hôn nhân không có văn bản thỏa thuận
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 còn quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phải lập thành văn bản. Trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung thì có
quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Vấn đề đặt ra là "bản thỏa thuận" về chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân tồn tại, nên chăng cần phải được sự công nhận của Tòa án hay một cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sự "can thiệp" của Tòa án chỉ đặt ra khi vợ chồng không thỏa thuận được việc chia tài sản chung? Thiết nghĩ cần phải có các văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, để tránh tình trạng vợ chồng dựa vào các lý do không chính đáng để chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Để hạn chế các cặp vợ chồng trong thực tế lạm dụng quyền trong việc chia tài sản chung nhằm mưu cầu lợi ích trái pháp luật, xâm phạm tới quyền lợi của người khác, khoản 2 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định: "Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận" [25]. Cụ thể hóa điều này, Điều 11 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ có hướng dẫn các trường hợp được coi là "trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản" như sau:
1. Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
3. Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
4. Nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
5. Nghĩa vụ trả nợ cho người khác.
6. Các nghĩa vụ về tài sản khác theo quy định của pháp luật [2]. Như vậy, nếu phát hiện việc vợ chồng có yêu cầu chia tài sản chung "nhằm trốn tránh nghĩa vụ về tài sản" thì phán quyết của Tòa án phải bị hủy bỏ.