Theo Crouch (2007), năng lực cạnh tranh trong ngành du lịch chính là năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch vì sản phẩm du lịch có sự khác biệt rất lớn với các sản phẩm dịch vụ khác, trong đó sản phẩm du lịch bao giờ cũng gắn với một điểm đến du lịch cụ thể. Đó là sự kết hợp của đầu ra bao gồm các yếu tố của địa phương và do nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức cùng tham gia như doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, các tổ chức nghệ thuật, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng, tổ chức quản lý du lịch, đơn vị thuộc khu vực công cung ứng hàng hóa công cộng như đường sá, cơ sở hạ tầng hay cư dân địa phương và công chúng. Do đó, du khách muốn trải nghiệm và sử dụng sản phẩm du lịch thì cần phải đến thăm những điểm đến du lịch cụ thể.
Theo Ritchie và Crouch (2003), khách du lịch thường ra quyết định lựa chọn điểm đến du lịch khi căn cứ vào danh thắng, tiện ích và tiêu chuẩn dịch vụ,… của điểm đến du lịch mang lại. Lợi ích mà khách du lịch có được từ sản phẩm du lịch chính là sự hài lòng khi trải nghiệm trong quá trình nghỉ ngơi, vui chơi, thăm viếng… điểm đến du lịch vượt qua sự kỳ vọng mà họ mong đợi từ các điểm đến du lịch. Do đó, theo Buhalis (2000) thì cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch đến thăm quan tại các địa phương chính là cạnh tranh giữa các điểm đến du lịch với nhau.
Hiện nay, năng lực cạnh tranh điểm du lịch đến được tiếp cận với nhiều góc độ khác nhau: năng lực cạnh tranh cấp quốc gia, năng lực cạnh tranh địa phương và năng
lực cạnh tranh sản phẩm du lịch. Mỗi cách tiếp cận khác nhau sẽ dẫn đến các tiêu chí đánh giá khác nhau, yếu tố cấu thành khác nhau và nhân tố ảnh hưởng khác nhau.
Crouch và Ritchie (1999) cho rằng năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch chính là khả năng tạo ra giá trị gia tăng của điểm đến du lịch. Do đó, sẽ tăng thu nhập, của cải cho điểm đến du lịch thông qua việc quản lý tài sản và các quy trình cũng như sự lôi cuốn và hấp dẫn khách du lịch đến thăm quan điểm đến du lịch. Nâng cao khả năng tích hợp các mối quan trong một mô hình kinh tế - xã hội, từ đó cho phép khai thác và bảo tồn các nguồn vốn tự nhiên của điểm đến du lịch cho các thế hệ tương lai. Khái niệm này phù hợp với quan điểm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới khi nhận định năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch được xác định dựa trên lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội mà cộng đồng dân cư điểm đến du lịch có được. Cách tiếp cận này cũng rất phù hợp với quan điểm của Dwyer và Kim (2003) ở cấp quốc tế khi có thể so sánh giữa các quốc gia với nhau về lợi ích kinh tế do điểm đến du lịch mang lại khi họ cho rằng “năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch là khả năng của điểm đến du lịch trong việc đưa ra hàng hóa, dịch vụ tốt hơn các điểm đến du lịch khác theo những tiêu chí đánh giá được cho là quan trọng của du khách”.
D’Hartserre (2000) lại cho rằng “năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch là khả năng của điểm đến trong việc duy trì sức mạnh, thị phần trên thương trường và tăng chúng lên theo thời gian”. Trong khi đó, quan điểm của Hassan (2000) là “năng lực cạnh tranh của một điểm đến du lịch là khả năng của điểm đến du lịch trong việc tạo ra và tích hợp các sản phẩm có giá trị gia tăng, vừa giúp bảo tồn các tài nguyên trong khi vẫn duy trì sức hút thị trường so với các đối thủ cạnh tranh”. Dwyer và cộng sự (2000), đưa ra khái niệm về năng lực cạnh tranh điểm đến là “một khái niệm tổng thể bao gồm khả năng tạo khác biệt về giá, tỷ giá hối đoái, năng suất của các bộ phận trong ngành du lịch cũng như các yếu tố ảnh hưởng sự hấp dẫn của điểm đến du lịch”.
Theo Sutton (1992) thì cạnh tranh điểm đến du lịch có luôn có sự khác biệt đối với các hoạt động cạnh tranh trong các thị trường sản phẩm truyền thống. Bởi vì, mỗi điểm đến sẽ có sự khác biệt lớn về văn hóa, con người, phong tục tập quán, cảnh quan thiên nhiên, cơ sở vật chất….và chính điều này tạo ra sự khác biệt về đặc điểm của sản phẩm du lịch giữa các điểm đến du lịch. Có thể nhận thấy các điểm đến du lịch ở các địa phương châu Âu sẽ có sự khác biệt so với các điểm đến du lịch ở các địa phương châu Á. Hay ngay trong lãnh thổ một quốc gia, hay một khu vực
vùng miền thì sự khác biệt này vẫn có thể thấy rõ, ví dụ như cùng một quốc gia Việt Nam nhưng biển của miền Trung khác hẳn với du lịch biển của miền Bắc. Chính vì vậy, muốn phát triển đến du lịch thì cần coi các nguồn lực du lịch là cơ sở quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch đó.
Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch được Dwyer và Kim (2003) xác định bởi 3 nhóm yếu tố cơ bản là:
(1) Các lợi thế so sánh giúp điểm đến du lịch cạnh tranh về giá (2) Khả năng về chiến lược và quản trị điểm đến du lịch
(3) Tài nguyên du lịch: lịch sử, văn hóa, xã hội
Như vậy, năng lực cạnh tranh của điểm đến được hiểu là tập hợp các yếu tố nguồn lực (tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực tài chính, các cơ chế chính sách, thể chế và con người) nhằm phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả. Từ đó hình thành nên khả năng hấp dẫn, thu hút và thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch một cách tốt nhất. Cấu thành nên năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch có nhiều yếu tố khác nhau.