Trường hợp toàn bộ tài sản chung của vợ chồng đã được phân chia, phát sinh các khoản mục chi tiêu chung khác

Một phần của tài liệu Quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình theo luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 101 - 103)

phân chia, phát sinh các khoản mục chi tiêu chung khác

Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: "Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng" [25]. Như vậy, nếu vợ chồng thỏa thuận chia một phần tài sản chung thì phần đã chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản đã chia đó thuộc sở hữu riêng của vợ chồng; phần tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Vấn đề đặt ra là, trường hợp vợ chồng yêu cầu chia toàn bộ tài sản chung thì không còn căn cứ phát sinh tài sản chung nữa, như vậy việc chi dùng trong gia đình và các nghĩa vụ chung của vợ chồng sẽ được giải quyết như thế nào? Trách nhiệm của các bên trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của gia đình sẽ được giải quyết ra sao? Vô hình chung quy định này có thể làm ảnh hưởng tới sự ổn định của gia đình, mất đi bản chất, chức năng của gia đình xã hội chủ nghĩa! Bởi vậy nhà làm luật cần phải có những quy định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định của gia đình.

Mặt khác Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ còn quy định: "Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác" [2]. Theo quy định này thì sau khi chia tài sản chung, mọi thu nhập mà mỗi bên có được sẽ không thuộc sở hữu chung hợp nhất nữa. Điều này có nghĩa là kể từ khi chia tài sản chung của vợ chồng, chế độ sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng sẽ chấm dứt.

Quy định này là mâu thuẫn với khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 vì xuất phát từ tính cộng đồng của quan hệ hôn nhân, thì tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng, không phân biệt mức đóng góp, thu nhập của mỗi bên, không đòi hỏi phải do cả hai bên cùng trực tiếp tạo ra, do đó cần kịp thời có sửa đổi quy định này. Hơn nữa với quy định này sẽ tao ra "lỗ hổng pháp luật" cho việc "trốn tránh" trách nhiệm đóng góp của vợ chồng vào đời sống chung của gia đình.Vì vậy theo em, cần phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của vợ chồng đối với đời sống chung của gia đình khi chia tài sản chung.

Qua phân tích trên cho thấy, quy định về hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là chưa đầy đủ, chưa hợp lý và chính xác. Luật Hôn nhân và gia đình cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên đối việc duy trì sự ổn định và phát triển của gia đình sau khi chia tài sản chung. Và quy định rõ những tài sản mà vợ chồng có được sau khi chia tài sản chung do được thừa kế chung, tặng cho chung là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp người để lại di sản thừa kế, người tặng cho tài sản đã có sự phân định rõ quyền của mỗi bên vợ, chồng trong khối tài sản đó.

Sau khi chia tài sản, vợ chồng có thể khôi phục lại chế độ tài sản chung, trên cơ sở có văn bản thỏa thuận giữa vợ chồng về việc khôi phục tài sản chung và có người làm chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc theo quy định của pháp luật (Điều 9 Nghị định số 70/2001/NĐ- CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ).

Với điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, việc quy định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là rất cần thiết, đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội và nhu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh của pháp luật, giải quyết tốt các tranh chấp có thể xảy ra thì pháp luật cần quy định về vấn đề này một cách chặt chẽ, logic và hợp lý hơn.

Một phần của tài liệu Quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình theo luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 101 - 103)