Quan hệ cấp dưỡng giữa bố mẹ và con

Một phần của tài liệu Quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình theo luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 74 - 75)

Gia đình là sự liên kết của nhiều người, nhiều thế hệ dựa trên có sở mối quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng, trong đó mọi người cùng quan tâm giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần và vật chất, có các nghĩa vụ và quyền đối với nhau theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Quan hệ cha, mẹ và con là một trong hai mối quan hệ cơ bản để hình thành một gia đình hạt nhân. Khác với các quan hệ pháp lý thông thường khác, quan hệ gia đình chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật và cả yếu tố truyền thống, đạo đức, lễ nghĩa. Cha mẹ với tư cách là người sinh ra con cái có thiên chức và trách nhiệm nuôi dạy con cái trưởng thành, đồng thời cũng có quyền nhất định. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân giữa cha mẹ mà phát sinh trên cơ sở mối quan hệ tự nhiên, bất biến. Lợi ích mà cha mẹ và con được hưởng cũng như nghĩa vụ mà cha mẹ và con phải thực hiện cho nhau chỉ phát sinh khi giữa họ có quan hệ cha mẹ và con với nhau.

Như vậy, thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Quyền này chỉ bị hạn chế khi có quyết định hoặc bản án của Tòa án xuất phát từ lợi ích của con. Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, không được phép ruồng rẫy, ngược đãi hay từ chối trách nhiệm của mình đối với con cái. Vì lợi ích, vì sự phát triển bình thường và lành mạnh của con trẻ, đạo đức xã hội cũng như pháp luật đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ tối thiểu của cha, mẹ đối với con cái.

Khi sinh con, cha mẹ có trách nhiệm đảm bảo những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, cho sự phát triển của con trong phạm vi khả năng của mình như: ăn, mặc, ở, chữa bệnh… Cha mẹ bằng khả năng lớn nhất của mình phải tạo điều kiện cho con cái học hành và các chi phí phát sinh từ đó. Trách nhiệm này là hết sức cần thiết nhằm giúp con cái có thể hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ, tạo nền tảng về thể trí cho tương lai của con cái.

Quan hệ gia đình với tính chất đặc thù của mình luôn thiết lập một tôn ti trật tự tự nhiên của nó. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục con cái, ngược lại, con cái với tư cách là người được hưởng sự yêu thương, nuôi dưỡng và hy sinh của cha mẹ phải có bổn phận kính trọng, biệt ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Việc cha mẹ và con cái thực hiện quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định đã trở thành một chuẩn mực đạo đức được cả xã hội thừa nhận. Luật quy định con cái có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu hoặc không có điều kiện lao động, không tự lo cho cuộc sống của mình.

Một phần của tài liệu Quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình theo luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 74 - 75)