Môi trường du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Nghiên cứu tiềm năng du lịch văn hóa Khmer Nam bộ tại Trà Vinh (Trang 46 - 47)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Môi trường du lịch

Các điểm tài nguyên văn hóa Khmer vẫn chưa được khai thác và phát triển thành điểm tham quan du lịch hoàn chỉnh nên gây khó khăn cho các đơn vị lữ hành trong công tác thiết kế và tổ chức tour. Hiện trạng đường giao thông nông thôn nhỏ hẹp và chất lượng thấp gây hạn chế cho việc đưa đoàn khách đến tham quan. Đặc biệt khách khó vào tham quan ở các làng nghề, đường nông thôn nhỏ hẹp nên chỉ thích hợp cho khách “tây ba lô” đi xe đạp hoặc đi bộ quanh làng.

Cơ sở lưu trú đặc biệt là lưu trú với hình thức homestay vẫn còn thiếu rất nhiều.Tỉnh chủ trương làm du lịch cộng đồng homestay nhưng đến nay chỉ có 2 mô hình homestay được đưa vào hoạt động đón khách trên địa bàn tỉnh: Sươn sia homestay (huyện Cầu Kè) của gia đình Khmer có 5 phòng, đón tối đa 12 – 15 khách lưu trú qua đêm. Homestay Mekong (huyện Càng Long) của hộ gia đình người Hoa với 3 bungalow, đón tối đa 6 –10 khách qua đêm. Hai hộ dân này được công ty du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cấp vốn, làm chủ đầu tư và điều hành. Người thân trong gia đình đóng vai trò là chủ nhà, người phục vụ và đối tượng tham quan của khách du lịch.

Hoạt động du lịch vẫn chưa được thực hiện tại các điểm tham quan, du khách tìm đến chủ yếu là tự do tham quan, tìm hiểu mà không nhận được thêm thông tin văn hóa nào từ điểm đến và người dân địa phương. Ví dụ, tại chùa Âng, khách đến tham quan tự do, chụp ảnh lưu niệm; khi muốn biết thông tin về chùa họ hoàn toàn

không biết sẽ hỏi ai và tìm kiếm thông tin ở đâu do không có thuyết minh tại điểm, sư “không rành” tiếng Việt và không có kỹ năng giao tiếp khách du lịch.

Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Trà Vinh có 11 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Các doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường khách Trà Vinh, đưa họ đến tham quan các điểm du lịch ngoài tỉnh là chủ yếu. Việc nhận khách và tổ chức tour tham quan Trà Vinh rất hiếm, hoặc chỉ một vài tour liên kết điểm như: tour Thành phố Hồ Chí Minh – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng – Cà Mau. Trà Vinh đóng vai trò là một điểm dừng chân, một điểm tham quan phụ trên tuyến đường di chuyển trong tour. Các công ty lữ hành vẫn còn bỏ ngõ trong việc đầu tư xây dựng tuyến điểm du lịch của Trà Vinh, họ chỉ cung cấp những tour tham quan theo yêu cầu của người dân Trà Vinh nên hình thức kinh doanh nhận khách tham quan không phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do các doanh nghiệp lữ hành ở Trà Vinh có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính không nhiều, nguồn nhân lực nội tại vẫn còn mỏng. Do đó, các doanh nghiệp tập trung kinh doanh những tour sẵn có, hơn là khai thác sản phẩm mới vốn có nhiều thử thách và rủi ro.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Nghiên cứu tiềm năng du lịch văn hóa Khmer Nam bộ tại Trà Vinh (Trang 46 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)