- Đối với người nhận con nuôi: việc nuôi con nuôi đáp ứng nhu cầu chính đáng của người nhận con nuôi là muốn xác lập quan hệ cha mẹ và con với trẻ em không cùng huyết thống, đặc biệt có ý nghĩa đối với những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm con; những người có sống cuộc sống đơn thân nhưng vẫn mong muốn có con….. Điều này đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc khi được làm cha, làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng, nhiều gia đình. Mặc dù những đứa trẻ được nhận nuôi không cùng huyết thống, không được sinh ra từ chính người mẹ, nhưng đứa trẻ vẫn được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ bằng chính tình yêu thương của cha mẹ nuôi. Pháp luật Việt Nam ghi nhận mục đích nhân đạo của việc nuôi con nuôi và tạo điều kiện cho những đối tượng này có cơ hội được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con. Pháp luật có các quy định điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của người nhận nuôi cũng như các chế tài kèm theo khi có tranh chấp, có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra giúp cho việc thực hiện quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi trên thực tế diễn ra đúng đắn, nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ em được nhận nuôi.
- Đối với người được nhận nuôi: người được nhận nuôi là những đứa trẻ dưới 16 tuổi, trong một số trường hợp dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật. Đây là độ tuổi trẻ em cần được chăm sóc để có thể phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, cần có sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Trẻ em được nhận nuôi sẽ được nuôi dạy và lớn lên trong một gia đình thực sự, trong bầu không khí hạnh phúc – nơi mà mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có quyền được hưởng. Gia đình là cái nôi, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển và hoàn thiện của trẻ. Bên cạnh đó, việc được nhận làm con nuôi sẽ hạn chế được tối đa những hiểm họa rình rập đứa trẻ khi chúng không có mái ấm gia đình che
chở như bị đánh đập hành hạ, bị lôi kéo, ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội, hoặc bị lạm dụng thực hiện những công việc lao động tay chân nặng nhọc quá sức của trẻ…. Mục đích của việc nuôi con nuôi được quy định tại Điều 2 Luật Nuôi con nuôi: “Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình” [31].
- Đối với gia đình: trẻ được nhận nuôi sẽ giảm bớt gánh nặng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông con bởi điều kiện về vật chất, kinh tế không cho phép những đứa trẻ được chăm sóc, nuôi dạy, phát triển bình thường trong những gia đình này. Những gia đình nhận trẻ em làm con nuôi sẽ đáp ứng được nhu cầu, mục đích tạo lập mối quan hệ cha mẹ và con đối với trẻ em. Hai bên gia đình có thể thỏa thuận với nhau về việc nuôi dạy đứa trẻ nhưng không được trái với các quy định của pháp luật về các quyền và nghĩa vụ của con nuôi đối với cha mẹ nuôi cũng như các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi.
- Đối với xã hội: việc nuôi con nuôi giải quyết phần nào gánh nặng đối với những cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Trong khi kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, các cơ sở bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập còn nhiều hạn chế về kinh phí xây dựng, cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng trẻ còn nghèo nàn…. Một số trung tâm nuôi dưỡng trẻ hoàn toàn do cá nhân hoặc tổ chức tự lập ra, duy trì hoạt động bằng nguồn kinh phí của chính cá nhân, tổ chức đó nhưng quy mô hoạt động còn nhiều hạn chế, nhất là về kinh phí, do vậy chưa đảm bảo được việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Việc nhận trẻ em tại những cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tàn tật, cơ nhỡ, có ý nghĩa hết sức to lớn, tạo nguồn động lực cho các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tiếp tục duy trì hoạt động và kêu gọi được sự nhân ái, lòng
trắc ẩn từ phía các gia đình đang muốn nhận nuôi con nuôi. Bên cạnh đó, việc nuôi con nuôi cần bảo đảm duy trì bản sắc dân tộc của con nuôi nên Nhà nước khuyến khích và ưu tiên việc nuôi con nuôi trong nước. Do đó, việc nuôi con nuôi trước hết phải được thực hiện trong nước và phải có cơ chế để đảm bảo việc nuôi con nuôi trong nước có hiệu quả.