Quan hệ nuôi con nuôi được duy trì nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên chủ thể, nhất là vì lợi ích của người con nuôi nhưng khi mục đích của việc nuôi con nuôi không còn thì việc duy trì quan hệ nuôi con nuôi không còn ý nghĩa. Do đó, khi có các căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì “quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt” [31, Điều 27, khoản 1]. Quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt phát sinh các hậu quả pháp lý sau:
- Các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt khi bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực. Con nuôi chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động được giao cho cha mẹ đẻ hoặc cá nhân, tổ chức khác trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục vì lợi ích tốt nhất của người đó.
- Trường hợp con nuôi được giao cho cha mẹ đẻ thì các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đã chấm dứt theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 của Luật sẽ được khôi phục. Đây là quy định mới so với chế định nuôi con nuôi trước
đây, phù hợp với hệ quả của việc nuôi con nuôi mà Luật đã quy định. Kế thừa quy định của BLDS, Luật HN&GĐ năm 2000 về quyền được lấy lại họ, tên của con nuôi khi chấm dứt việc nuôi con nuôi, khoản 5 Điều 27 Luật Nuôi con nuôi quy định: "Con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi" [31].
- Trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công lao đóng góp vào khối tài sản chung của cha mẹ nuôi thì được hưởng phần tài sản tương xứng với công lao đóng góp theo thỏa thuận với cha mẹ nuôi; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khoản 2 Điều 44 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “Con từ đủ mười lăm tuổi trở lên còn chung sống với cha mẹ có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; nếu có thu nhập thì đóng góp vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình” [30]. Luật đã quy định đây là nghĩa vụ của con nuôi đối với cha mẹ nuôi, vì vậy, khi chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi, thì người con nuôi sẽ được lấy lại những tài sản tương xứng với công lao đóng góp của mình, vừa đảm bảo quyền của người nuôi và của người được nhận nuôi.
Bên cạnh pháp luật quy định về chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì vấn đề hủy việc nuôi con nuôi vẫn xảy ra trong thực tiến xét xử nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định nào về vấn đề này. Thực tế, trong quan hệ nuôi con nuôi vẫn xảy ra vi phạm và các bên yêu cầu Toà án giải quyết huỷ quan hệ nuôi con nuôi. Bản chất việc huỷ quan hệ nuôi con nuôi và chấm dứt nuôi con nuôi là khác nhau về căn cứ, trình tự và hậu quả pháp lý…
Huỷ việc nuôi con nuôi có thể được giải quyết theo thủ tục hành chính hoặc thủ tục tư pháp. Thủ tục hành chính được áp dụng khi phát hiện có những sai sót, vi phạm trong thủ tục đăng ký nuôi con nuôi. Những sai sót đó có thể là người cho con làm con nuôi không thể hiện ý chí một cách minh bạch về việc đồng ý cho con làm con nuôi bằng văn bản, thiếu sự đồng ý của một bên cha đẻ hoặc mẹ đẻ khi những người này vẫn còn sống và có năng lực
hành vi dân sự…
Thủ tục tư pháp được áp dụng khi các bên đương sự hoặc người có thẩm quyền có yêu cầu huỷ việc nuôi con nuôi vì đã có sự vi phạm các điều kiện cần thiết của việc nuôi con nuôi, việc cho nhận con nuôi không đúng mục đích, có sự trục lợi trong việc cho nhận con nuôi…
Thực tiễn xét xử cho thấy rằng, cần phải quy định cụ thể về huỷ việc nuôi con nuôi, tạo cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế, đảm bảo việc xét xử phù hợp với tính chất khách quan của quan hệ pháp luật, đồng thời ngăn chặn những hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi vào những mục đích trục lợi khác.
Chương 3
THỰC TIỄN THỰC HIỆN QUAN HỆ CHA MẸ NUÔI - CON NUÔI VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT