chết ngay trên ngưỡng cửa quay trở lại làm người lương thiện. Như vậy, thông qua cái nhìn nghệ thuật, người đọc sẽ nhận ra con người nghệ sĩ của tác giả. Mỗi một nhà văn lại có một cái nhìn riêng độc đáo thể hiện một phong cách riêng. Đi tìm hiểu cái nhìn nghệ thuật của nhà văn biểu hiện trong thế giới nghệ thuật cũng tức là nhận ra con người nghệ sĩ của tác giả ấy. Từ cái nhìn nghệ thuật trên, người đọc phát hiện ra giọng văn của Nam Cao: vừa lạnh lùng, sắc sảo vừa tràn đầy tình yêu thương. Bởi bản cáo trạng đanh thép của nhà văn Nam Cao về xã hội thực dân nửa phong kiến xuất phát từ tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn về những người nông dân rơi vào bước đường cùng.

Bên cạnh các yếu tố như cái nhìn nghệ thuật, giọng điệu trần thuật thì sự tự thể hiện của tác giả thành hình tượng đã mang đến cho người tiếp nhận nhiều hứng thú trong quá trình cảm thụ văn học. Trong tác phẩm, có nhiều trường hợp tác giả tự hình dung hình tượng của mình. Các tác giả tuỳ bút, bút ký, ký sự hoặc tiểu thuyết cũng không ít trường hợp miêu tả mình trong tác phẩm. Chẳng hạn, M.Gorki trong bộ ba tự thuật: Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của

tôi. Nguyên Hồng trong Những ngày thơ ấu. Nam Cao trong Đời thừa, Sống mòn, Đôi mắt. Nguyễn Tuân từng viết: "Tôi muốn mỗi ngày cho tôi cái say của rượu tối

tân hôn", "Rồi tôi vẫn vênh váo đi giữa cuộc đời như một viễn khách không có quê hương nhất định". Tuy nhiên, không được đồng nhất hình tượng tác giả với bản thân tác giả ngoài đời. Nhiều khi cuộc đời và cá tính bên ngoài như thế này nhưng người trần thuật trong tác phẩm lại thế kia. Khi tìm hiểu hình tượng tác giả cần chú ý đến quan điểm nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm. Chẳng hạn, Vũ Trọng Phụng trong cuộc đời thực là một con người bình dị, con người của khuôn phép, nền nếp nhưng đọc tác phẩm của nhà văn ta thấy người trần thuật ở đây nhiều khi nổi loạn

và phẫn uất. Tóm lại, hình tượng tác giả trong tác phẩm là một phạm trù của thi pháp do nhà văn sáng tạo ra. Những thể loại văn học khác nhau thì biểu hiện của hình tượng tác giả sẽ khác nhau.

Vì vậy, tìm hiểu hình tượng tác giả trong tác phẩm văn học còn có ý nghĩa quan trọng trong giảng dạy văn chương ở nhà trường. Người GV khi hướng dẫn học sinh tiếp cận và cảm thụ tác phẩm văn học rất cần thiết phải có hiểu biết về phạm trù hình tượng tác giả, bởi dấu ấn của chủ thể sáng tạo hiện hình rõ trong tác phẩm. Việc nghiên cứu hình tượng tác giả sẽ giúp người đọc hiểu sâu sắc về quan niệm nghệ thuật của nhà văn, có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn về quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Từ đó, tìm ra nét riêng trong phong cách nghệ thuật của nhà văn đó.

Một phần của tài liệu Phát triển khả năng “đồng sáng tạo” cho học sinh qua dạy đọc hiểu văn bản chí phèo của nhà văn nam cao (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(61 trang)
w