Có một số nghiên cứu đã được thực hiện về vấn đề CCLĐ, CDCCLĐ ở các địa phương và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Các nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của chuyển dịch cơ cấu lao động không những giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động mà còn góp phần làm tăng trưởng cho nền kinh tế,… Trong đó có hai cách tiếp cận CDCCLĐ được sử dụng chủ yếu bao gồm: phương pháp phân tích chuyển dịch tỷ trọng (Shilf Share Analysis - SSA); và phương pháp kinh tế lượng.
Phương pháp phân tích chuyển dịch tỷ trọng (SSA) đánh giá quá trình tăng năng suất lao động thông qua sự chuyển dịch cơ cấu ngành và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đây là phương pháp hiệu quả và được sử dụng phổ biến trong việc đánh giá chuyển dịch cơ cấu lên tăng trưởng.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu phân tích về chuyển dịch cơ cấu gần đây đều đưa ra bằng chứng cho thấy, vấn đề cải thiện về tốc độ NSLĐ có đóng góp nhiều từ chuyển dịch cơ cấu ngành. Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự (2007 và 2016) sử dụng phương pháp SSA để đánh giá đóng góp của dịch chuyển cơ cấu vào tăng trưởng NSLĐ Việt Nam giai đoạn 1991-1999 và 2001-2013. Kết quả cho thấy, sự đóng góp chuyển dịch cơ cấu ngành vào tốc độ NSLĐ chủ yếu nhờ vào vào chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp, và nhất là sang ngành chế biến chế tạo và dịch vụ. Sự mở rộng của khu vực chế biến, chế tạo thực sự thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu đầu tư và cơ cấu lao động giữa các ngành. Như vậy, sự phát triển của công nghiệp,
đã kéo theo sự di chuyển lao động nguồn lực sang ngành có NSLĐ cao hơn nông nghiệp và tác động làm tăng NSLĐ tổng thể.
Các tác giả Võ Xuân Tiến & Đào Hữu Hòa (2003), đã phân tích thực trạng cơ cấu lao động tại thành phố Đà Nẵng thông qua các chỉ tiêu CCLĐ theo ngành, CCLĐ theo khu vực, CCLĐ theo thành phần kinh tế,... Các tác giả cho rằng để hoạt động CDCCLĐ tiếp tục xảy ra thì cần phát triển mạnh các khu công nghiệp, đẩy mảnh hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức công tác dạy nghề cho người lao động. Tuy nhiên các tác giả chưa đề cập đến việc đẩy mạnh chuyển dịch CCLĐ phải gắn với công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, phát triển các nguồn lực đầu vào và các loại thị trường trong nền kinh tế.
Trần Minh Ngọc (2003) đã phân tích thực trạng chuyển dịch CCLĐ trong ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ ởViệt Nam. Tác giả đã chỉ ra một số nguyên nhân làm thay đổi CCLĐ giữa các ngành, các khu vực tại Việt Nam: tình hình thị trường lao động ngành công nghiệp và xây dựng phát triển rất chậm, tăng trưởng công nghiệp và xây dựng gắn liền với việc thâm dụng vốn nhiều hơn là thâm dụng lao động, thêm vào đó là sự phát triển yếu kém của khu vực phi nông nghiệp ở nông thôn; chưa có chiến lược cơ cấu và đầu tư có hiệu quả; sự mất cân đối giữa các nguồn lực tài nguyên và nguồn lực lao động; chưa có định hướng phát triển công nghiệp một cách hợp lý, CN-KT trong hoạt động sản xuất còn lạc hậu...Chính vì thế, tác giả đề xuất phương hướng sắp tới cần có sự chuyển dịch trong đầu tư và sản lượng sang các hoạt động công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm mục tiêu thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong CDCCLĐ để phù hợp với sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Tác giả Phan Xuân Dũng (2004), đã đánh giá tình hình chuyển giao công nghệ của một số nước trên thế giới, đánh giá những kết quả ứng dụng KH-CN vào sản xuất ở Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2003, từ đó đề ra những giải pháp cho chuyển giao áp dụng công nghệ vào nước ta. Đặc biệt tác giả đã đưa ra hệ thống giải pháp về chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại từ hai góc độ: chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại từ nước ngoài vào Việt Nam; chuyển giao ngay từ khi nghiên cứu các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ Việt Nam vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Thị Lan Hương (2007), tác giả đánh giá về chất lượng lao động nông thôn thông qua trình độ học vấn và trình độ CN - KT của lao động nông thôn thời kỳ này. Tác giả đã chỉ ra rằng, CCLĐ nông thôn ở Việt Nam chưa có trình độ CN - KT và còn quá thiếu ở các ngành đào tạo có trình độ cao. Tác giả cũng chỉ ra thực trạng
chuyển dịch CCLĐ nông thôn theo 3 nhóm ngành chính, đây chính là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở nông thôn từ 1996-2005. Dự báo chuyển dịch CCLĐ nông thôn từ 2006-2015 cũng thông qua dự báo dân số nông thôn, dự báo cung lao động và xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm nông thôn. Đây là các công trình nghiên cứu dày công với nhiều bảng số liệu, có ý nghĩa và làm tiền đề cho việc nghiên cứu chuyển dịch CCLĐ theo ngành ở các địa phương cũng như cả nước.
