Nguyên tắc sáng tạo

Một phần của tài liệu TAI LIEU TAP HUAN KY NANG XAY DUNG VA TO CHUC CAC HOAT DONG TRAI NGHIEM SANG TAO TRONG TRUONG TIEU HOC (Trang 45 - 46)

Đề cập đến các nguyên tắc sáng tạo, tác giả Arthur B.VanGundy đã đưa ra sáu nguyên tắc sáng tạo quan trọng gồm:

1. Tách biệt những ý tưởng mới khỏi sự đánh giá

Cách tốt nhất để có sự sáng tạo là tránh sự phê phán. Nếu chúng ta theo những qui tắc: Phát sinh ý tưởng – đánh giá – phát sinh ý tưởng – đánh giá vv… thì chúng ta luôn bị giới hạn và khó có thể đưa ra một ý tưởng mới. Tách biệt những ý tưởng sáng tạo khỏi sự đánh giá là qui tắc tư duy sáng tạo quan trọng nhất. Bạn sẽ không bao giờ đạt được sự sáng tạo đầy đủ khi không áp dụng quy tắc này. Quy tắc này cho chúng ta có khả năng tư duy phân kì và đưa ra nhiều ý tưởng hay. Cần phải sau tất cả những ý tưởng có thể có được khi đó mới là lúc khẳng định ý tưởng mới và chỉ khi này mới là lúc đánh giá ý tưởng mới này.

2. Kiểm tra giả thuyết

Đây là một qui tắc quan trọng số 2 bởi vì đó là nền tảng cho nhận thức sáng tạo. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những gì mà chúng ta nghĩ là chúng ta nhìn thấy. Khi nhìn một cái gì đó thì chúng ta hãy đặt giả thuyết về nó. Việc đặt giả thuyết này phụ thuộc vào từng hiện tượng mà chúng ta nhận thấy trong cuộc sống. Hàng ngày hãy đặt các giả thuyết về những sự kiện mà chúng ta nhìn thấy. Chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề hiệu quả khi chúng ta biết cách đặt các giả thuyết như thế nào. Hàng ngày chúng ta ra các quyết định mà không thể tiến hành kiểm tra và đánh giá được. Những giải pháp đột phá là cách duy nhất để giải quyết những vấn đề khó khăn, và để làm được điều này chúng ta cần phải biết đặt các giả thuyết về nó. Tuy nhiên, chúng ta cần phải kiểm tra các giả thuyết mà chúng ta đặt ra như thế nào. Đây là một vấn đề cho các tổ chức vì muốn khẳng định tính đúng đắn mà tổ chức đặt ra thì phải tiến hành kiểm tra các giả thuyết của nó. Theo Albert Einstein, có một câu trả lời quan trọng là: Chúng ta không bao giờ được ngừng suy nghĩ, hãy đặt thật nhiều câu hỏi về tất cả những vấn đề mà chúng ta đặt ra. Bạn càng đặt nhiều câu hỏi thì bạn càng có nhiều cơ hội để hiểu về vấn đề mà bạn đặt ra. Một phương

pháp tăng cường việc đặt câu hỏi với chúng ta là trả lời 5 câu hỏi cơ bản: Ai, Ở đâu, Cái gì, Khi nào và Tại sao.

3. Tránh tư duy theo một khuôn mẫu sẵn

Trong cuộc sống chúng ta thường hay có những suy nghĩ hay những hành vi ứng xử theo những khuôn mẫu định sẵn và điều này đã cản trở khả năng tư duy sáng tạo của chúng ta. Những gì chúng ta đã trải qua đó là những hành vi theo thói quen và cho chúng ta thoải mái, an toàn với những gì mình làm và khi chúng ta làm khác đi thì chúng ta luôn sợ hãi và như vậy không có tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo chỉ có thể có được khi chúng ta dám chấp nhận cái mới. Charles Kettering- người phát minh ra động cơ ô tô điện đã từng nói: “chúng ta sẽ không có cái nhìn mới khi chúng ta lún sâu vào vết đường mòn”. Chính vì vậy, để tránh khỏi vết mòn thì chúng ta phải phá vỡ nó – Đây là một việc làm rất khó khăn. Để phá vỡ điều này bạn cần phải ý thức về sự cố gắng. Trước tiên chúng ta hãy nhận thức về suy nghĩ theo thói quen của chúng ta, theo một đường mòn, sau đó chúng ta hãy độc lập thay đổi nó.

4. Tạo ra một bối cảnh mới

Để tạo ra một cái gì đó mới bạn cần phải nhìn ra một cái gì đó mới. Archimedes, khi tắm, đã nhận thấy cơ thể của mình có thể thay thế một lượng nước nhất định và điều này dẫn ông đến một suy nghĩ bừng sáng (bối cảnh mới) đi đến quyết định vương miện là một khối vàng đặc. Nhận thức một vấn đề quá chi tiết sẽ làm chúng ta mất đi một cái nhìn tổng thể và như vậy luôn cần phải tạo ra một viễn cảnh mới. Những hoạt động tạo ra ý tưởng sáng tạo như: Liên tưởng tự do, kết hợp các nhân tố của vấn đề, tăng cường tương tác với người khác, rút ra những phản xạ từ rất nhiều kích thích. Trong mỗi trường hợp này, kết quả thường giống nhau. Tuy nhiên khi chúng ta sử dụng đa dạng các hoạt động thì chúng ta càng dễ dàng tạo ra những viễn cảnh mới.

5. Giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực

Chúng ta thường có suy nghĩ tiêu cực, phê phán đối với một vấn đề mới nào đó vì vậy đã cản trở rất nhiều việc tạo ra một cái mới. Để giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực, chúng ta hãy thể hiện sự cân bằng trong cách trả lời. Để làm được điều này, chúng ta cần:

- Xem xét các ý tưởng như vật liệu thô đầu tiên. Chúng ta có thể chuyển những ý tưởng ban đầu thành những giải pháp có khả năng thực hiện nên cần ủng hộ những ý tưởng mới.

- Khi bạn bắt gặp phải những ý tưởng mới, hãy cố gắng tự mình suy nghĩ và nói “điều đó thật là tuyệt vời”, đó là một điều tích cực. Khi bạn suy nghĩ về nó tích cực sẽ giúp cho chúng ta có những ý tưởng mới tốt hơn.

- Thể hiện dung hòa khi đánh giá ý tưởng mới. Khi gặp phải một ý tưởng mới nào đó, bạn nên suy nghĩ cả theo hướng tích cực và hướng tiêu cực.

6. Chấp nhận mạo hiểm nhưng phải cẩn trọng

Herry Ford cho rằng thất bại là cơ hội để bắt đầu lại một cái mới, nhưng thất bại quá nhiều làm cho con người ta giảm bớt thông minh. Khi chúng ta dám chấp nhận mạo hiểm thì chúng ta mới có thể có được cái mới. Tuy nhiên các sự mạo hiểm không phải là tương đồng như nhau. Mạo hiểm trong suy nghĩ ít nguy hiểm hơn trong hành động.

Một phần của tài liệu TAI LIEU TAP HUAN KY NANG XAY DUNG VA TO CHUC CAC HOAT DONG TRAI NGHIEM SANG TAO TRONG TRUONG TIEU HOC (Trang 45 - 46)