Xu hướng chuyển dịch

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động tại việt nam NCKH (Trang 42 - 46)

QUÁ TRÌNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986 –

3.1.1.Xu hướng chuyển dịch

Hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển dài hạn và bền vững. Kể từ sau thời kỳ Đổi mới, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Từ một quốc gia với đại đa số người dân sống ở nông thôn, chuyên làm nghề nông, trình độ phát triển thấp, Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao, luôn được xếp trong nhóm đầu của thế giới, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, thu nhập bình quân đầu người tăng lên giúp cho nước ta chủ động hơn trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế cũng như cơ cấu lao động của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và ngày càng có sự biến đổi rõ rệt dưới sự quản lý kinh tế của Nhà nước. Việt Nam là nước có quy mô dân số lớn, tháp dân số tương đối trẻ và đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với nguồn nhân lực dồi dào nhất từ trước đến nay, đây là một nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu.

Tăng trưởng và phát triển kinh tế thường đi liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế lẫn cơ cấu lao động. Cả hai cơ cấu này đều có chung hình thái dịch chuyển, đó là giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp và tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Dưới đây là phân tích xu hướng chuyển dịch GDP theo khu vực kinh tế và xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động theo khu vực tại Việt Nam trong giai đoạn 1986-2020. Hình 3.1 thể hiện CDCC ngành, trong khi Hình 3.2 là CDCC lao động.

Hình 3.1 Tỷ trọng GDP giữa các khu vực giai đoạn 1986-2020

Nguồn: Thực hiện bởi các tác giả từ số liệu của GSO

Hình 3.2 Tỷ trọng lao động giữa các khu vực giai đoạn 1986-2020

Nguồn: Thực hiện bởi các tác giả từ số liệu của GSO

Từ hình 3.1 và hình 3.2 có thể thấy xu hướng chuyển dịch trong cơ cấu lao động diễn ra “trơn tru” và mạnh mẽ hơn so với chuyển dịch trong cơ cấu GDP. Quá trình CDCC ở mỗi giai đoạn luôn gắn với định hướng phát triển phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội ở thời kỳ đó nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt và tạo nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển lâu dài.

Giai đoạn 1986-2000

Giai đoạn 1986-1992 là thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới. Nhà nước Việt Nam bắt đầu có một số thay đổi trong chính sách quản lý kinh tế, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa. Một trong những thành tựu kinh tế to lớn của thời kỳ đổi mới là phát triển sản xuất nông nghiệp, tỷ trong GDP nông nghiệp năm 1986 là 38,1%, tiếp đến là khu vực công nghiệp và dịch vụ tương ứng là 28,9% và 33,1%. Ngành nông nghiệp đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Nhưng đây cũng là giai đoạn vô cùng khó khăn đối nền kinh tế nước ta bởi tình trạng lạm phát lên gần đến mức 500% năm 1986 đã phần nào ảnh hưởng đến những năm sau đó. Đến năm 2000, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 24,53% GDP, giảm 13,53% so với năm 1986; khu vực công nghiệp chiếm 36,73%, tăng 7,85%; khu vực dịch vụ chiếm 38,7%, tăng 5,6% so với năm 1986. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế là đúng hướng và phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể thấy ngành sản xuất công nghiệp đi dần vào thế phát triển ổn định với tốc độ tăng bình quân mỗi năm trong thời kỳ 1986-2000. Khu vực dịch vụ giai đoạn 1991-1995 có mức tăng trưởng khá nhanh, giai đoạn 1996-2000 tốc độ tăng chậm lại. Năm 2000 luật Doanh nghiệp Việt Nam được áp dụng đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất hiện trên thị trường kinh tế, điều này đã góp phần tạo việc làm cho người lao động cũng như góp phần thúc đẩy CDCCLĐ. Giai đoạn 1991-1995, ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá nhanh, đạt 8,6%; Giai đoạn 1996-2000 tốc độ tuy đã chậm lại song vẫn góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động.