Một nghiên cứu định lượng về các yếu tố tác động đến CDCCLĐ và vai trò của nó đối với tăng trưởng kinh tế là luận án tiến sĩ của Vũ Thị Thu Hương (2017). Trong nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng chỉ số MLI để đo lường CDCCLĐ trong nội bộ các ngành và các yếu tố xem xét tác động bao gồm: khác biệt thu nhập, vốn bình quân theo lao động, quy mô của ngành đo bởi tổng số lao động toàn ngành, giá trị xuất khẩu và biến đo lường chất lượng lao động. Kết quả ước tính từ dữ liệu bảng cho giai đoạn 2000-2014 của 60 tỉnh, thành trong cả nước cho thấy sự khác biệt thu nhập là một nguyên nhân kéo theo sự di chuyển lao động trong nội bộ ngành, tuy nhiên nếu sự khác biệt chạm đến một ngưỡng nào đó thì sẽ không còn thúc đẩy quá trình CDCCLĐ. Các yếu tố khác như cường độ vốn, quy mô ngành đều có ảnh hưởng kìm hãm sự phân bổ lại lao động giữa các ngành. Những ngành có quy mô càng lớn thì sự dịch chuyển lao động trong nội ngành diễn ra chậm hơn. Xuất khẩu và chất lượng lao động cũng là những yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến quá trình CDCC.
Gần đây nhất, Phạm Việt Bình (2020) với luận án tiến sĩ nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình CDCC trên địa bàn các tỉnh khu vực Duyên hải Trung bộ, sử dụng mô hình dữ liệu bảng tác giả đã cung cấp bằng chứng cho thấy những ảnh hưởng tích cực từ vốn đầu tư khu vực tư nhân và vốn FDI đến việc dịch chuyển của lao động sang ngành có năng suất cao hơn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cũng được cho là hỗ trợ tích cực cho CDCC. Trong khi đầu tư công được tìm thấy là có ảnh hưởng hạn chế đến CDCC. Bên cạnh đó, trình độ khoa học và công nghệ sẽ giúp cải thiện năng suất lao động và tác động hiệu quả đến quá trình CDCC.
Như vậy, có thể thấy chủ đề nghiên cứu về CDCCLĐ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Họ đã nghiên cứu trên phạm vi rộng bao gồm nhiều quốc gia trong các khu vực hay hẹp hơn là trong phạm vi của mỗi quốc gia. Các kết quả cho thấy sự đa dạng về các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình CDCC, nó phụ thuộc vào đặc điểm của các quốc gia hay quốc gia được xem xét trong mẫu nghiên cứu. Đối với ở Việt Nam, các nghiên cứu thường tập trung một địa phương hay một khu vực và các nghiên cứu trước đây thường sử dụng phương pháp phân tích thống kê để đưa ra các kết luận. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng dữ liệu bảng với khoảng thời gian dài hơn (từ năm 1999 đến 2018) và với phạm vi về
không gian rộng hơn (60 địa phương trong cả nước). Đây là những ưu điểm bên cạnh việc sử dụng phương pháp ước lượng phù hợp sẽ cung cấp các kết quả đáng tin cậy hơn.