Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 9, khóa XVI, tổ chức ngày 2/10/2017, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 10- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề ra đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Tây Bắc, khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trong đó, các đại biểu thống nhất cao với định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chiều sâu, chất lượng và hiệu quả: Xây dựng thương hiệu du lịch để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, thân thiện với môi trường; tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng chất lượng cao; giữ gìn cảnh quan, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đây là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn được nhấn mạnh.
Riêng đối với phát triển sản phẩm du lịch: Các sản phẩm du lịch chính được ưu tiên (du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - văn hóa); các sản phẩm du lịch bổ trợ (hoạt động thể thao vui chơi - giải trí nước, thể thao mạo hiểm gắn với địa hình, du lịch thương mại, công vụ, du lịch tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, du lịch lễ hội truyền thống…); tổ chức không gian phát triển du lịch; phát triển các tour, tuyến du lịch chủ yếu (du lịch nội khu, du lịch liên tỉnh, du lịch chuyên đề sinh thái, mạo hiểm, du lịch quốc tế…).
Đến năm 2025: Khu du lịch Hồ Hòa Bình đạt các tiêu chí của Khu du lịch Quốc gia vào năm 2025; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phấn đấu giai đoạn 2021- 2025 đạt trên 6.3 nghìn tỷ đồng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, số cơ sở lưu trú đạt trên 6 nghìn phòng. Đến năm 2025 đạt 4.9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,.4 nghìn tỷ đồng. Tạo việc làm cho hơn 26 nghìn lao động, trong đó gần 9 nghìn lao động trực tiếp có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch.
Đến năm 2030: Phấn đấu giai đoạn 2026 - 2030 thu hút đầu tư đạt trên 11.9 nghìn tỷ đồng; phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng cao; phát triển cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt trên 10.4 nghìn phòng; phấn đấu đến năm 2030 đạt 7.3 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế là 2 triệu lượt, khách nội địa đạt 5.3 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng; thu hút và tạo việc làm cho gần 47 nghìn lao động, trong đó 15.642 lao động trực tiếp có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Tổng thu hút đầu tư tỉnh đến năm 2030 phấn đấu đạt 23.172,87 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách bao gồm cả vốn ODA là 3.475 tỷ đồng (tương đương 15%). Huy động các nguồn khác bao gồm cả vốn FDI là 19.696 tỷ đồng (tương đương 85%).