5. Phương pháp nghiên cứu
2.3.2. Nguồn nhân lực (năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn, tâm huyết với nghề )
nghề)
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến cuối năm 2016, nhân lực làm việc trong ngành Du lịch của tỉnh Trà Vinh là 1085 người, gồm: nhóm lưu trú 601 người (trong 114 cơ sở lưu trú du lịch), nhóm lữ hành 167 người (trong 10 đơn vị lữ hành), nhóm dịch vụ hỗ trợ 300 người (trong các khu du lịch, vui chơi giải trí), nhóm sự nghiệp 11 người, nhóm quản lý Nhà nước về du lịch 06 người.
Ở cấp tỉnh, Phòng Nghiệp vụ Du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập từ năm 2006 đến nay có 05 công chức quản lý các hoạt động trong lĩnh vực du lịch tất cả đều có nghiệp vụ về du lịch. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch với 10 viên chức trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đi vào hoạt động vào đầu năm 2012, với chức năng chính là xúc tiến, quảng bá và kêu gọi các nhà đầu tư vào du lịch Trà Vinh. Cấp huyện, cán bộ quản lý du lịch chủ yếu là phân công 01 cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin phụ trách kiêm nhiệm, rất ít người có trình độ chuyên môn về du lịch dù đa số có trình độ đại học.
Nguồn nhân lực tại doanh nghiệp lữ hành hầu hết được đào tạo về chuyên môn du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khoảng thời gian làm việc tại các đơn vị lữ hành, họ về lại Trà Vinh và thành lập doanh nghiệp tại tỉnh nhà. Ngoài người đứng đầu doanh nghiệp có chuyên môn về du lịch, các nhân viên có thêm nhiều chuyên ngành không chuyên về lữ hành như: kế toán, công nghệ thông tin, ngoại ngữ,… Thực tế này gây cho các doanh nghiệp hạn chế về mặt sáng tạo và tìm tòi sáng phẩm lữ hành mới, thiếu sự linh hoạt trong công tác bán và quảng bá sản phẩm của đơn vị mình.
Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ mang nhiều đặc tính khác biệt như, tính thời vụ, yếu tố giới tính và sức khỏe, yếu tố chuyên môn hóa, yêu cầu cao về kiến thức. Chính vì vậy người lao động hoạt động trong ngành du lịch luôn trong tâm thế sẵn sàng đối diện với thử thách: tài chính không ổn định, sự đào thải và thu nhận của môi trường du lịch gây gắt, ý thức tự nâng cao năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp. Tất cả các yếu tố trên ảnh hưởng rất lớn đến quyết tâm theo nghề và làm nghề của lực lượng lao động trẻ, vốn không nhiều trải nghiệm, chưa hiểu rõ về nghề nghiệp và kiên định đam mê với du lịch.
2.3.3. Yếu tố Văn hóa cộng đồng
Người Khmer có tính cách ôn hòa, giản dị, sống dựa vào thiên nhiên và tính cộng đồng cao. Từ những chất liệu ấy làm nên con người Khmer hồn hậu, dễ mến. Tộc người Khmer sống bao đời với nền kinh tế lúa nước, chăn nuôi gia súc gia cầm vì thế việc kinh doanh là công việc khá xa lạ với họ. Điều này gây khó khăn cho việc thuyết phục người dân Khmer tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch.
Người dân Khmer sử dụng tiếng Khmer là chủ yếu, số ít người có thể nói được tiếng Việt. Mặc dù đã có sự cộng cư lâu dài với người Kinh và người Hoa nhưng một số ít vùng, các gia đình vẫn chưa quen với việc sử dụng tiếng nói và chữ viết tiếng Việt để giao tiếp và làm việc. Tất nhiên, việc này cũng bị ảnh hưởng bởi trình độ dân trí của người Khmer, điều này khiến cho việc tiếp cận với công tác đón tiếp khách và cùng làm du lịch là một vấn đề khó trong chính sách phát triển du lịch của địa phương.
2.3.4. Chính sách du lịch
Chính quyền địa phương có sự quan tâm đến sự phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch dựa vào tài nguyên sẵn có: văn hóa Khmer Nam bộ. Tuy nhiên, từ văn bản chỉ đạo để đến hành động thực tiễn còn gặp nhiều thách thức. Thứ nhất, về chính sách mời gọi đầu tư theo mục tiêu “xã hội hóa phát triển du lịch”, làm thế nào để nhà đầu tư quan tâm và đầu tư vốn cho du lịch Trà Vinh nói chung và du lịch văn hóa Khmer Nam bộ nói riêng. Vấn đề mà các nhà đầu tư và người dân Trà Vinh quan tâm không kém đó chính là làm thế nào để cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư – chủ thể văn hóa Khmer –chính quyền địa phương và người dân bản địa.
Thứ hai, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đang thiếu trầm trọng về cả chất và lượng do nhiều yếu tố. Trà Vinh là một tỉnh đi lên từ nền nông nghiệp lúa nước, nên trình độ dân trí và kiến thức về du lịch còn thấp, họ không cho con cháu mình làm du lịch. Mặc khác, người dân Khmer quen với ruộng đồng, việc làm du lịch đối với họ rất xa lạ và hoàn toàn khó khăn do họ có quan niệm học cho biết con chữ rồi đi làm kiếm tiền. Vì vậy, lực lượng thuyết minh viên tại địa phương là người Khmer rất hiếm, đa phần là người Kinh. Để thay đổi suy nghĩ và tập quán chọn nghề của người dân là một quá trình lâu dài, chính sách khuyến khích và đãi ngộ nhân tài trong ngành du lịch cũng là một quyết sách tốt cho việc đồng bộ hóa nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Trà Vinh trong tương lai.
Thứ ba, làm du lịch dựa vào tiềm năng văn hóa Khmer Nam bộ là một hoạt động không khó nhưng cần sự hỗ trợ đồng lòng từ nhiều ngành, nhiều cấp. Kinh doanh du lịch để không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc là một việc làm không dễ, nhưng hiện tại các nhà làm du lịch từ Nhà nước đến địa phương vẫn chưa có một lộ trình cụ thể và thực tế cho đối tượng du lịch “văn hóa Khmer Nam bộ” tại Trà Vinh.