Nâng cao vai trò của hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam VASEP
- Một trong những hạn chế căn bản của các hiệp hội ở Việt Nam là khả năng hoạt động rất hạn chế. Hiệp hội phần lớn là những người lớn tuổi đang đảm đương, không có những người trẻ, có năng lực, cập nhật thời đại đang sung sức nắm giữ. Kinh phí hoạt động của hội chủ yếu dựa vào ngân sách của nhà nước, do đó hoạt động của hội còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Chính phủ chỉ nên tạo hành lang pháp lý để hiệp hội hình thành rồi cho các hiệp hội này tự chủ. Chỉ có như thế các hiệp hội mới trở nên năng động cũng như nâng cao vai trò hoạt động của hiệp hội. Vai trò quan trọng của hiệp hội là cung cấp thông tin và tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa ra thị trường các nước khác. Vì vậy, các hiệp hội cần hoạt động có hiệu quả để đảm bảo được vai trò của mình.
- Thị trường thuỷ sản ở Nhật Bản rất phong phú và đa dạng. Nhu cầu về mẫu mã, chất lượng và mức giá hợp lý là thay đổi thất thường, các nhà nhập khẩu mặt hàng này rất khó tính. Do đó, hiệp hội VASEP muốn tư vấn có hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thì cần phải tiến hành hoạt động quảng bá, xúc tiến trên thị trường này. Hiện tại, hiệp hội cần thiết phải có trụ sở tại thị trường Nhật Bản trực tiếp để đảm bảo nguồn thông tin được cập nhật thường xuyên và chính xác. Trước hết, hiệp hội cần phải tận dụng triệt để các cơ hội để quảng
bá những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý của Việt Nam tới các nhà nhập khẩu, rút ngắn khoảng cách giữa các nhà nhập khẩu với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tạo cơ sở cho việc tiến tới các hợp đồng xuất khẩu lớn. Tiếp theo, hiệp hội cũng nên thường xuyên tiếp xúc với thị trường, với các nhà nhập khẩu, với các nhà phân phối, bán lẻ để có những thông tin mới mẻ về thị trường, cũng như cập nhật nhanh chóng những thay đổi bất thường về thị hiếu tiêu dùng. Đây sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể đưa ra các quyết định kinh doanh hiệu quả nhất.
- Hiệp hội cũng nên có những chương trình cho nhà nhập khẩu thuỷ sản của Nhật giao lưu trực tiếp với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Hiệp hội nên thông báo, tư vấn để các doanh nghiệp có thể tham gia các buổi hội chợ quan trọng ở nước ngoài. Hiệp hội nên chủ động tổ chức hay đứng ra đăng cai những ngày hội chợ ngay ở Việt Nam, đây sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các nhà nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Cùng với hoạt động này, Hiệp hội cũng nên có những chương trình tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu và đầu tư Nhật Bản tham quan các cơ sở kinh doanh của Việt Nam, chỉ có quan sát trực tiếp mới có thể làm thay đổi các nhìn về mặt hàng thuỷ sản Việt Nam, đây cũng là nơi diễn ra kí kết các hợp đồng lớn và dài hạn. Hiệp hội cũng cần phải tư vấn khi nhà nhập khẩu và đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường Việt Nam.
- Một hạn chế lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là kém hiểu biết về pháp luật của nước nhập khẩu và những thông lệ quốc tế cũng như những ngoại lệ bất thường
ởthị trường nước nhập khẩu và quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên gặp khó khăn mỗi khi ký kết những hợp đồng lớn, đặc biệt đã có nhiều lô hàng bị đối tác trả lại. Vì vậy, vấn đề trước mắt là các doanh nghiệp cần có sự tư vấn về kinh nghiệm của các chuyên gia trong ngành cũng như am hiểu luật pháp quốc tế của các luật sư. Còn về lâu dài, Hiệp hội nên có chương trình đào tạo cho các nhà lãnh đạo này.
Liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp
Liên kết đang trở thành một xu hướng trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Các doanh nghiệp chỉ có liên kết với nhau mới có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, có nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành xuất khẩu. Mặt khác, quá trình liên kết cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giải quyết được vấn đề nguyên liệu sản xuất. Liên kết cũng là một xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp còn nhỏ bé của Việt Nam trước những đơn hàng lớn của nước ngoài, nhất là các nhà nhập khẩu lớn từ Nhật
Kinh nghiệm từ các nước có thế mạnh về xuất khẩu thuỷ sản cho thấy, chỉ khi các doanh nghiệp trong cùng ngành có sự liên kết để sản xuất thì mới tạo nên sức mạnh, tăng khả năng xuất khẩu. Bằng không, doanh nghiệp nào đứng ngoài sẽ bị đào thải.