Bắt đầu với nghiên cứu của Mengistu (2009), tác giả đã đánh giá tác động của nguồn vốn con người và vật chất đối với sự thay đổi cơ cấu ở Tiểu vùng Sahara Châu Phi (SSA) và Đông Á từ năm 1975-2004. Sử dụng ước tính bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS) cho 30 năm của 41 quốc gia, kết quả cho thấy đầu tư trong nước và vốn con người là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự đa dạng hóa ở cả hai khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả của FDI là không đáng kể trong khu vực SSA, điều này có vẻ như ngụ ý rằng FDI vào SSA thấp hơn ngưỡng yêu cầu để tạo ra một quá trình thay đổi cơ cấu.
McMillan và Rodick (2011) sử dụng dữ liệu từ 38 quốc gia trong đó có 29 nước đang phát triển và 9 nước có mức thu nhập cao từ năm 1990 đến năm 2005. Các yếu tố được đưa vào để xem xét sự thay đổi cơ cấu bao gồm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, đây là yếu tố đại diện cho khoảng cách cơ cấu ban đầu trong thời xem xét bởi khoảng cách cơ cấu càng lớn thì cơ hội cho CDCC diễn ra càng cao; tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô, đây được xem như là một chỉ số về lợi thế cạnh tranh, chỉ số đánh giá thấp, chỉ số linh hoạt của thị trường lao động và biến giả xem xét đối với các nước có thu nhập cao. Từ kết quả ước lượng với dữ liệu mảng cho thấy trong các yếu tố trên thì chỉ có tỷ trọng lao động nông nghiệp và chỉ số đánh giá thấp là tác động thúc đẩy thay đổi cơ cấu, các yếu tố còn lại kìm chế mức độ thay đổi cơ cấu. Các quốc gia chuyên về các sản phẩm thô là bất lợi rõ rệt cho CDCC thể hiện ở chỉ số của biến
tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô là âm và rất có ý nghĩa thống kê. Đối với các nước có thu nhập cao thì mức độ thay đổi cơ cấu diễn ra chậm hơn.
Dabla-Norris và cộng sự (2013) đưa ra các đặc tính thực nghiệm về quá trình chuyển đổi cơ cấu trên thế giới và phân tích thực nghiệm các yếu tố quyết định của nó bằng cách sử dụng dữ liệu về giá trị gia tăng thực theo khu vực kinh tế (nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ) cho một bảng gồm 168 quốc gia trong giai đoạn 1970-2010. Phân tích cho thấy sự khác biệt lớn trong tỷ trọng ngành ở cả trong và ngoài các khu vực cũng như với các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế tương tự. Sử dụng các phương pháp hồi quy dữ liệu mảng, nghiên cứu cho thấy một tỷ lệ lớn các biến động trong các tỷ trọng ngành có thể được tính theo các đặc trưng của quốc gia, như GDP thực trên đầu người, cấu trúc nhân khẩu học, và quy mô dân số. Họ cũng nhận thấy rằng các chính sách và các biến số thể chế, như cải cách thị trường sản phẩm, mở cửa thương mại, vốn con người và vật chất, và tài chính cải thiện khả năng của mô hình cơ bản để tính đến sự thay đổi trong tỷ trọng ngành giữa các quốc gia.
Behera và Tiwari (2015) xem xét quá trình CDCC ở Ấn Độ giai đoạn 1983-2010. Các tác giả nghiên cứu chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp và từ khu vực nông thôn sang thành thị thông qua hai mô hình kinh tế lượng. Mức độ đô thị hóa mà đại diện là tỷ trọng dân số thành thị, tỷ trọng GDP khu vực phi nông nghiệp, đầu tư khu vực phi nông nghiệp, tỷ lệ vốn trên lao động khu vực phi nông nghiệp, tỷ trọng lao động phi tổ chức trong khu vực phi nông nghiệp, sự khác biệt lương thực tế giữa thành thị và nông thôn, nguồn vốn con người là các biến độc lập được xét đến trong mô hình. Kết quả hồi quy cho thấy các yếu tố trên đều tác động đến CDCC một cách có ý nghĩa, trong đó tỷ trọng dân số thành thị và tỷ lệ vốn trên lao động khu vực phi nông nghiệp làm chậm quá trình CDCC, các yếu tố khác là tác động tích cực.
Dưới một góc nhìn khác, Sen (2016) phân tích quá trình CDCC bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của chính phủ và can thiệp của thị trường. Sự can thiệp của chính phủ bao hàm các yếu tố về chính sách lao động, các quy tắc về lao động, chính sách di cư, chính sách đất đai, các quy định về thị trường sản phẩm. Và sự can thiệp của thị trường là các vấn đề điều phối trong đầu tư, tính không hoàn hảo của thị trường tín dụng, sự hình thành nguồn vốn con người. Theo tác giả, sự can thiệp của chính phủ có thể ảnh hưởng đến cả cầu lao động từ các khu vực có năng suất cao và cung lao động từ các khu vực có năng suất thấp. Các chính sách ràng buộc sự tăng trưởng của các ngành có năng suất cao chẳng hạn như các quy định về thị trường sản phẩm và lao động có thể có tác động tiêu cực đến cầu lao động trong các ngành có năng suất cao. Các chính sách ảnh hưởng đến việc di chuyển của lao động từ các khu vực năng suất thấp sang
năng suất cao như cải cách ruộng đất và chính sách di cư sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lao động từ các khu vực có năng suất thấp.
