Trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng khi một bên chết trước hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

Một phần của tài liệu Quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình theo luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 95 - 97)

chết trước hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

Thứ nhất: Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không quy

định nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi một bên chết trước hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Vì vậy, cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể để tạo cơ sở pháp lý cho các Tòa án trong thực tiễn xét xử.

Thứ hai: Trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã

chết trở về hoặc có thông tin xác thực về việc người đó còn sống, mà người vợ hoặc chồng ở nhà vẫn chưa "tái giá" thì sở hữu chung hợp nhất đối với khối tài sản chung được khôi phục vào thời điểm nào? Tài sản mà người ở nhà làm ra trong thời gian bên kia "vắng mặt" được coi là tài sản chung hay tài sản riêng? Đây vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, bởi vậy các nhà làm luật nên sớm có những hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này, nhằm bảo

đảm quyền lợi của các bên, tránh sự tùy tiện trong xét xử của các Tòa hiện nay.

Trước đây theo quy định tại Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 thì khi một bên vợ, chồng chết trước, nếu cần chia tài sản chung của vợ chồng " thì chia đôi", phần tài sản của người chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Đây là một quy định hợp lý, bởi quan hệ tài sản của vợ chồng là quan hệ sở hữu chung hợp nhất; mọi tài sản do vợ chồng lao động, sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân; những tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung đều là tài sản chung của vợ chồng. Vợ chồng có quyền sở hữu ngang nhau đối với khối tài sản chung mà không phụ thuộc vào công sức đóng góp của mỗi bên vào việc xây dựng và phát triển vào khối tài sản chung nhiều hay ít.

Cho nên Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cần phải bổ sung vào quy định tại Điều 31 về nguyên tắc chia tài sản chung, tạo cơ sở pháp lý khi giải quyết việc phân chia tài sản, tránh việc tùy tiện khi áp dụng của các Tòa án.

Tuy nhiên thực tế cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, không thể "ngồi chờ" sự hướng dẫn, chỉ đạo từ trên thì mới giải quyết yêu cầu. Bởi vậy trên thực tế, trong các trường hợp cần phải chia tài sản chung của vợ chồng thì nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ chồng luôn được Tòa án áp dụng trước tiên. Thông thường vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng khi một bên chết trước chỉ được đặt ra nếu người để lại di chúc yêu cầu chia di sản thừa kế hoặc những người thừa kế có yêu cầu chia di sản thừa kế. Trong trường hợp này là chia "bình quân", áp dụng cho tất cả các cặp vợ chồng trong thực tiễn, không phải căn cứ vào công sức đóng góp của vợ, chồng trong việc tạo dựng tài sản chung.

Như vậy, dựa trên bản chất của quan hệ hôn nhân và tính chất sở hữu chung hợp nhất về tài sản của vợ chồng, việc phân chia tài sản chung của vợ

chồng khi một bên chết trước hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết theo nguyên tắc chia đôi là hoàn toàn phù hợp về mặt lý luận cũng như thực tiễn cuộc sống.

Một phần của tài liệu Quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình theo luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 95 - 97)