5. Phương pháp nghiên cứu
1.3.3. Đời sống tinh thần:
Văn hóa dân tộc Khmer là cả một nền tảng văn hóa được xây dựng lâu dài qua nhiều thế kỷ với sự kết hợp của tín ngưỡng, tôn giáo và cả lịch sử dân tộc. Thể hiện qua các mặt văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống,… hài hòa và đan xen vào nhau.
Văn học dân gian: Ngôn ngữ và Chữ viết: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á. Họ có chữ viết riêng, không dấu dùng để ghi chép các truyện dân gian. Người Khmer có kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.
Lễ hội: Trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam bộ, lễ hội đóng vai trò rất quan trọng, nó chi phối toàn bộ đời sống tinh thần cũng như tâm linh của họ. Một năm có rất nhiều lễ hội được diễn ra. Tác giả đề cập đến vài lễ hội tiêu biểu ảnh hưởng lớn đến đời sống hằng ngày của người Khmer Nam Bộ và có khả năng khai thác vào hoạt động du lịch văn hóa tại Trà Vinh.
Lễ Phật Đản (Bon visakha Bo Chia): được tổ chức ngày 15 tháng 05 âm lịch theo Phật lịch của phái Tiểu thừa. Lễ diễn ra một ngày một đêm. Người dân đến chùa dâng cơm cho sư sãi và làm lễ tụng kinh mừng Đức Phật ra đời. Trong đêm đó, người dân nghe sư đọc kinh cầu nguyện. Sáng hôm sau, người dân dâng cơm cho sư một lần nữa, buổi lễ kết thúc. Đây là một lễ lớn, được tổ chức nghiêm trang và trọng thể với những nghi thức ngày nay vẫn còn được duy trì trong các chùa.
Lễ Ok Om Bok: là lễ cúng trăng vào đêm 15 tháng 10 âm lịch. Lễ này gắn liền với sự tích con thỏ trên mặt trăng. Nhưng thực chất là để ca ngợi cư dân Khmer giàu lòng bố thí, nuôi sống Phật giáo. Trong dịp lễ Ok Om Bok cốm dẹp là một lễ vật tất yếu không thể thiếu. Người Khmer chuyên về nông nghiệp tin rằng nhờ mặt trăng nên có nước lớn nước ròng, có mưa thuận gió hoà. Nếp là món ăn ngon nhất của người dân Khmer. Trong ngày này còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn
nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian của người Khmer tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp trong mùa lễ Ok Om Bok.
Lễ dâng phước (Bon đa): Lễ này có nguồn gốc từ chuyện cổ tích trong kinh điển Phật Giáo. Chuyện kể rằng, ngày xưa có nàng Milika là vợ vua Pakasêti Kôsol xứ Savathây. Nàng thường làm phước từ nhỏ nhưng nàng phạm phải sai lầm là nói dối chồng và không chung thủy. Do đó, khi chết nàng bị đày xuống địa ngục. Lúc này, Đức Phật còn tại thế, nhà vua đến hỏi Đức Phật tại sao vợ ông hay làm phước mà lại bị đày xuống địa ngục. Đức Phật không trả lời ngay mà đợi vợ ông ở dưới địa ngục được bảy ngày, mới trả lời: “Hôm nay nhà ngươi hãy về làm phước để dâng phước lành cho vợ nhà ngươi được siêu thoát lên cõi Niết bàn”. Dựa vào sự tích này, sau khi người chết được bảy ngày người ta tiến hành lễ Bon đa. Buổi tối họ làm lễ bái tam bảo, thọ ngũ giới, mời sư về tụng kinh. Sáng hôm sau, sư sãi tiếp tục tụng kinh để cầu siêu, cầu phước, sau đó đem lễ vật vào chùa.
Lễ vào năm mới Pithi Chôl Chnăm Thmây: được tổ chức vào trung tuần tháng tư dương lịch – đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã gặt hái xong. Tết của người Khmer cũng có ý nghĩa giống như tết cổ truyền của các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, nhưng cách tổ chức và tập tục khác nhau, vì đa số người Khmer đều là tín đồ của Phật giáo. Theo phong tục của người Khmer Nam bộ thì Tết Chôl Chnăm Thmây được tiến hành trong ba ngày theo những nghi lễ truyền thống.
Lễ cúng ông bà Sene Dolta: Theo phong tục của người Khmer trước đây, lễ Sene Dolta cổ truyền kéo dài chừng nửa tháng, khi công việc gieo cấy ngoài đồng đã xong. Trong những ngày lễ Sene dolta, buổi sáng từng nhà chuẩn bị mâm cơm cùng thức ăn và bánh trái ngon mang đến chùa, tổ chức thành lễ hội chung của phum sóc, nhờ sư sãi tụng kinh cầu nguyện mọi điều tốt lành cho vong hồn những người thân đã mất, để tỏ lòng báo hiếu và tri ân ông bà tổ tiên. Ngày nay, đồng bào Khmer Nam bộ tổ chức lễ Sene dolta (Cúng ông bà) chỉ trong ba ngày: Ngày Cúng tiếp đón, Ngày Cúng chính, Ngày Cúng tiễn theo phong tục cổ truyền.
Ngoài một số lễ hội trên, người Khmer Nam Bộ còn rất nhiều lễ hội khác diễn ra trong năm như Lễ giỗ (Bon Khuôp), Lễ tang ma (Bon Sop)…. Trong các lễ hội, các chùa trong phum sóc đều có tổ chức những trò chơi dân gian (leo cột mỡ, đua ghe ngo,…) và các trò múa hát góp vui cho người dân tham gia lễ hội.