Tương tự, can thiệp của thị trường cũng có thể ảnh hưởng đến cầu từ các khu vực có năng suất cao và nguồn cung lao động từ các khu vực có năng suất thấp. Sự can thiệp của thị trường như các vấn đề phối hợp trong đầu tư làm giảm sự phát triển của ngành sản xuất có ảnh hưởng tiêu cực đến cầu lao động trong các ngành có năng suất cao. Sự không hoàn hảo của thị trường tín dụng không cho phép những đối tượng vay tiềm năng trong các ngành có năng suất cao có thể tiếp cận với các khoản vay có lãi suất hợp lý cũng có thể dẫn đến mức đầu tư vào các ngành có năng suất cao thấp hơn mong muốn về mặt xã hội, dẫn đến hạn chế cầu lao động trong các ngành này. Về cung lao động, can thiệp của thị trường trong việc hình thành nguồn nhân lực với kỹ năng và trình độ học vấn thấp trong lực lượng lao động sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp lao động có kỹ năng cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng.
Tiếp cận một cách khá chi tiết bằng việc phân chia các yếu tố tác động lên CDCC thành 4 nhóm chính bao gồm nhóm kinh tế, nhóm xã hội, nhóm môi trường và nhóm thể chế. Một số biến trong các nhóm được Armah và Beak (2016) thu thập thông qua số liệu thứ cấp, những biến còn lại được rút ra từ phương pháp sử dụng các phân tích nhân tố. Trong nhóm kinh tế, các biến biến được đưa vào là tăng trưởng kinh tế, đầu tư, nền kinh tế xanh (đại diện là tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo trên GDP). Nhóm xã hội gồm mức độ sử dụng năng lượng thô, tỷ lệ thất nghiệp, các tiện nghi về vệ sinh môi trường (phần trăm dân số được tiếp cận điều kiện vệ sinh môi trường đảm bảo), chất lượng cuộc sống, sức khỏe người mẹ. Nhóm môi trường bao gồm mức thay đổi khí hậu, diện tích đất nông nghiệp, diện tích rừng, nguồn nước. Và nhóm thể chế gồm tính ổn định của chính phủ, điều kiện kinh tế xã hội, mức độ tham nhũng, tính chất dân chủ. Khi xem xét tất cả các biến trên trong một mô hình dữ liệu mảng, kết quả cho thấy hầu hết các biến đều có tác động đến CDCC ngoại trừ biến tỷ lệ thất nghiệp, diện tích rừng, chất lượng cuộc sống.
Martins (2018) đã nghiên cứu sự CDCCLĐ của 169 quốc gia giai đoạn 1991- 2013 dưới tác động của các yếu tố như các điều kiện ban đầu đại diện bởi phần trăm lao động nông nghiệp, mức độ ổn định vĩ mô, thương mại và tỷ giá, tín dụng nội địa khu vực tư nhân, vốn vật chất, vốn con người và yếu tố đại diện cho thể chế. Sự phân bổ lại rộng rãi lao động từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ là động lực chính của chuyển dịch cơ cấu. Các tác giả tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng tốc độ thay đổi cơ cấu được định hình đáng kể bởi vốn nhân lực và vốn vật chất. Hàm ý của chính sách là đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng kinh tế là rất quan trọng để đẩy nhanh sự thay đổi cơ cấu.
Pineli & cộng sự (2019) sử dụng mẫu của các nước đang phát triển, thông qua ước lượng mô hình dữ liệu bảng họ đã cung cấp các bằng chứng cho tác động của các yếu tố đến CDCCLĐ như GDP bình quân đầu người, FDI, vốn đầu tư trong nước, vốn con người, tín dụng khu vực tư nhân, độ mở thương mại, mức độ kiểm soát tham nhũng. Trong đó, chỉ có yếu tố tham nhũng là tác động tiêu cực đến quá trình CDCCLĐ, các yếu tố còn lại đều có tác động tích cực. Sử dụng các biến giải thích tương tự như của Pineli & cộng sự (2019) nhưng Ssozi & Bbaale (2019) lại nghiên cứu cho 29 quốc gia thuộc khu vực hạ Saharan châu Phi giai đoạn 2000-2015. Ngoài ra, các tác giả này còn bổ sung biến trễ của biến phụ thuộc để có được mô hình dữ liệu bảng động và kiểm soát tác động phi tuyến của GDP bình quân. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự dịch chuyển lao động chủ yếu theo hướng từ nông nghiệp sang dịch vụ và nó nhận được tác động tích cực từ các yếu tố xem xét ngoại trừ vốn FDI, lý do được các tác giả giải thích bởi dòng vốn FDI chảy vào các quốc gia này hầu hết là vào khu vực khai thác khoáng sản.