a. Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ
Xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ da giày là giải pháp căn bản hiện nay, để giải quyết vấn đề xuất xứ. Hầu hết nguyên phụ liệu dùng để sản xuất da giày, chúng ta phải nhập khẩu từ nước ngoài, khoảng 60 – 70% là nhập khẩu từ Trung Quốc, các nước không thuộc nội khối TPP. Vì vậy để thỏa mãn được yêu cầu xuất xứ hàng hóa của TPP thì nhất thiết chúng ta phải nhập khẩu hàng hóa trong nội khối TPP, nhưng tốt nhất và lâu dài thì chúng ta nên tự cung ứng cho mình hay đầu tư cho ngành da giày theo chiều dọc, nghĩa là đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ da giày.
Ngành da giày - túi xách cũng đang nỗ lực để có thể hình thành hai khu công nghiệp thuộc da ở hai đầu đất nước và các cụm công nghiệp nhỏ tại các khu vực trọng điểm nhằm chủ động về nguồn nguyên phụ liệu và giúp nâng
cao chất lượng sản phẩm da giày, túi xách với mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa vật tư chiến lược như da thuộc, da tổng hợp, đế giày vượt mức tỉ lệ nội địa hóa 50% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.
b. Thay đổi phương thức sản xuất
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải thay đổi phương thức kinh doanh chuyển từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm), đồng thời chuẩn hóa và minh bạch các hoạt động kinh doanh. Ðặc biệt, các doanh nghiệp cần phải thông hiểu các nội dung và giải pháp để tận dụng tối đa lợi thế từ TPP, đặc biệt là các quy tắc và cách tính xuất xứ. Khi quy mô sản xuất tăng, sự phân bố các khu vực nhà máy sản xuất cũng tăng, đòi hỏi hệ thống hạ tầng nối các khu trung tâm thiết kế với khu vực sản xuất, trung tâm ICD (cảng nội địa), và cảng biển phải hoàn thiện. Những chính sách trong kêu gọi đầu tư vào da giày, túi xách với cả đối tác trong nước và nước ngoài đều phải quan tâm đến trình độ công nghệ, môi trường cho dự án đầu tư, bảo đảm dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ tốt, bền vững, lâu dài, tránh tình trạng dịch chuyển công nghệ cũ, lạc hậu về Việt Nam.
c. Nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại
Các DN trong ngành cần cải tiến mạnh hệ thống quản trị doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ quản lí hiện đại như hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP), sản xuất tinh gọn, quy trình cải thiện triệt để khả năng sinh ra lợi nhuận (6 Sigma)… giúp nâng cao hiệu suất lao động, đáp ứng nhanh và quản trị DN hiệu quả với chi phí thấp.
Đặc biệt, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành, công tác đào tạo và phát triển nguuồn nhân lực cũng sẽ được chú trọng thông qua việc xây dựng các chương trình đào tạo thiết thực tập trung vào các vị trí quan trọng như phát triển sản phẩm, công nghệ, điều hành chuỗi cung ứng, điều hành sản xuất và thành lập một trung tâm đào tạo tại phía Nam dựa trên mô hình đào tạo của một số DN lớn trong ngành như Teakwang, Pouchen, TBS group. Đồng thời, xây dựng hình ảnh ngành da giày - túi xách Việt Nam thân thiện với môi trường đáp ứng các yêu cầu về lao động phù hợp với tinh thần của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kí kết….
d. Bảo hộ sản xuất trong nước
Để bảo hộ sản xuất trong nước, Việt Nam cần sớm xây dựng một bộ tiêu chuẩn mới phù hợp để làm hàng rào kỹ thuật ngăn cản bớt dòng chảy ồ ạt của hàng ngoại nhập trong những năm tới, đảm bảo nguyên tắc công bằng, không
phân biệt đối xử và phù hợp với các quy định trong nước cũng như trên thế giới.