Theo Khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, trường hợp cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ có sự thỏa thuận về việc có chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ với con đã cho làm con nuôi hay không, chấm dứt hoàn toàn hay vẫn tồn tại một số quyền và nghĩa vụ nhất định sẽ làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể, nhưng phải trên cơ sở đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người con nuôi.
Về nguyên tắc, cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có toàn quyền thỏa thuận với nhau về các quyền và nghĩa vụ làm cha mẹ đối với người con, trên cơ sở đảm bảo mục đích của việc nuôi con nuôi là vì lợi ích tốt nhất của người được nhận nuôi. Việc thỏa thuận này bao gồm các quyền và nghĩa vụ mà cha mẹ đẻ sẽ được giữ lại đối với con và cách thức thực hiện những quyền này sau khi đã cho con làm con nuôi [34, tr.27]. Ví dụ, cha mẹ đẻ có thể không có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi nhưng vẫn có quyền đại diện cho con theo pháp luật hoặc cha mẹ đẻ không có quyền đại diện cho con theo pháp luật nhưng vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên,…. Việc thỏa thuận này tuân theo ý chí, sự tự nguyện của cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ trong việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ còn tồn tại giữa cha mẹ đẻ và con đã đi làm con nuôi.
- Trường hợp cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi thỏa thuận chấm dứt toàn bộ quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con đã đi làm con nuôi thì đồng nghĩa với việc, quan hệ thừa kế của hai bên chủ thể cũng sẽ chấm dứt. Mặc dù pháp luật không ghi nhận việc chấm dứt quan hệ thừa kế giữa cha mẹ đẻ và con đã đi làm con nuôi nhưng xét trên thực tế, việc chấm dứt quyền thừa kế của con nuôi với cha mẹ đẻ là hợp lý. Khi còn nuôi đã xác lập quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi với gia đình mới, các quyền và nghĩa vụ mới của con nuôi phát sinh với cha mẹ nuôi như với cha mẹ đẻ, do vậy để song song tồn tại quyền thừa kế từ cha mẹ đẻ và thừa kế từ cha mẹ nuôi là điều không thật cần thiết. Khi đã thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn quyền và nghĩa vụ, cha mẹ nuôi cũng muốn con nuôi không còn mối quan hệ nào với gia đình cha mẹ đẻ, kể cả quyền thừa kế. Do đó, trường hợp cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận chấm dứt toàn bộ quyền và nghĩa vụ cha mẹ và con giữa cha mẹ đẻ và con đã đi làm con nuôi là sự chấm dứt hoàn toàn, tuyệt đối, kể cả quyền thừa kế. Điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự thoả thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Sự thoả thuận đó không với pháp luật bởi lẽ quan hệ nuôi con nuôi xuất phát trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của các bên, không xâm phạm đến lợi ích của con nuôi và được pháp luật tôn trọng, đảm bảo thực hiện.
- Trường hợp cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi thỏa thuận chấm dứt một số quyền và nghĩa vụ nhất định của con đã đi làm con nuôi với gia đình cha mẹ đẻ thì những quyền và nghĩa vụ không thỏa thuận chấm dứt sẽ vẫn tồn tại và được thực hiện trên thực tế. Khi đó, tùy thuộc vào nội dung của thỏa thuận mà quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được thực hiện cụ thể, rõ ràng.
- Trường hợp cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ thỏa thuận giữ nguyên toàn bộ quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con đã đi làm con nuôi thì quyền và nghĩa vụ của các bên không thay đổi. Tuy nhiên, việc đi đến thỏa thuận này là điều không dễ dàng bởi sự tồn tại mối quan hệ ba bên: cha mẹ đẻ - cha mẹ
nuôi – con đã đi làm con nuôi sẽ trở nên phức tạp và không tránh khỏi những tranh chấp phát sinh. Việc này trong một số trường hợp sẽ đẩy con nuôi vào tình thế khó khăn khi mà con nuôi sẽ phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với cả hai bên cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng, giám hộ,…. Vì vậy, trên thực tế, việc cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi thỏa thuận giữ lại toàn bộ quyền của cha mẹ đẻ đối với con cũng như quyền và nghĩa vụ của con đã đi làm con nuôi với cha mẹ đẻ là điều khó có thể xảy ra.
Pháp luật tôn trọng quyền tự do thoả thuận của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, sự thoả thuận đó phải bảo đảm lợi ích của người con nuôi. Việc thoả thuận đó phải được thực hiện trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện và hiểu rõ những hệ quả pháp lý phát sinh từ việc cho - nhận con nuôi. Do đó, cán bộ tư pháp - hộ tịch phải nắm chắc pháp luật nuôi con nuôi để có thể tư vấn một cách đúng đắn cho các bên khi quyết định thoả thuận giữ lại hay chấm dứt những quyền, nghĩa vụ gì giữa cha mẹ đẻ và con theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP để trẻ em tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của gia đình. Đồng thời, việc thoả thuận đó được ghi thành văn bản để UBND nơi đăng ký việc nuôi con nuôi giám sát thực hiện việc nuôi con nuôi; là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện quan hệ nuôi con nuôi.
Như vậy, quy định tại khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi cho phép cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi được thỏa thuận các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con đã đi làm con nuôi là một điểm hoàn toàn mới điều chỉnh hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi. Mặc dù quy định này của pháp luật tôn trọng ý chí của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của con nuôi, tuy nhiên pháp luật cần có quy định chặt chẽ hơn nữa các nội dung cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi được thỏa thuận, trên tinh thần đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ được nhận nuôi, bên cạnh đó tránh được những tranh chấp,
vướng mắc sau này khi thực thi các quyền và nghĩa vụ đó.