hoàn toàn do lỗi của bên kia
Theo lẽ công bằng, khi một bên làm cho bên kia không thực hiện đúng hợp đồng thì đương nhiên họ không được viện dẫn việc không thực hiện đúng này để buộc bên kia chịu trách nhiệm. Như vậy khi hành vi của bên có quyền là nguyên nhân của việc không thực hiện đúng hợp đồng thì bên có nghĩa vụ được miễn trách nhiệm. Ví dụ: trong hợp đồng mua bán xi măng giữa công ty kinh doanh vật liệu xây dựng A và công ty xây dựng nhà ở B, các bên đã thoả thuận A giao hàng cho B vào quý I năm 2010. Thời điểm giao hàng cụ thể B sẽ thông báo cho A trước 10 ngày. Đến ngày 10/04, B mới thông báo thời điểm giao hàng cho A. Trong trường hợp này, A không giao hàng cho B vào quý I năm 2010 như thoả thuận. A đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng vì giao hàng không đúng thời hạn. Nhưng hành vi vi phạm của A hoàn toàn do lỗi của B đã không thông báo thời điểm giao hàng cho A nên A không phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
Theo hướng này, LTM đã quy định, bên vi phạm được miễn trách nhiệm khi “hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia”. Điều này có nghĩa là bên vi phạm nghĩa vụ có thể viện dẫn lỗi của bên có quyền để miễn trừ trách nhiệm của mình.
Việc miễn trách nhiệm trên còn được thể hiện trong một số điều luật liên quan đến một số hợp đồng cụ thể. Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 533 BLDS về hợp đồng vận chuyển, “bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và hành lí của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách”. Với các quy định trên thì bên không thực hiện đúng hợp đồng không phải chịu trách nhiệm khi việc không thực hiện đúng này hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.