Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới có thể coi là địa phương nghèo nhất cả nước. Trong điều kiện ngân sách nhà nước phân bổ đến các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, nguồn ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn thì việc vận động, tiếp cận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là hết sức cần thiết.
Trong giai đoạn trước năm 2009, nguồn vốn ODA mà tỉnh nhận được hoàn toàn do nhà nước phân bổ tới các địa phương có nhu cầu, chủ yếu là nguồn vốn phục vụ cho các chương trình, dự án với mục đích giảm nghèo. Bắt đầu từ năm 2010 tỉnh mới bắt đầu tự vận động ODA từ các nhà tài trợ.
Đối với nguồn ODA được phân bổ từ Trung ương tỉnh sẽ đề xuất với nhà nước về nhu cầu các chương trình, dự án cần thực hiện. Nếu nhu cầu đó là cần thiết và phù hợp với Đề án về “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 – 2020”, nhà nước sẽ trích các khoản ODA mà Việt Nam nhận được và phân bổ đến địa phương có nhu cầu.
25
Bên cạnh việc vẫn tiếp nhận ODA được phân bổ từ nhà nước, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực tự vận động ODA từ các nhà tài trợ bằng việc tìm hiểu các mục tiêu của nhà tài trợ sau đó tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại với nhiều hình thức như: Hội thảo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, xã hội, cơ hội liên doanh, liên kết đầu tư, hợp tác phát triển thương mại giữa Điện Biên với các đối tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên các dự án mà tỉnh tự vận động được là các dự án nhỏ, mức đầu tư không lớn và chưa đáp ứng được nhu cầu của tỉnh. Chính vì vậy trong thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư để có thể thu hút được nhiều nhà tài trợ hơn, giảm phụ thuộc vào nguồn NSTW.