Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng tây bắc Việt Nam, nằm ở phía nam Bắc Bộ, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 73 km, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi đồi trùng điệp, hang động kỳ bí, sơn thủy hữu tình, khí hậu hài hòa, đa dạng về địa lý với nhiều kiểu địa hình từ đồng bằng đến núi cao,… tạo ra những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và hệ sinh thái hết sức phong phú. Hoà Bình là tỉnh miền núi, tiếp giáp với vùng đồng bằng sông Hồng, có nhiều tuyến đường bộ, đường thuỷ nối liền với các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, là cửa ngõ của vùng núi Tây Bắc, cách thủ đô Hà nội 73 km về phía Tây Nam. Phía Bắc Hoà Bình giáp Phú Thọ và Hà Nội, phía Nam giáp Ninh Bình và Thanh Hoá, phía Đông giáp Hà Nội và Hà Nam, phía Tây giáp Sơn La.
Địa hình tỉnh Hòa Bình chủ yếu là núi rừng, có nhiều núi cao (có 11 đỉnh núi cao từ 1.011 mét đến 1.373 mét), chia cắt phức tạp, xen kẽ giữa các sườn núi là các thung lũng hẹp, độ dốc lớn và theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, phân chia thành 2 vùng: vùng núi cao nằm về phía Tây Bắc có độ cao trung bình từ 600m - 700m, địa hình hiểm trở, diện tích 212.740 ha, chiếm 44.8% diện tích toàn vùng; vùng núi thấp nằm ở phía Đông Nam, diện tích 262.202 ha, chiếm 55.2% diện tích toàn tỉnh, địa hình gồm các dải núi thấp, ít bị chia cắt, độ dốc trung bình từ 20 - 25 độ, độ cao trung bình từ 100m - 200m.
Hoà Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa đông lạnh, ít mưa; mùa hè nóng, mưa nhiều; hay có thiên tai, mưa lũ, gió lốc, hạn hán... Nhiệt độ trung bình từ 22,9ᵒC đến 25ᵒC. Những tháng trong năm nhiệt độ cao nhất là tháng 6, 7, 8 nhiệt độ trên dưới 30ᵒC, tháng 1, tháng 2 nhiệt độ thấp nhất, khoảng trên dưới 16ᵒC.
Số giờ nắng cả năm từ 1.600 giờ đến 1.900 giờ, tháng có giờ nắng cao nhất là tháng 7 có năm lên tới 245 giờ (1985) các năm khác thường là trên dưới
200 giờ. Lượng mưa hàng năm từ 1.500mm đến 2.500mm, mưa nhiều từ tháng 4 đến tháng 9 trong năm. Độ ẩm trung bình hàng năm 80% đến 85%.
Đường bộ: Các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh như: đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, Hòa Lạc - Hòa Bình, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ số 6 đi qua các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình, huyện Tân Lạc, Mai Châu nối liền Hòa Bình với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc khác, điểm gần trung tâm Hà Nội nhất trên quốc lộ 6 của Hòa Bình thuộc huyện Lương Sơn là gần 40km; quốc lộ 15A đi từ huyện Mai Châu nối quốc lộ 6 với các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hóa; quốc lộ 12B đi qua các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thuỷ và tỉnh Ninh Bình, nối quốc lộ 6 với quốc lộ 1; quốc lộ 21 đi từ thị trấn Xuân Mai (Hà Nội) qua các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thuỷ nối với quốc lộ 12B tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Hệ thống đường nối liền các huyện, xã trong tỉnh với thị xã và với các huyện, tỉnh bạn rất thuận lợi cho giao lưu kinh tế - xã hội.
Đường thủy: Hòa Bình có mạng lưới sông suối phân bổ tương đối dày và đều khắp ở các huyện, với các sông lớn là sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Lạng, sông Bùi. Trong đó, 2 con sông chính là sông Đà và sông Bôi.
+ Sông Bôi bắt nguồn từ Kỳ Sơn chảy qua huyện Kim Bôi, Lạc Thủy ra Nho Quan - Ninh Bình, có chiều dài chảy qua Hòa Bình 60km.
+ Sông Đà là sông lớn nhất chảy qua tỉnh có lưu vực 15.000 km2, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua các tỉnh Tây Bắc Việt Nam ra Việt Trì nhập vào sông Hồng, có chiều dài chảy qua Hòa Bình 151km.
+ Hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước trên 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ mét khối nước, đây là hồ nhân tạo lớn nhất trong cả nước với 47 đảo lớn nhỏ.
+ Giao thông đường thủy trên Sông Đà về phía thượng lưu hồ Hòa Bình có cảng Bích Hạ, cảng Ba Cấp, cảng Bình Thanh, cảng Phúc Sạn (đi các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu). Về phía hạ lưu hiện chưa có bến cảng cho tàu thuyền hoạt động du lịch.
Dân số: Theo thống kê tỉnh Hòa Bình có 832.543 người, trên địa bàn tỉnh có hơn 07 dân tộc cùng chung sống lâu đời, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63.3%; dân tộc Việt (Kinh) chiếm 27.73%; dân tộc Thái chiếm 3.9%; dân tộc Dao chiếm
1.7%; dân tộc Tày chiếm 2.7%; dân tộc Mông chiếm 0.52%; các dân tộc khác chiếm 1.18%.
Kinh tế: năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 9.05%; GRDP bình quân đầu người/năm đạt 58.9 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.000 tỷ đồng; trong năm có thêm 19 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới là 82 xã (chiếm 42.9% tổng số xã), trung bình mỗi xã đạt 15.01 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3.38% (còn khoảng 11.36%); văn hóa - xã hội có bước phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.