Giai đoạn 2001-2010

Giai đoạn 2001-2005 Việt Nam lần đầu tiên thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm theo nghị quyết Đại hội IX của Đảng và đã thực hiện thành công. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 2001 GDP khu vực nông nghiệp giai đoạn này có xu hướng giảm, giảm từ 24,5% năm 2000 xuống còn 19,3% năm 2005cho thấy kết cấu hạ tầng đã được đầu tư nhiều hơn, đời sống nông dân, kể cả ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, có bước được cải thiện. Khu vực công nghiệp chiếm 38,1%, tăng 9,3% so với năm 2004, công nghiệp có bước chuyển biến tích cực về cơ cấu sản xuất, chất lượng sản phẩm ngày càng hiệu quả và sức cạnh tranh. Dịch vụ có bước phát triển cả về quy mô, ngành nghề, thị trường và có tiến bộ về hiệu quả với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, tỷ trọng GDP ở khu vực này tăng 42,6% ở năm 2005. Giai đoạn 2006-2010 nền kinh tế nước ta đã vượt qua một giai đoạn phát triển với nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Chứng tỏ xu thế tiến bộ, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cơ cấu lao động đã có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp giảm từ 60,3% năm 2000 xuống còn 55,1% năm 2005; tỷ trọng khu vực công nghiệp trong tổng số lao động xã hội tăng từ 14,5% năm 2000 lên 17,6% năm 2005; lao động trong khu vực dịch vụ tăng từ 25,1% lên 27,3%. Có thể thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2001- 2005 đã làm dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các khu công nghiệp, dịch vụ. Tỷ trọng GDP cho khu vực nông nghiệp thấp nhưng lại là nơi sử dụng nhiều lao động, lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Tổng lao động khu vực nông nghiệp năm 2010 là 24279 người gấp đôi số lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nhìn vào Hình 2.2 có thể thấy sự vượt trội rõ nét của tỷ trọng lao động nông nghiệp so với hai khu vực còn lại.

Giai đoạn 2011-2020

Giai đoạn này có tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ cao hơn so với giai đoạn 2001- 2010, tiếp đến là khu vực công nghiệp, cuối cùng là khu vực dịch vụ. Tỷ trọng GDP khu vực nông nghiệp giảm từ 19,6% năm 2011 xuống còn 14% năm 2019; tương tự khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 32,2%, 36,7% năm 2011 đến 34,5%, 41,6% năm 2019. Cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã thực sự tăng trưởng theo chiều hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng kinh tế khu vực công nghệp, dịch vụ cao đã thu hút một lượng lớn lao động sang hai ngành này. Từ đó lực lượng lao động có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ; chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao hơn để tìm kiếm việc

làm, tăng thu nhập. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động cả nước giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 32,8% năm 2020; tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp tăng từ 21,3% lên 30,9%; ngành dịch vụ từ 30,3% lên khoảng 36,3% trong cùng giai đoạn. Khu vực công nghiệp tạo một lượng lớn công việc và đòi hỏi người lao động có trình độ tay nghề hoặc cho người lao động phổ thông, tương tự khu vực dịch vụ thường là những ngành đơn giản, dịch vụ tự do nên người lao động có xu hướng rời khỏi nông thôn ra thành thị tìm việc làm vì họ vừa có thể được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, hoặc kiếm lợi nhuận cho hoạt động dịch vụ tự do.

Đặc biệt, năm 2020 có sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, y tế, giáo dục… Dịch covid-19 làm ảnh hưởng đến lao động, gây thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế và làm giảm thu nhập cho người lao động. Mặc dù gây ra tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến CDCCLĐ ở Việt Nam. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 14,9 %; khu vực công chiếm 33,7%; khu vực dịch vụ chiếm 41,6 %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,8 % (Cơ cấu tương ứng của năm 2019 là: 14,0%; 34,5%, 41,6%, 9,9%). Nhưng với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đang được khôi phục; tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực.

Cơ cấu lao động giai đoạn 2011-2020 khu vực nông nghiệp có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn và lao động có sự dịch chuyển sang khu vực dịch vụ nhiều hơn khu vực công nghiệp. Tuy chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp có xu hướng giảm dần và diễn ra khá nhanh nhưng lao động trong khu vực này vẫn lớn, từ 73,9% năm 1986 giảm còn 32,8% năm 2020. Đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên thu nhập thấp, dẫn đến NSLĐ thấp, do đó lực lượng lao động bắt đầu dịch chuyển sang các khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao, với mong muốn có công việc và nguồn thu nhập ổn định.

Giai đoạn 1986-2020 có mức tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định giúp cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế đã tác động rất mạnh đến cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điều này thể hiện rõ quá trình CDCCLĐ từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. CDCCLĐ tạo cơ hội việc làm cho người lao động; người lao động có cơ hội được đào tạo, nâng cao kỹ thuật tay nghề, tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp, ngoài

ra góp phần xóa đói, giảm nghèo; tăng thu nhập cho người lao động, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động tại việt nam NCKH (Trang 42 - 46)