Các yếu tố tác động có ý nghĩa thống kê tới thúc đẩy xuất khẩu nông sản là: GDP bình quân đầu người, dân số, khoảng cách địa lý, chỉ số công nghệ, chất lượng các chính sách của Chính phủ. Cụ thể như sau:
Một là, GDP bình quân đầu người gộp có tác động cùng chiều tới khả năng thúc đẩy xuất khẩu. Khi GDP bình quân đầu người gộp tăng 1% thì khả năng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ tăng 0,419% (với điều kiện các yếu tố khác không đổi). Kết quả này là hợp lý vì GDP bình quân đầu người gộp đại diện cho cả sự dồi dào về tư bản trong sản xuất và thu nhập của người tiêu dùng. Trong giai đoạn 2017 - 2020, hệ số này có xu hướng tăng lên do sự gia tăng từ cả phía Việt Nam và Ấn Độ. Đối với Việt Nam, kết quả này cho thấy, gia tăng GDP bình quân đầu người, hay trực tiếp hơn là gia tăng nguồn vốn đầu tư vào sản xuất sẽ có tác động mạnh mẽ tới khả năng thúc đẩy xuất khẩu. Kết quả này một lần nữa tái khẳng định vai trò của nguồn vốn đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Hai là, chỉ số dân số gộp có tác động cùng chiều tới khả năng thúc đẩy xuất khẩu. Khi dân số gộp tăng 1% thì khả năng thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ tăng 1,163%. Tác động của dân số tới khả năng thúc đẩy xuất khẩu khá mạnh vì hệ số này đại diện cho cả quy mô lao động và quy mô thị trường. Giai đoạn nghiên cứu, dân số của cả Việt Nam và Ấn Độ đều tăng. Tuy nhiên, vì số lượng lao động nông nghiệp Việt Nam hiện đã tương đối ổn định nên để gia tăng khả năng thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam cần mở rộng xuất khẩu sang một số nước còn nhiều tiềm năng của Ấn Độ.
Ba là, chỉ số khoảng cách địa lý có tác động ngược chiều tới khả năng thúc đẩy xuất khẩu. Kết quả này phù hợp với thực tế vì chi phí vận chuyển của Việt Nam thường cao hơn so với các nước khác. Hơn nữa, nông sản lại có giá thấp hơn và trọng lượng lớn hơn tương đối so với các hàng hóa khác. Trong dài hạn, nâng cao tỷ trọng hàng chế biến trong cơ cấu hàng nông sản xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm chi phí vận chuyển. Do nhóm hàng này có giá trị gia tăng cao nên khi khả năng thúc đẩy xuất khẩu tăng thì tỷ trọng của chi phí vận chuyển so với giá bán sẽ giảm xuống.
36
Bốn là, chỉ số sẵn sàng công nghệ gộp có tác động cùng chiều tới khả năng thúc đẩy xuất khẩu. Khi điểm số của chỉ số công nghệ gộp tăng 1% thì khả năng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ tăng 1,376%. Giai đoạn nghiên cứu, chỉ số công nghệ gộp có xu hướng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu là từ phía Ấn Độ, còn Việt Nam thay đổi không đáng kể. Mối liên hệ cùng chiều giữa chỉ số công nghệ gộp và khả năng thúc đẩy xuất khẩu có thể giải thích như sau: Về phía Việt Nam, cải thiện công nghệ sẽ tạo điều kiện để gia tăng năng suất, chất lượng hàng nông sản, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu. Về phía Ấn Độ, mặc dù hiện đại hóa công nghệ có thể làm gia tăng quy mô sản xuất trong nước, từ đó giảm nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế thì nhập khẩu của Ấn Độ lại tăng lên. Nguyên nhân có thể là do sự đặc biệt trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, đó là có tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Đa số hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ là các mặt hàng thiết yếu, có hàm lượng công nghệ lao động cao như nông sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chính từ Ấn Độ các mặt hàng công nghệ cao. Do vậy, ngay cả khi chỉ số công nghệ của Ấn Độ tăng nhiều hơn Việt Nam thì khả năng thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản nước ta vào thị trường này vẫn có thể gia tăng. Tuy vậy, kết quả này chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn, khi Việt Nam còn được hưởng lợi ích từ chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Ấn Độ dành cho các nước đang phát triển, còn các đối thủ cạnh tranh lớn của nước ta đã bị chấm dứt. Trong tương lai, khi GSP kết thúc và Ấn Độ cũng tham gia vào Hiệp định Thương mại Tự do với nhiều quốc gia khác thì lợi thế này sẽ không còn nữa. Do vậy, nước ta cần mở rộng mô hình sản xuất ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Năm là, gánh nặng trong quy định của Chính phủ có tác động cùng chiều tới khả năng thúc đẩy xuất khẩu. Khi điểm số về chất lượng của yếu tố này tăng 1% thì khả năng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ sẽ tăng 0,886%. Kết quả này cho thấy, chính sách của Chính phủ hai bên có vai trò quan trọng đến hoạt động xuất khẩu. Về phía Việt Nam, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh là giải pháp cấp bách hiện nay. Liên quan đến chính sách quản lý của Ấn Độ mà trực tiếp là các rào cản thương mại, nâng cao chất lượng hàng nông sản Việt là biện pháp tối ưu để vượt qua rào cản khắt khe của thị trường này.