Vai trò của đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam hiện nay (Trang 64 - 65)

Người ĐDTPL có vai trò quan trọng trong sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp thông qua việc thúc đẩy các hoạt động và định hướng hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật. Điều này xuất phát bởi nguyên do, về mặt pháp lý, người đại diện phải chịu trách nhiệm cuối cùng về doanh nghiệp với người thứ ba và Nhà nước. Trách nhiệm đó làm cho người đại diện khi thực hiện nhiệm vụ phải rà soát lại các quyết định, giao dịch của doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích doanh nghiệp nhưng không trái quy định của pháp luật và phòng tránh rủi ro về mặt pháp lý trở thành yếu tố bắt buộc. Mặt khác, tiêu chí đánh giá quản trị trong doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng thu hút sự hợp tác từ các đối tác. Điều này thể hiện rõ ở các CTCP đại chúng khi công bố thông tin theo định kỳtheo quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Thiết lập mô hình ĐDTPL của doanh nghiệp tốt sẽ bảo vệ lợi ích của các cổ đông góp vốn vào công ty. Theo lý thuyết đại diện từ góc độ kinh tế học pháp luật, khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành thì mâu thuẫn giữa người đại diện và chủ sở hữu doanh nghiệp cũng xuất hiện. Các xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu với người đại diện bao gồm: người đại diện không nỗ lực vì họ chỉ sở hữu một tỷ lệ vốn nhỏ hoặc người đại diện mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanhđể đảm bảo vị trí và thu nhập trong khi cổ đông muốn chia cổ tức tiền mặt khi công ty có lãi. Đó cũng có thể là trường hợp chủ sở hữu muốn đầu tư vốn dài hạn còn người quản lý quan tâm những dự án có lợi nhuận, những lĩnh vực phù hợp với kỹ năng và lợi ích của mình [76, tr295]. Đối với các công ty lớn, có lịch sử hoạt động lâu, dòng tiền vốn nhàn rỗi

lớn thì nguy cơ người đại diện sử dụng tiền vào mục đích riêng của mình có khả năng xuất hiện mà việc kiểm soát không hề đơn giản. Do đó, với việc xây dựng quy chế hỗ trợ, quy định trách nhiệm và đánh giá hoạt động của người ĐDTPL một cách hợp lý sẽ bảo vệ tốt cho các thành viên góp vốn.

Xác định mô hình ĐDTPL hoàn hảo sẽ bảo vệ được lợi ích của các đối tác của doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước, được gọi chung là các bên có liên quan. Đối với các bên liên quan, sự tồn tại của doanh nghiệp là một tổ chức phức tạp, chỉkhi thông qua người đại diện như là một sự liên kết tạo lòng tin, tạo hình ảnh hữu hình có thực. Các bên liên quan cần có người cụ thể để thỏa thuận nội dung và chịu trách nhiệm khi vi phạm. Theo lý thuyết các bên liên quan (stakeholder theory), các bên liên quan có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp bởi đó là các đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các quyết định của doanh nghiệp. Song song với mục tiêu lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của các thành viên góp vốn, lợi ích các bên liên quan cần được xem xét như là một lợi ích cần cân bằng. Việc bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, của thành viên góp vốn hay các bên liên quan cần được thiết lập và thực hiện một cách hài hòa trong hoạt động của người đại diện của doanh nghiệp.

Qua phân tích trên, từ việc thấy rõ vai trò của người ĐDTPL, các nhà lập pháp càng nhận thấy cần phải có quy định của pháp luật điều chỉnh mối quan hệ này. Bởi đại diện được xem là nền tảng của tổ chức doanh nghiệp – một tổ chức được thành lập và hoạt động trên cơ sở khung pháp luật tư nên cơ chế điều chỉnh cũng được thiết lập dựa trên tiêu chuẩn nhất định

2.4. Sự chi phối của các lý thuyết pháp lý tới lựa chọn mô hình đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam hiện nay (Trang 64 - 65)