Tín ngưỡng – Tôn giáo: Hầu hết người Khmer đều theo Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Tiều thừa. Người Khmer rất trọng sư và xem việc xây chùa, làm phước cúng dường là việc lớn trong cuộc sống tại kiếp sống này của họ.
Ở người Khmer Nam bộ đến nay vẫn còn tồn tại một loại tín ngưỡng khá phổ biến là Neck tà - thần bảo hộ cho công xã của người Khmer mà điển hình là Neck tà chủ xóm, chủ xứ hay những người có công dũng cảm chiến đấu, bảo vệ công xã cho đến khi Bà La Môn giáo và tiếp theo là Phật giáo du nhập vào vùng này thì Neck tà lại đồng hoá và dân gian hóa một số vị thần trong Bà La Môn giáo thành thần bảo hộ công xã. Và, khi Phật giáo Tiểu thừa với các định chế tu trì ràng buộc đã trở thành tôn giáo chính thống chi phối đời sống tâm linh của người dân Khmer, tín ngưỡng Neck tà mặc dù đã yếu thế nhưng vẫn được duy trì sự hiện diện của mình trong khuôn viên chùa với hình ảnh Neck tà Wat (neck tà chùa). Khi đến các sóc của người Khmer vùng ĐBSCL, chúng ta bắt gặp rất nhiều thala (ngôi nhà nhỏ dựng ở ngã ba đường để mọi người nghỉ ngơi và tránh mưa, nắng), ở đây thường có miếu cúng Neck tà.
Văn nghệ truyền thống: Trên cơ sở kế thừa những yếu tố văn hóa cổ rực rỡ, văn hóa Khmer có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa của người Kinh và người Hoa cùng định cư trên vùng đất này. Nền văn học nghệ thuật của người Khmer Nam Bộ rất phong phú, đa dạng, nó thể hiện một cách duyên dáng nhưng tình cảm tế nhị, những khía cạnh thâm thúy của cuộc sống, tính vô tư, dí dỏm và yêu đời. Với thể loại dân gian, khi người dân ước muốn một điều gì quá khả năng của mình thì họ thường cầu xin Phật trời độ trì, giúp đỡ. Nên, tín ngưỡng Phật giáo đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng văn học dân gian của người Khmer Nam Bộ.
Nghệ thuật sân khấu bao gồm: Sân khấu cổ điển Rôbăm và kịch hát Dù kê. Ở sân khấu Rôbăm với nghệ thuật tổng hợp: Múa, hát, nói, kịch câm, mặt nạ… Trong nội dung vở diễn của Rôbăm đều có sự tham gia của các thần linh và đa số đều được cấu trúc theo hai tuyến nhân vật biểu hiện cho hai loại người trong xã hội thiện và ác, chánh và tà. Sân khấu Dù kê là một loại hình ca nhạc kịch truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Dù kê xuất hiện trong xã hội Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của nền kinh tế tư bản phương Tây. Câu chuyện trên sân khấu Dù kê là những câu chuyện dân gian, thần thoại của dân tộc Khmer và các dân tộc khác,
thậm chí là của nước ngoài. Nhưng bao giờ các tuồng tích ấy cũng xoay quanh chủ đề “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”.
Nghệ thuật thủ công và làng nghề truyền thống: Làng nghề truyền thống: người dân Khmer có hoạt động kinh tế chủ yếu từ nông nghiệp, thời gian nông nhàn họ còn thực hiện các công việc phụ thêm: dệt chiếu, làm bánh, làm khô,… Cùng với sự biến chuyển của nền kinh tế - xã hội, những nghề phụ nay đã thành nghề chính, nay dần trở thành những làng nghề truyền thống mang lại lợi ích kinh tế cho người dân cũng như sản phẩm du lịch văn hóa của vùng đồng bào Khmer đông nhất nhì vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
1.3.4. Hoạt động phát triển du lịch văn hóa Khmer Nam bộ
Sóc Trăng và Trà Vinh là hai địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, việc phát triển du lịch từ tài nguyên du lịch văn hóa Khmer thì tỉnh Trà Vinh chưa làm được điều này. Cả nước ta và phần lớn du khách nước ngoài tìm đến văn hóa Khmer Nam bộ chỉ tại tỉnh Sóc Trăng với các điểm du lịch như: chùa Kh’leang, chùa Chén Kiểu, đặc biệt là Chùa Dơi. Hoạt động du lịch của du khách chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan kiến trúc các chùa Khmer tại Sóc Trăng. Trong khi, như tác giả đã đề cập ở trên thì tài nguyên văn hóa Khmer còn rất nhiều và hầu hết các yếu tố ấy đều có tiềm năng về du lịch rất lớn.
Trong quá trình khảo sát và làm việc tại các điểm tài nguyên văn hóa Khmer tại Trà Vinh và Sóc Trăng, tác giả hoàn toàn tin tưởng vào khả năng phát triển du lịch của các yếu tố văn hóa Khmer trong thời gian sắp tới. Thứ nhất, tiềm năng sẵn có nhưng chưa được khai thác đúng mức. Thứ hai, nguồn nhân lực am hiểu về văn hóa Khmer sẵn có từ cả hai địa phương. Thứ ba, phát triển du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có và tính đặc thù của địa phương đang là mục tiêu chung của ngành du lịch Việt Nam. Thứ tư, chính quyền địa phương đã và đang có những bước chuyển mình đầu tư kích cầu cho du lịch tỉnh nhà. Thứ năm, cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ hỗ trợ đang được các đơn vị liên kết đầu tư phát triển. Việc còn lại của địa phương là xây dựng chiến lược kinh doanh và phát triển du lịch tỉnh nhà theo định hướng du lịch văn hóa Khmer Nam bộ.